‘Cái bang’: ngày liệt, tối nhảy tưng tưng
> Lộ diện thêm một nhóm 'cái bang'
> Nghiêm trị 'cái bang' bóc lột người già, trẻ em
Phong, một tay “cái bang” giả dạng có tiếng, lết trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7. Ảnh: Đức Phú (Tuổi Trẻ) |
“Lò” đào tạo
Tổng hành dinh của các đối tượng “cái bang” giả bại liệt nằm ở nhà số TK29/22, hẻm 28 đường Nguyễn Cảnh Chân (phường Cầu Kho, quận 1). Đây là căn nhà do vợ chồng một chủ đại lý vé số thuê để làm “trụ sở”. Trong căn nhà này, ngoài những người đi bán vé số bình thường, còn có bảy thanh niên chuyên giả dạng bại liệt lê lết khắp nơi bán vé số và xin tiền.
Hằng ngày, vợ chồng chủ đại lý cung cấp vé số cho các thanh niên giả bại liệt đi bán, còn việc đào tạo thành người bò lết dọc đường được một thanh niên tên Toàn đảm nhận. Toàn khoảng 24 tuổi, quê Phú Yên, dáng người to mập, được giới giả dạng bại liệt tôn là Toàn “đại ca”.
“Tao làm nghề này mười mấy năm nay và cho ra lò hàng chục thanh niên khỏe mạnh thành người tàn tật rồi” - Toàn khoe.
Không chỉ huấn luyện đàn em, Toàn còn đảm nhiệm chở một số đối tượng đi hành nghề, mỗi người phải đóng cho Toàn 100.000 đồng/ngày.
Ngày 24-12-2012, chúng tôi thâm nhập vào ổ giả dạng do Toàn đào tạo. Chỉ trong một ngày, Toàn truyền lại cho “lính” mới đủ ngón nghề. Gặp chúng tôi, Toàn khuyên ra chợ mua vài bộ quần áo cũ, rộng thùng thình, đem về nhà xé rách vài chỗ, rồi mặc vào để hành nghề.
Toàn dặn: “Cho dù có ai đánh đập, đe nẹt cũng phải lì lợm nằm im, không được đứng dậy”.
Khi lết dọc đường, không cần mở miệng mời, chỉ cần “diễn” chiêu méo mồm, què chân là người đi đường cảm động ngay. Khi người ta hỏi bị bệnh gì, miệng phải mếu máo nói bệnh ở đùi. Sau đó nhăn mặt, ôm đùi nâng lên với cử chỉ đau đớn. Nếu rớt được nước mắt thì họ càng tin sái cổ. Nếu xui xẻo bị công an “sờ gáy”, về trụ sở cũng cứ giả câm, giả điếc, giả ngây ngô. “Tao sẽ đích thân lên viết bản cam kết để bảo lãnh mày về” - Toàn nói.
Theo Toàn, các “đệ tử” của Toàn có thể kiếm một ngày mấy triệu đồng. Có đứa còn “lừa” được người ta vài lần, mỗi lần vài triệu đồng.
“Vừa rồi, có một tay Việt kiều thấy thương xót nên vung tay cho thằng “đệ tử” ba tờ 100 USD. Đó là chưa kể nhiều đại gia làm từ thiện hàng chục xe lăn, xe lắc. Tao nhận luôn. Đem bán cho các đại lý” - Toàn kể.
Thấy chúng tôi say sưa nghe “thầy” Toàn truyền “bí kíp”, Dự - một “thợ lết” - bồi thêm: “Ai hỏi thì nói là bị tông xe, liệt bẩm sinh”.
Dự kể: “Có lần người đi đường hỏi sao không đi xe đẩy, tao liền nhăn nhó nói đang gắng đi xin để có tiền mua xe. Người ta hỏi để dành được nhiều chưa thì tao trả lời thiếu vài ba triệu đồng nữa. Vậy là người này mủi lòng móc ra”.
Chúng tôi hỏi: “Có bao giờ bị phát hiện là giả dạng không?”, Dự nói cũng có khi gặp “người khó tính nói mình giả vờ”. Những lúc đó thì cứ chửi thẳng: “Mấy người bị khùng hả, có giỏi nhảy xuống lết như tui thử xem”.
“Làm nghề bò lết dọc đường phải chịu nhục, chịu bẩn, kiên nhẫn mới kiếm được nhiều tiền” - Điệp, 19 tuổi, quê Phú Yên, có thâm niên năm năm lết dọc đường, chia sẻ.
Theo lời Điệp: “Ra ngoài đường, mình diễn kịch càng giỏi, người ta càng cho nhiều tiền. Thậm chí, mình có thể lết qua vũng bùn, đống rác dễ... lấy nước mắt. Người đi đường càng cảm động càng cho nhiều tiền”.
Nhóm giả dạng bại liệt chơi ma túy đá tại phòng nghỉ trên đường Trần Tuấn Khải, phường 5, quận 5, TPHCM. Ảnh: Đức Phú (Tuổi Trẻ) |
“Diễn”
Trong “lò” giả dạng người bại liệt ở đại lý bán vé số trên đường Nguyễn Cảnh Chân gồm bảy “kịch sĩ” là Phong, Dương, Dũng, Út, Dự, Châu, Hậu. Bảy “kịch sĩ” này mỗi ngày được Toàn và một thanh niên tên Lượm thay phiên rải ở các tuyến đường.
Các “kịch sĩ” thường chia nhau làm theo ca, ban ngày từ 9h - 16h, tối từ 18h - 22h. Trước khi lên đường, các đối tượng đều lột bỏ bộ quần áo sạch sẽ và hóa trang.
Phong, một thanh niên khỏe mạnh, mặc chiếc quần bên trong, bên ngoài mặc chồng thêm một chiếc quần rách lụng thụng để che chắn đôi chân lành lặn. Trên cổ Phong treo lủng lẳng túi xách đựng vé số và tiền lẻ. Phong được Toàn lấy chiếc Wave chở thẳng đến đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Hưng, quận 7).
Đến điểm làm ăn, Toàn dừng xe rồi bế Phong thả xuống lề đường. Phong tỏ vẻ nhăn nhó nằm rạp xuống, rướn thân trườn trên mặt đường nóng ran. Có người đi đường thấy tội nghiệp liền dừng lại cho mấy chục ngàn đồng, có người mua ủng hộ vài tờ vé số. Lết được một đoạn khoảng 5m, Phong lẻn vào một tiệm nước bên đường rồi châm thuốc, miệng thổi khói phì phèo.
Khoảng 16h cùng ngày, chẳng rõ vì sao không thấy Toàn tới chở về, Phong đành thuê xe ôm để trở lại “tổng hành dinh”. Bác xe ôm tốt bụng phải còng lưng bế Phong vào tận nhà. Sau khi bác xe ôm chạy đi, Phong liền nhảy tưng tưng và giũ trong túi xách ra một xấp tiền.
Dự - mới 16 tuổi, quê Phú Yên, nhập hội giả dạng lê lết khoảng mấy tháng nay - cho biết phải giấu mẹ, giấu người thân để hành nghề.
Dự kể có lần mẹ biết chuyện gọi điện trách móc, Dự đành nói dối mẹ là không làm nữa. Tương tự, Điệp cũng nói hành nghề phải tránh nơi mình đang trú để không đụng mặt người quen. Nhiều lúc ra đường hàng chục người chửi mình lừa đảo vẫn không ngại bằng ánh mắt người quen khi nhìn thấy.
“Nướng” tiền vào ma túy đá
Trong băng giả dạng, Điệp tuy ít tuổi, nhỏ người nhưng là tay nhanh nhảu, rất có duyên với nghề. Bằng việc lết dọc đường, có ngày Điệp kiếm được đến 5-6 triệu đồng, hẻo lắm cũng cả triệu đồng.
Còn Phong được coi là rất nổi tiếng trong giới giả liệt. Phong tài đến mức có người đi đường cho hơn chục chiếc xe lắc, đem bán kiếm bộn tiền. Có tiền là cả nhóm đem đốt vào hàng “đá”.
Tối 24-12-2012, nhóm giả liệt gồm Dự, Dũng, Hậu, Phong rủ nhau đến đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) đi chơi Giáng sinh. Dọc đường, cả bọn bàn nhau vào khách sạn để “xài” hàng đá nhưng gom không đủ tiền nên hẹn dịp khác.
Qua tối hôm sau, Phong, Dũng rủ Châu và Điệp vào nhà nghỉ trên đường Trần Tuấn Khải (phường 5, quận 5, TPHCM). Tại cổng nhà nghỉ, cả bọn góp không đủ tiền mua hàng “đá”, đành nhờ Châu gọi điện xin đầu mối bán chịu.
Giọng Châu leo lẻo: “Anh cho em mua thiếu, ngày mai tụi em bò lết kiếm tiền trả anh”.
Sau đó, cả bọn thuê phòng và nằm thượt ra giường chờ hàng. Khoảng 30 phút, chuông điện thoại reo, Phong liền chạy xuống cổng nhà nghỉ rồi cầm lên một gói nhỏ.
Thấy hàng về, bốn đứa bật dậy, người chế bật lửa, người làm bình nước để đốt thuốc một cách thành thục. Cẩn thận hơn, các đối tượng này còn bật nhạc hạn chế tiếng động lọt ra ngoài.
Chuẩn bị xong, Điệp cầm ống vòi hít một hơi sâu, mắt nhắm nghiền miệng phả hơi thuốc lim dim thưởng thức rồi bất chợt nói: “Hàng này hút sao không phê như bữa trước”. Sau đó, Điệp gọi điện cho đầu mối cung cấp hàng đá chửi “sao đưa hàng không đủ đô”.
Trong cơn phê, cả bọn ngồi với nhau kể về những chiến tích đạt được trong những lần làm “kịch sĩ”. Đó là những lần Điệp được người ta cho tiền, số tiền đó rồi cũng đổ vào những cuộc chơi hàng đá thâu đêm suốt sáng với các chiến hữu.
Điệp nói: “Cứ kiếm được tiền là chơi. Thỉnh thoảng tiêu xài hết còn phải đi vay chủ đại lý để chơi cho đã thèm. Thậm chí, có đứa còn vướng vào cá độ, chơi game, gái gú”. Điệp đang nợ khoảng 10 triệu đồng cũng do chơi hàng đá, bài bạc.
Theo Đức Phú – Đức Thanh
Tuổi Trẻ