City tour Hà Nội nghèo nàn do đâu?

City tour Hà Nội nghèo nàn do đâu?
TP - Tour du lịch trong thành phố là dịch vụ hấp dẫn ở thủ đô nhiều nước, nhưng tại Hà Nội lại tỏ ra nghèo nàn, một phần vì thiếu đầu tư.

> Tour du lịch 'Ngày Tận Thế'

Cảnh hoang sơ ở bến tàu du lịch Sông Hồng. Ảnh: Minh Tuấn
Cảnh hoang sơ ở bến tàu du lịch Sông Hồng. Ảnh: Minh Tuấn.

Trở lại tour du lịch Sông Hồng sau hơn 5 năm, PV chứng kiến tại đây các hoạt động không mấy thay đổi từ cảnh quan, sông nước, bến bãi, tàu thuyền.

Trụ sở Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển Du lịch Sông Hồng ngay sát bến tàu đã xuống cấp nhiều.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó giám đốc Xí nghiệp, cho biết, năm 2012, lượng khách đến với du lịch Sông Hồng chỉ đạt khoảng 9.000, giảm 3.000 người so với các năm.

Khách giảm mạnh, tour không dám tăng giá dẫn đến thu nhập của cán bộ, nhân viên khá thấp. “Trừ đi chi phí, may ra năm nay hoà vốn”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, do thiếu đầu tư nên bến bãi vẫn tạm bợ, nhếch nhác. Khách đến với tour này chủ yếu là người dự hội nghị cơ quan, vừa đi vừa ăn uống trên tàu.

Khách du lịch chuyên nghiệp ước chỉ khoảng 1.000 người/năm, trong đó 50% là người nước ngoài.

Do thiếu sự quan tâm đầu tư của địa phương nên nhiều khi để có thêm điểm đến cho du khách, Xí nghiệp phải huy động cả cán bộ, nhân viên đến đền Dầm, đền Đại Lợi tại Ninh Sở- Thường Tín quét rác, phát quang bờ bụi...

Hàng chục điểm bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm gây phản cảm cho du khách
Hàng chục điểm bán hàng rong quanh hồ Hoàn Kiếm gây phản cảm cho du khách.

Ông Vũ Chính Đông, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho rằng, hàng chục năm qua nhưng city tour (những tour du lịch trong thành phố) của Hà Nội quá nghèo nàn, thiếu sản phẩm mới.

“Tour mà công ty nào cũng chào mời khách là Đền Ngọc Sơn - phố cổ - Văn Miếu - Bảo tàng Dân tộc học. Ngay cả ẩm thực quay đi quẩn lại nếu đạt yêu cầu đưa khách đến theo đoàn chỉ có chả cá Lã Vọng và một số ít điểm khác.

Hoạt động cho khách vào buổi tối còn nhạt hơn khi tour khách nước ngoài nào cũng đưa đến xem múa rối nước, ông Đông nói.

Trước đây, tổ chức được chiếu chèo hàng tuần khá hấp dẫn du khách tại đền Ngọc Sơn, nhưng do không được quan tâm đầu tư nên cũng chết yểu.

Hà Nội đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, tuy nhiên tiến độ triển khai khá chậm. Điển hình như dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên diện tích lên tới 1.204 ha thuộc huyện Ba Vì có chủ đầu tư là Cty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam; khu sinh thái văn hoá Sóc Sơn quy mô quy hoạch 274 ha thuộc huyện Sóc Sơn do Cty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án du lịch sinh thái Quan Sơn...

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số văn phòng du lịch trên phố Hàng Bạc, Tạ Hiện cho hay, gặp khách Tây đến Hà Nội lần đầu còn chém gió được, chứ khách đến lần thứ hai rồi thì phát ngượng vì không có gì mới để mà giới thiệu...

Dù vậy, ông Đông cho rằng, đầu tư vào city tour khá hiệu quả cả về kinh tế và lợi ích quảng bá văn hóa, rất thuận tiện cho khách du lịch ngắn ngày đến Hà Nội.

Vị trí thủ đô mang lại nhiều điều kiện phát triển city tour. Tại hầu hết các quốc gia, mảng du lịch này luôn mang lại nguồn lợi rất lớn.

Thực tế tại Hà Nội, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng chưa được quan tâm như hệ thống bảo tàng mới... Các công ty du lịch tư nhân nhỏ lẻ không đủ sức để tự tạo ra sản phẩm du lịch mới. Kinh phí cho quảng bá du lịch Hà Nội ra với thế giới còn hết sức hạn hẹp và thiếu chuyên nghiệp.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, phát triển các sản phẩm mới cho du lịch đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành và đầu tư, nghiên cứu có chiều sâu.

“Nói là xây dựng tuyến phố đi bộ, nhưng chúng tôi cũng phải chờ Sở GTVT, quận Hoàn Kiếm triển khai xong thì mới có sản phẩm du lịch được”-ông Tiến nói.

Làm phim quảng bá du lịch trên truyền hình quốc tế

Sở VHTT&DL Hà Nội vừa đề xuất thành phố xây dựng video clip quảng bá du lịch Thủ đô chiếu trên các kênh truyền hình quốc tế.

Theo kế hoạch, một đoạn phim dài 30 giây sẽ được chiếu trên phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền hình quốc tế, sảnh các khách sạn, rạp chiếu phim, sự kiện về du lịch trong nước và quốc tế. Kinh phí làm phim được trích từ nguồn chi sự nghiệp cấp cho Sở VHTT-DL năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG