Bí ẩn từ những khối đá ở Tràng An

Du khách mê hang động Tràng An
Du khách mê hang động Tràng An
TP - Tháng 9 - 2012, tỉnh Ninh Bình đã trình lên Tổ chức UNESCO hồ sơ đề nghị công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thế giới hỗn hợp với các giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc.

> Vua Đinh làm gì ở vùng đất sắp là Di sản Thế giới?
> Quan chức UNESCO "mê mẩn" Tràng An

Du khách mê hang động Tràng An
Du khách mê hang động Tràng An. Ảnh: Minh Đức

Theo hồ sơ đề cử để trở thành Di sản Thế giới hỗn hợp, Tràng An gồm ba khu vực bảo tồn là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư.

Cảnh quan “kinh điển” nhất thế giới

Cách Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, vùng di sản đề cử có diện tích 6.172ha, nằm trên địa bàn 11 xã thuộc 3 huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan và Thị xã Tam Điệp, với vùng đệm khoảng 6.268ha, chủ yếu là ruộng vườn và làng mạc.

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, vùng di sản đề cử chịu ảnh hưởng khá phức tạp của quá trình tách giãn và trôi dạt rìa lục địa thụ động theo phương Tây Bắc - Đông Nam, dọc theo đới đứt gãy sâu sông Hồng nổi tiếng, để hình thành nên Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở Tràng An chính là sự “ngang bằng chằn chặn” của các dãy núi ở độ cao 150 - 200m, sản phẩm của “pha” san bằng kiến tạo gần đây nhất.

Và trên cái “mặt bàn” đó, các quá trình địa chất như đứt gãy, đổ lở, xói mòn, rửa trôi, (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn)… tiếp tục diễn ra để tạo nên một trong những cảnh quan dạng tháp nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa đặc sắc và “kinh điển” nhất thế giới.

Bao quanh khối đá vôi Tràng An với những vách đá dốc đứng là vô số những thung lũng, hố sụt kín, liên kết với nhau bởi hệ thống hàng trăm hang động, trong đó có nhiều hang động xuyên thủy quanh năm yên tĩnh và ngập nước, chưa kể những sông hang ngoằn ngoèo, dích dắc, muôn hình vạn trạng.

Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây…

GS. Paul Williams của New Zealand nói, Tràng An là cảnh quan dạng tháp nhiệt đới, gió mùa, nóng ẩm đang đạt đến giai đoạn phát triển hình thái cuối cùng, chuyển tiếp từ dạng chóp nón sang dạng tháp và sau đó là đồng bằng gặm mòn ở cơ sở xâm thực mực nước biển. Một mẫu hình để nhận biết và đối sánh với những khu vực tương tự khác trên thế giới.

Cũng theo các nhà địa chất, cảnh quan Tràng An là sản phẩm của quá trình phân cắt từ một khối đá vôi nguyên khối rộng lớn, được hình thành dưới đáy đại dương từ khoảng 250 triệu năm trước. Sau đó trở thành lục địa và bắt đầu quá trình đá vôi hóa vào khoảng 230 triệu năm trước.

Trải qua nhiều chu kỳ tạo núi và san bằng, cảnh quan ngày nay đã và đang đạt đến giai đoạn phát triển cuối cùng, với một tập hợp đầy đủ và rõ ràng nhất của nhiều kiểu dạng địa hình tích tụ cũng như rửa trôi, bóc mòn.

Nơi cư trú của người tiền sử

Hàng Người Xưa, nơi cư trú của người tiền sử
Hàng Người Xưa, nơi cư trú của người tiền sử. Ảnh: Minh Đức

Thời gian gần đây, nhiều di tích ở Tràng An đã được phát hiện và nghiên cứu, trong đó có 30 hang và mái đá có dấu vết của người tiền sử (trong tổng số hơn 60 hang). Hiện, công tác khai quật đã và đang được triển khai ở 16 hang.

Các di tích cho phép xác nhận một phát hiện khảo cổ lớn có ý nghĩa quốc tế về quá trình cư trú, khai thác và sử dụng khối đá vôi Tràng An, cũng như quá trình tiến hóa, phát triển liên tục qua nhiều nền văn hóa từ khoảng 25.000 năm đến 3.000 năm trước của người tiền sử ở khu vực này.

Các tư liệu khảo cổ đã khẳng định rằng, người tiền sử đã chiếm lĩnh và khai phá khu vực Tràng An từ rất sớm, ít nhất là 24.438 năm (cộng trừ 93 năm - di tích hang Trống).

Thuở đó, người tiền sử luôn chọn nơi đây là điểm cư trú và khai thác nguồn thức ăn. Và trong suốt quá trình khai phá vùng đất này, người tiền sử ở Tràng An đã hạ thấp dần độ cao chiếm cư các hang động, mở rộng địa bàn cư trú từ trung tâm ra ven rìa, hình thành nên các nhóm dân cư khác nhau.

Trong giai đoạn sớm (khoảng 24.500 năm đến 9.000 năm BP), sau biển tiến Vĩnh Phúc, Tràng An trở thành lục địa, và các thung lũng ở đây trở thành đầm lầy. Từ hang Trống, cư dân tiền sử bắt đầu chiếm cư các hang động ở khu trung tâm như hang Bói, hang Mòi, hang Ông Hay và Mái đá Chợ.

Ngày nay, khi đến Tràng An, du khách vào các khu vực này vẫn nhìn thấy hàng đống vỏ ốc, sò… do con người để lại tại hang Người Xưa.

Trong giai đoạn từ 9.000 đến 4.000 năm, nước biển dâng lên cao nhất tới khoảng 9m, toàn bộ khu vực Tràng An trở thành một quần đảo, tách rời khỏi đường bờ biển ở phía Tây.

Cư dân cổ ở Tràng An một mặt tiếp tục khai thác, sử dụng ở vùng trung tâm, một mặt bắt đầu hạ thấp và vươn ra ven rìa khối đá vôi Tràng An để cư trú và khai thác hải sản (điều này để lại di tích ở các hang Thung Bình 1, 3, 4, Mái đá Ốc, Mái đá Vàng…).

Giai đoạn từ 4.000 năm đến 1.500 năm BP về cơ bản là thời kỳ biển lùi, nhưng vẫn có một đợt biển lấn từ 2.500 - 1.500 năm, qui mô nhỏ, mức nước dâng cao khoảng 2m, đủ tạo nên ngấn nước ở độ cao tương ứng trên các vách đá vôi ở khu vực Tràng An.

Cư dân giai đoạn này phân bố trên mọi địa hình và từng bước rời hang, thiết lập nên các làng bản ven chân núi, dọc đường bờ biển.

Một số hang động từ đó tới nay đôi khi cũng được sử dụng làm chỗ ở tạm thời hoặc tôn tạo thành điểm tín ngưỡng tâm linh như đền chùa, miếu mạo.

Trong suốt hàng vạn năm ấy, các thế hệ người tiền sử ở Tràng An đã sáng tạo nên các hình thái kiếm sống để tồn tại, từ khai thác sản vật tự nhiên; chế tạo và sử dụng công cụ bằng cuội đá vôi; rồi chế tác và sử dụng đồ gốm thô văn thừng đập (trước 8.000 năm BP) và duy trì kỹ thuật chế tạo đồ gốm bằng phương thức nặn tay nhiều thiên niên kỷ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG