Thứ trưởng Lê Lương Minh, người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN

Thứ trưởng Lê Lương Minh, người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN
Việt Nam sẽ chính thức có đại diện làm Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, kế nhiệm ông Surin Pitsuwan kết thúc nhiệm kỳ cuối năm nay.

Thứ trưởng Lê Lương Minh, người Việt đầu tiên làm Tổng thư ký ASEAN

> Việt Nam đề cử Thứ trưởng Lê Lương Minh làm Tổng Thư ký ASEAN

Việt Nam sẽ chính thức có đại diện làm Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, kế nhiệm ông Surin Pitsuwan kết thúc nhiệm kỳ cuối năm nay.

Thứ trưởng Lê Lương Minh (Ảnh TTXVN)
Thứ trưởng Lê Lương Minh (Ảnh TTXVN).

Theo chương trình nghị sự, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 (18 đến 20-11) diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN sẽ chính thức xem xét chuẩn y đề cử Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh làm Tổng thư ký (TTK) ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017.

Ông Lê Lương Minh là đề cử duy nhất cho vị trí trên, được các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí ủng hộ tại hội nghị AMM45 hồi tháng 7 vừa qua, một điều kiện chắc chắn để các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN chuẩn y.

PV trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về vai trò ngoại giao mới tại ASEAN của Thứ trưởng Lê Lương Minh:

- Thưa Bộ trưởng, ông Lê Lương Minh đã được đề cử theo nguyên tắc của ASEAN như thế nào?

Theo nguyên tắc của ASEAN, vị trí TTK ASEAN được đề cử luân phiên giữa 10 nước thành viên. Nhiệm kỳ của vị trí này kéo dài 5 năm. Như vậy, sau Thái Lan, đến lượt Việt Nam đề cử đại diện ra làm TTK ASEAN và quyết định cử Thứ trưởng Lê Lương Minh. Sau khi được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN chuẩn y đề cử, ông Minh sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới từ ngày 1-1-2013.

- Như vậy, căn cứ tiến trình lịch sử hình thành khu vực cũng như quá trình Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chính thức làm TTK ASEAN, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện là TTK ASEAN. Nếu theo nguyên tắc luân phiên, 50 năm nữa Việt Nam mới lại có đại diện được bầu vào vị trí này.

Xin nói thêm, ngoài vị trí TTK, còn 4 vị trí phó TTK ASEAN. 2 người trong số đó sẽ được bầu theo nguyên tắc luân phiên, 2 người còn lại bầu trên cơ sở ứng cử cạnh tranh năng lực mở rộng cho tất cả các nước thành viên nhưng cũng theo nguyên tắc 4 phó TTK không được có 2 người cùng một nước. Và nếu TTK ASEAN là người của nước nào thì phó TTK không phải là người nước đó.

- Các quan sát cho rằng ông Lê Lương Minh thực hiện vai trò ngoại giao mới vào một thời điểm quan trọng, nhiều thách thức của ASEAN, hiểu nôm na đó không phải là một giai đoạn có nhiều hoa hồng. Ông có chia sẻ gì về những thử thách của giai đoạn này?

Có thể nói, những gì Việt Nam tạo dựng trong ASEAN đã tạo cho chúng ta một vị thế để các nước thành viên tin cậy, tin tưởng khi thực hiện vai trò đại diện làm TTK ASEAN.

Tôi tin Việt Nam có đủ khả năng đảm nhiệm vị trí này, đặc biệt như bạn nói, ASEAN đang đứng trước một thời điểm quan trọng. Đó là ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng chung vào năm 2015, vì thế vai trò của TTK ASEAN rất quan trọng.

Tôi tin vào bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm ngoại giao đa phương hơn 30 năm của Thứ trưởng Lê Lương Minh, đặc biệt khi ông đã đảm nhiệm qua các công việc ngoại giao đa phương tại LHQ 7 năm qua, trong đó có những vấn đề lớn của quốc tế như duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề xung đột ở các khu vực.

Đại sứ Lê Lương Minh (trái) và Tổng thư k‎‎ý LHQ Ban Ki-Moon
Đại sứ Lê Lương Minh (trái) và Tổng thư k‎‎ý LHQ Ban Ki-Moon .

- Dư luận quan sát cũng cho rằng sau ông Surin Pitsuwan, lựa chọn ông Lê Lương Minh kế nhiệm dường như là một sự lựa chọn sành sỏi của ASEAN khi ông Minh, với cương vị ngoại giao của Việt Nam tại LHQ, không chỉ tích lũy nhiều quan hệ mà còn cả những kinh nghiệm ứng xử, đặc biệt với các nước lớn. Mà ASEAN đang trở thành khu vực trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương với sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn. Ý kiến của Bộ trưởng?

Góc quan sát đó cho thấy cái nhìn tốt về kinh nghiệm ngoại giao đa phương của ông Minh. Việt Nam đề cử ông Minh làm TTK ASEAN cũng chính bởi ông là nhà ngoại giao có kinh nghiệm ngoại giao đa phương lâu năm.

Trong đó, ông từng đảm nhiệm Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ ở New York 7 năm. Khi Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) 2008-2009, ông cũng đảm nhiệm vị trí đại diện của Việt Nam tại HĐBA LHQ, Việt Nam cũng từng có hai lần trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch HĐBA LHQ.

Trước đó, ông từng làm ở phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy sĩ)… Ở những vị trí này, ông Minh từng trải qua những công việc, trao đổi phối hợp các nước lớn, các nước có vị trí quan trọng để tìm ra giải pháp cho những vấn đề khu vực, quốc tế.

- Trong bối cảnh những vấn đề khu vực nổi lên, có ý kiến cho rằng, vai trò ngoại giao mới của Thứ trưởng Lê Lương Minh cũng là một thuận lợi để Việt Nam tranh thủ trong các vấn đề đối ngoại của đất nước?

Đã làm TTK ASEAN, tức trong vai trò viên chức quốc tế, ông Minh phải bảo đảm công việc, những lợi ích chung của các nước ASEAN. Lúc đó, ông là đại diện của ban thư ký ASEAN, tức là đại diện của 10 nước, không phải là đại diện riêng của Việt Nam trong ban thư ký ASEAN, cũng không phải là TTK ASEAN là của người Việt Nam. Với tư cách đó, ông phải là quan chức ngoại giao quốc tế, khu vực.

Rõ ràng, TTK của bất cứ nước nào bao giờ cũng có những vấn đề liên quan lợi ích, những vấn đề chính trị đối ngoại của quốc gia. Nhưng trên hết, ông Minh vẫn phải đảm bảo vai trò là một TTK của ASEAN.

Ông Lê Lương Minh sinh năm 1952, làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 12-2008.

Ông từng làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Genève.

Theo VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
Nơi được ví là ‘Nhà Trắng mùa đông’ của ông Trump
TPO - Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Mar-a-Lago trở thành địa điểm yêu thích không chỉ của chính trị gia, người giàu đam mê tiệc tùng mà còn những kẻ cơ hội, tò mò. Phải tốn hàng nghìn USD để có được một chỗ ngồi trong bữa tối, nhưng không phải có tiền là mua được.