Công an điều tra vụ xe ben đâm vỡ đập thủy điện
> Vỡ đập thủy điện: Do xe ben!
Công an kiểm tra thực tế thủy điện Đăk Mek 3 chiều 26-11. Ảnh: Hữu Khá(Tuổi Trẻ). |
Lúc 13h30 ngày 26-11, vì lý do chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phúc Phận đi vắng đột xuất nên ông Đỗ Sum, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND huyện Đăk Glei, đã có cuộc tiếp xúc với báo chí để trao đổi thông tin liên quan đến vụ vỡ thân đập phía thượng nguồn thủy điện Đăk Mek 3.
Huyện nắm thông tin qua... báo chí
Chưa có giấy phép vẫn tận thu tài nguyên Theo ông Trần Trọng Dũng - vừa qua khi chưa có giấy phép tận thu tài nguyên nhưng chủ đầu tư vẫn khai thác nên bị Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kon Tum lập biên bản xử phạt 80 triệu đồng. |
Ông Sum đã công bố thông tin rất bất ngờ: “Toàn bộ thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 phía UBND huyện Đăk Glei mới nắm được sáng (26-11 qua báo chí chứ chưa có cơ quan cấp dưới nào báo cáo sự việc. Chỉ nghe UBND xã Đăk Choong báo là có vụ sạt lở ở thủy điện Đăk Mek 3 chứ không nghe báo về vỡ đập. Thực tế, hiện UBND huyện vẫn chưa có ai vào hiện trường nên không nắm được cụ thể vụ việc”.
Khi được hỏi vì sao trước đó Công an và Viện KSND huyện Đăk Glei đã vào hiện trường mà không báo cáo với huyện, ông Sum trả lời “không rõ”.
Tuy nhiên, sau đó chúng tôi trở lại hiện trường thì ít phút sau có một đoàn công tác gồm viện kiểm sát và công an huyện xuất hiện.
Lúc 15h ngày 26-11, lực lượng công an và Viện KSND huyện Đăk Glei đã khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ vỡ thân đập phía thượng nguồn thủy điện Đăk Mek 3.
Công an đã đo đạc, ghi chép các chi tiết, số liệu về chiều cao thân đập bị vỡ, chiều rộng các khối bêtông bị đổ xuống sông, các dấu vết hư hỏng của chiếc xe ben nằm lại trên đống đổ nát.
Tại hiện trường, công an và đại diện viện kiểm sát nói vẫn đang trong quá trình tìm hiểu vụ việc nên chưa thể đưa ra bất cứ thông tin gì vào lúc này. Trong khi đó, hai bên phía thân đập, công nhân vẫn cho máy ủi thi công bạt núi. Theo quan sát của chúng tôi, bức thành còn lại trên thân đập xuất hiện nhiều vết nứt.
Theo ông Trần Trọng Dũng - phó Phòng tài nguyên - môi trường huyện Đăk Glei trước khi xảy ra vụ vỡ đập, đơn vị có kiểm tra đập thủy điện này. Tuy nhiên, tại thời điểm đó chỉ nghe phía chủ đầu tư dự án trình bày là độ sâu dưới chân đập chắc chắn, khoan thăm dò đã đảm bảo rồi và vật liệu xây dựng như thép được chủ dự án chọn lựa rất kỹ.
“Lúc nghe tin vỡ đập ở thủy điện Đăk Mek 3, tôi có điện thoại cho ông Lê Bá Thanh - giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek, chủ đầu tư - hỏi thăm tình hình thì ông Thanh nói chỉ sạt lở nhỏ, không có gì nghiêm trọng hết” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, vụ vỡ đập xảy ra, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về đơn vị thiết kế và đơn vị thi công.
Đập nứt từ trước?
Ông A Thắm, trưởng Công an xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei), cho biết lúc xảy ra sự cố ở đập thủy điện, ông đã lập tức có mặt tại hiện trường để cùng người dân địa phương tìm kiếm nạn nhân. Trong quá trình tìm kiếm, ông có nghe một số người tại nơi tìm kiếm nói rằng trước khi vỡ đập phía thượng nguồn, họ phát hiện có nhiều vết nứt xuất hiện ở thân đập.
Trả lời PV tại hiện trường về việc có hay không có việc nứt đập trước đó như phản ảnh, ông Lê Bá Thanh cho biết: “Hoàn toàn không có chuyện như vậy, đó chẳng qua là những lời đồn thổi. Chúng tôi khẳng định đập chúng tôi làm đảm bảo chất lượng”.
Ông Thanh cũng nói hiện ông vẫn đang chờ các cơ quan chức năng làm rõ mới đưa ra kết luận cuối cùng.
Liên quan đến vụ vỡ đập, ông Bùi Văn Cư - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum - nói: “Đáng ra hôm nay (26-11) chúng tôi vào hiện trường, tuy nhiên do công việc của sở quá bận nên chưa vào được. Ngày mai (27-11), chúng tôi sẽ thành lập đoàn gồm các ngành chức năng của tỉnh đến hiện trường đánh giá các vấn đề liên quan như chất lượng, an toàn của công trình và lúc đó mới có kết luận về nguyên nhân vụ việc”.
Theo Tuổi Trẻ