> Sai phạm hàng chục tỷ đồng ở dự án thủy điện Sê San 4
> Xây một nhà máy nước, sai phạm gần 166 tỷ đồng
Đắk Lắk: Đập 739 có thể vỡ khi mùa mưa đến
Dự án công trình thủy lợi 739 ở xã Ea Bung huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh duyệt tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 33,158 tỷ đồng vào ngày 6-1-2009, chủ đầu tư là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, nhằm lấy nước tưới 300 ha đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản, phát triển cụm dân cư 220 hộ bằng nguồn vốn ODA thuộc chương trình Tam giác phát triển.
Công trình được chia làm 2 gói thầu: Gói số 1 xây dựng hồ đập, cống tràn đầu mối trị giá 16.347.216.000 đồng, bên trúng thầu là liên danh Cty TNHH XD Yến Ngân và Cty TNHH Quang Minh, do Cty Yến Ngân đại diện. Gói số 2 làm kênh mương, đơn vị khác thi công.
Gói thầu số 2 đã nghiệm thu bàn giao xong từ tháng 5-2012. Riêng gói số 1 ấn định thời gian thi công 700 ngày, nhưng hợp đồng xây dựng ký tháng 10-2009 thì tới tháng 6-2010 Cty Yến Ngân đã được chủ đầu tư cho quyết toán xong với 3 lần nghiệm thu xác nhận đã hoàn thành hết khối lượng xây lắp, dù thực tế công trình đang thi công dang dở.
Năm 2011 phần bê tông mái thượng lát chưa xong đã xuất hiện nhiều vết nứt vỡ, buộc phải dỡ ra làm lại. Việc sửa chữa trì trệ, kéo dài đến tháng 8-2012 chưa xong, công trình chưa tích nước được theo yêu cầu đã bị lũ xô vỡ đập đoạn giữa lòng suối.
Thay vì mời tư vấn, giám định kỹ thuật đến để đề ra giải pháp khắc phục hợp lý, đơn vị thi công lại vá đoạn đập vỡ bằng cách đổ đất không lu lèn.
Cho đến nay, phần bê tông mái thượng vẫn chưa lát xong mà nguồn nước thấm qua đập đã đổ thành dòng phía hạ lưu ngày càng lớn ...
Đắk Nông: Những cung đường nham nhở
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông được giao nhiệm vụ chủ đầu tư hàng loạt công trình đường ra biên giới và cụm dân cư, trong đó riêng các gói thầu giao cho Cty Yến Ngân thi công đã lên đến hơn 64 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Mạnh Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức băn khoăn: Công trình di dân xã Đắk Huýt huyện chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, các việc còn lại do chủ đầu tư quản lý. Đã quá hạn gần 3 năm, công trình vẫn chưa thể nhận dân.
Kết quả xác minh trên hồ sơ và đi thực địa của chúng tôi cho thấy: Gói thầu xây dựng cụm di dân Đắk Huýt huyện Tuy Đức trị giá gần 9,5 tỷ đồng đã được xác nhận nghiệm thu 5 lần và chuyển hết tiền từ tháng 7-2010 khi thi công mới được hơn nửa khối lượng. Cho tới nay đường vào vẫn chưa thông, nhiều phần việc còn ngổn ngang.
Chúng tôi tiếp tục quan sát công trình đường giao thông từ xã Đắk Wil ra huyện Cư Jút, tổng mức đầu tư 21.083.145.000 đồng, khởi công từ tháng 9-2009, quy định thi công trong 673 ngày.
Quyết toán đợt 5 vào tháng 4-2011, chủ đầu tư đã cho thanh toán 13.293.000.000 đồng, trong đó có cả 1 cái cống hộp ở km19+58 và 18 km đường mòn mới ủi phong hóa.
Tới nay phần lớn chiều dài đoạn đường vẫn lổn nhổn đất đá với nhiều cầu cống đang thi công, có chỗ phải chờ xe múc san đất mới qua được, có đoạn dốc cao chót vót do không hạ cốt nền theo thiết kế.
Công trình đường ra biên giới xã Đắk Rót ra huyện Đắk Mil tổng mức đầu tư 22.686.082.000 đồng, đã nghiệm thu thanh toán đến 20.716.234.428 đồng trong khi khối lượng công việc dở dang còn nhiều, thậm chí nguyên cả đoạn đèo Đắk Rót chưa hề thi công, hiện chỉ là lối mòn gãy khúc đến xe máy cũng khó chạy. Quá hạn hợp đồng gần 2 năm giao thông vẫn tắc nghẽn, công trình chưa thể bàn giao.
Tương tự, công trình cải tạo nâng cấp đường vào đồn biên phòng 757 huyện Đắk Mil trị giá gần 10,9 tỷ đồng cũng có phần nghiệm thu khống vượt khối lượng, quá hạn hợp đồng hơn 8 tháng vẫn chưa xong.
Nhà thầu nợ đầm đìa, làm sao khắc phục ?
Những người liên quan biết rõ: chuyện động trời đổ bể, bắt nguồn từ mâu thuẫn nội bộ các thành viên thuộc Cty TNHH XD Yến Ngân!
Ông Trương Quang Lương nguyên bố vợ ông Nguyễn Hữu Điền- Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc Cty TNHH XD Yến Ngân gửi đơn tố cáo kèm nhiều hồ sơ văn bản, cho rằng tổng số tiền quyết toán khống mà Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 2 tỉnh đã chuyển cho ông Điền tại thời điểm nghiệm thu 5 công trình trên ước khoảng 20 tỷ đồng.
Theo đơn, ông Điền có các biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiền quyết toán khống nhận từ 5 công trình trên, ông Điền chuyển vòng vèo đi đâu không rõ, cũng không thi công tiếp, mà thuê một B phẩy vá víu công trình không đúng theo yêu cầu thiết kế, chỉ nhằm “chạy tội giúp chủ đầu tư”.
Còn theo trình bày của ông Nguyễn Hữu Điền với báo Tiền Phong, thì nguyên nhân mọi việc do kinh doanh thua lỗ mất vốn. Hiện Cty nợ chi nhánh ngân hàng Đầu tư 31 tỷ, nợ Quỹ đầu tư Phát triển trên 12 tỷ, nợ chi nhánh ngân hàng Công Thương 8,5 tỷ nợ nhiều cá nhân khác vài ba tỉ nữa.
Trong nhiều khoản chi không thể giải trình, có những khoản quà cáp, hoa hồng theo kiểu làm ăn “có qua có lại”.
Sau khi vợ kiện ra tòa ly dị, nhà riêng bị ngân hàng thu hồi cấn nợ, ông Điền phải thuê nhà ở, cuộc sống khó khăn. Đơn ông Điền kiện ông Lương “muốn cướp Cty” đã được tòa án thụ lý.
Hiện Cơ quan điều tra Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đang vào cuộc để điều tra làm rõ các nội dung tố cáo của ông Lương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã gửi công văn đề nghị ngân hàng ngừng các giao dịch liên quan tới tài sản thế chấp của Cty Yến Ngân, chờ kết quả xác minh những nội dung ông Lương tố cáo.