> Phát hiện hai container rác công nghiệp
> Hầm mỏ thành hầm chứa rác thải nguy hại
Tràn lan
Từ nhiều năm qua, dọc trục đường 25B hình thành các điểm mua bán phế liệu, thực chất là các loại rác thải công nghiệp được thu gom từ các nhà máy.
Nhiều nhất ở đây là các loại thùng phuy nhựa lớn bé từ 20 lít cho đến 200 lít. Đây vốn là các thùng chứa hóa chất, dầu, keo dán, chất tẩy rửa dùng trong các nhà máy sản xuất dày, dệt, nhuộm… được loại thải sau khi sử dụng.
Ông Sơn - chủ một điểm phế liệu ở ấp Xóm Gốc, xã Long An giới thiệu với chúng tôi về chức năng của thùng phuy, có thể làm thùng chứa nước, chứa bột, kết bè… Chúng tôi hỏi mua về làm thùng chứa nước uống.
Ông Sơn nói: “Quá tốt đi chứ, ở đây tôi bán giá sỉ cho mối đưa về miền Tây bán làm thùng chứa nước. Mỗi chuyến người ta đến mua hàng trăm thùng”.
Mở một nắp thùng phuy nhựa, mùi hóa chất nồng nặc xông lên. Ông chủ phế liệu trấn an: “Đây là thùng chứa nguyên liệu thuốc tẩy, súc rửa bằng xà bông vài lần là sạch ngay”.
Qua điểm bán phế liệu của một người giới thiệu tên Mai, ở đây thùng phuy nhựa lớn bé được bà Mai chất đầy trước sân, sau nhà cao mấy lớp. Chúng tôi hỏi mua thùng phuy nhựa về làm phao kết bè cá.
Bà Mai đon đả: “Đúng rồi, anh phải làm bằng phuy nhựa mới bền và lấy loại phuy lớn mới đảm bảo. Dân nuôi cá bè ở Long Sơn, Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) đều đến mua ở đây”.
Thấy chúng tôi lo ngại hóa chất ở bên trong có thể gây ảnh hưởng cá nuôi trong bè, bà Mai nói: “Đóng kín nắp thì làm sao thoát ra nước được. Người ta sử dụng loại này để làm phao bè cá, có ai bị thiệt hại đâu”.
Bà Mai cho biết, thùng phuy được mua lại từ các đầu mối khác đưa từ các nhà máy ra. Bà Mai khẳng định cả khu vực này không ai có giấy phép mua bán phế liệu. “Nếu mua nhiều và vận chuyển đi xa thì có giấy vận chuyển của công ty”- bà Mai nói.
Vô tư
Ở làng cá bè La Ngà (xã La Ngà và xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) có hàng trăm bè nuôi cá. Để làm số bè này, người dân phải dùng hàng ngàn thùng phuy nhựa làm phao.
Ông Sáu Lên, một người nuôi cá bè ở đây cho biết: “Ngày trước thì dùng phuy sắt làm phao bè, nhưng sau này hầu hết người dân chuyển sang dùng phuy nhựa. Dùng được vài năm thì phuy nhựa cũng mục phải thay phuy mới. Nếu dùng nhiều thì xuống Biên Hòa, Long Thành mua vài chục cái phuy về làm, còn nếu thay thế phuy hỏng thì mua tại địa phương cũng có điểm bán”.
Ngoài làm phao bè thì các thùng phuy nhựa còn được người dân làng bè làm thùng đựng thức ăn nuôi cá, đựng gạo, chứa nước sinh hoạt hằng ngày.
Anh Thanh, một chủ bè kể: “Sống trên sông nước, bè nào cũng dùng phuy nhựa để đựng nước uống. Mua về, rửa cho sạch là dùng được. Bà con dùng lâu nay có sao đâu”.
Từ loại rác thải nguy hại, những thùng phuy hóa chất đã trở thành vật dụng sinh hoạt tiện lợi của người dân nông thôn, ít ai quan tâm đến nguồn gốc tính độc hại của thùng chứa hóa chất này.
Riêng về chức năng làm phao bè thì trên đầu nguôn sông Đồng Nai đang có hàng vạn thùng chứa hóa chất hằng ngày dập dềnh trên đầu nguồn nước.
Theo thống kê của Công an tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, chôn lấp chất thải chưa qua xử lý không đúng quy định; một số doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải nguy hại nhưng không làm đúng quy trình mà đem chôn lấp, đổ bậy, mua bán... Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có hai công ty có chức năng xử lý rác thải công nghiệp.
Nhà nước khuyến khích việc tái chế rác thải, nhưng việc mua bán rác thải chưa qua xử lý là sai về quy định bảo vệ môi trường.
Đối với các hộ mua bán rác thải công nghiệp như nêu trên, ông Chánh khẳng định hoàn toàn sai và trách nhiệm kiểm tra xử lý thuộc về cơ quan quản lý môi trường cấp huyện.