Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh; Khẩn trương công bố kết quả kiểm tra giá sản xuất kinh doanh điện... là những thông tin văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 5-9/11/2012.
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần ảnh 1

Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10-2012

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát và phân loại các dự án đô thị và nhà ở; hướng dẫn việc tạm dừng hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án, quy mô căn hộ theo hướng tăng tỷ lệ các loại hình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành đề xuất giải pháp liên quan đến việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và việc giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở; có chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng vật liệu xây dựng tồn đọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động có phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả. Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 8 giúp đỡ người dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Tăng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất do thiên tai, dịch bệnh

Theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg, diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha thay cho mức 1 triệu đồng/ha như quy định tại Quyết định 142/2009/QĐ-TTg; nếu thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha thay mức 500.000 đồng/ha.

Đối với diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, mức hỗ trợ tăng từ 1,5 triệu đồng/ha lên 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, mức hỗ trợ tăng từ 750.000 đồng/ha lên 1,5 triệu đồng/ha….Tăng gấp đôi mức hỗ trợ đối với diện tích ngô và rau màu các loại, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại.

Mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản cũng được điều chỉnh tăng.

Khẩn trương công bố kết quả kiểm tra giá sản xuất kinh doanh điện

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản 368/TB-VPCP, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN khẩn trương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện và kết quả kiểm toán độc lập năm 2011.

Đồng thời, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định kế hoạch giá thành sản xuất kinh doanh điện giai đoạn 2013 - 2015 của EVN và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2013 - 2015 (trong đó có kế hoạch phân bổ các khoản lỗ của EVN) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2012.

Chuyển Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sang Bộ Tư pháp

Theo Quyết định 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển chức năng, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và chuyển nguyên trạng tổ chức, biên chế công chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính được quy định tại Quyết định 74/2010/QĐ-TTg từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Từ pháp kể từ ngày 19/11/2012.

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi có quyết định mới của Cơ quan có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục.

Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm.

Mức phạt trên cũng áp dụng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nhưng vượt quá giới hạn cho phép.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 9-12 tháng trong trường hợp tái phạm.

Phấn đấu năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38%

Theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra đến 2015 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38%, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26 m2/người.

Đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng lên 45%, hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 312 đô thị từ loại I đến loại IV và khoảng trên 620 đô thị loại V.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường

Với Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 8 nhóm nhiệm vụ sẽ được ưu tiên thực hiện.

Các nhiệm vụ thực hiện Đề án bao gồm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, ưu tiên đối với xử lý chất thải y tế; chất thải công nghiệp; chất thải nguy hại; chất thải đặc thù trong hoạt động an ninh, quốc phòng; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong cải tiến quy trình công nghệ theo hướng thân thiện môi trường và sản xuất sạch hơn.

Trong đó, có ưu tiên phát triển và ứng dụng các tổ hợp các chất có hoạt tính sinh học cao và vi sinh vật để tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc thay thế các hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất của một số ngành kinh tế quan trọng.

Về thời hạn tích hợp tính năng truyền hình số mặt đất cho tivi

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo hướng điều chỉnh thời hạn tích hợp tính năng truyền hình số mặt đất cho tivi.

Cụ thể, theo Quyết định 2451/QĐ-TTg trước đây thì từ 1/1/2013, tất các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG4 (có hỗ trợ thu MPEG-2 đến 31/12/2015).

Nay tại Quyết định 1671/QĐ-TTg không quy định thời hạn cụ thể bắt buộc tất các máy thu hình phải tích hợp tính năng truyền hình số mặt đất. Mà theo quy định mới thì các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEG-4 theo chủng loại và thời gian cụ thể do Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Hoàng Diên
Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.