Dịch lỏng trong áo ngực Trung Quốc có chất độc

Dịch lỏng trong áo ngực Trung Quốc có chất độc
TP - Viện Hóa học (Viện KH&CN Việt Nam) vừa giải mã gần như toàn bộ thành phần các viên chất rắn và dịch lỏng trong áo ngực ghi nhãn xuất xứ từ Trung Quốc, khẳng định sự hiện diện của một chất có khả năng gây ung thư, rối loạn nội tiết…

> Xác định hai chất 'lạ' trong áo ngực Trung Quốc

PV Tiền Phong phỏng vấn TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa Phân tích (Viện Hóa học) - người trực tiếp chỉ đạo cuộc nghiên cứu kéo dài bốn ngày.

Dầu khoáng không phải vô hại

Xin ông cho biết kết quả phân tích bước đầu mẫu túi dịch lỏng trong áo ngực TQ?

Các mẫu chúng tôi nhận được có nhãn hiệu Mengnaeroi với hai loại là màu đỏ và màu đen. Mỗi bên áo ngực đều có dung dịch trong suốt khoảng 7ml và ba viên chất rắn màu trắng, mỗi viên có đường kính khoảng 0,75 mm.

Thành phần của chất rắn màu trắng được phân tích và xác định là một loại nhựa tổng hợp polystyren, trên thị trường thường gọi là nhựa PS.

Còn thành phần dung dịch màu trong suốt được xác định là dầu khoáng (mineral oil), một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các xác định này của chúng tôi trùng với công bố tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Khu vực II ở thành phố Đà Nẵng.

Chúng có nguy hại cho sức khỏe người dùng hay không?

Không đơn giản vậy, dù kết luận cuối cùng sẽ thuộc về ngành y tế. Dầu khoáng là hỗn hợp của các hydro carbon.

Thứ nhìn bề ngoài nom cũng giống silicon này (không màu, không mùi, không vị) thực ra không phải vô hại. Đã có tài liệu cho biết dầu khoáng tạo một lớp mỏng không thấm nước, làm giảm khả năng đào thải chất độc.

Khi vào cơ thể, nó đọng lại ở gan và lấy đi hầu hết các vitamin trong gan. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó giảm chức năng phổi, gây một số dạng viêm phổi. Vì thế, nó bị cấm dùng trong lĩnh vực dược.

Với da, cũng theo các tài liệu nước ngoài, dầu khoáng tạo một lớp màng mỏng không thấm ướt trên da, phần nào làm da mịn và đầy đặn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc da không thực hiện được chức năng thải độc qua lỗ chân lông hay đường mồ hôi và như vậy không tốt cho da.

Chất phát quang xanh lè độc hơn dầu khoáng

Các ông có tìm thấy cái gì khác ngoài dầu khoáng?

Đây thực sự là một phát hiện quan trọng và thú vị của đợt nghiên cứu đột xuất này. Trong mẫu dầu khoáng mà chúng tôi phân tích, đáng chú ý, có thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) thông qua kết quả phân tích bằng sắc ký khí khối phổ. Không chỉ gây cảm giác ngứa, các tài liệu nước ngoài đã chứng minh nó có khả năng gây ung thư cao, cũng như gây rối loạn nội tiết.

Vậy PAH từ đầu ra? Có phải do nhà sản xuất trộn vào dung dịch dầu khoáng?

Tôi không nghĩ đến khả năng này. Tôi cho rằng, PAH vốn là một sản phẩm có trong dầu khoáng. Vì đặc tính độc hại của PAH cho sức khỏe, hàm lượng của nó trong dầu khoáng được kiểm soát rất nghiêm ngặt bởi các tiêu chuẩn quốc tế về y tế và thực phẩm.

Thành phần trong mẫu dầu khoáng mà các ông nghiên cứu là bao nhiêu, liệu đã đến ngưỡng gây hại cho người dùng nếu có tiếp xúc?

Chúng tôi mới dừng ở phát hiện định tính chứ chưa nghiên cứu định lượng. Để lượng hóa các chất PAH trong dung dịch dầu khoáng, cần có thời gian. Nhưng, như tôi vừa nói qua ở trên, dù chưa xác định chính xác hàm lượng, bản thân hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế cũng vô cùng thấp.

Các viên đá và dung dịch dầu khoáng có thể được sản xuất tại đâu? Có thể chế tạo các loại hóa chất ấy ở VN?

Viên đá là nhựa nhiệt dẻo polystyerene (PS) tạo thành từ phản ứng trùng hợp styerene. PS là nhựa cứng, không mùi vị, không màu nhưng dễ tạo màu, hình thức đẹp, dễ gia công bằng phương pháp ép và ép phun, được dùng rất phổ biến trong sản xuất đồ dùng sinh hoạt. VN hoàn toàn có thể chế tạo được hạt nhựa PS. Còn dầu khoáng cũng tương đối phổ biến ở VN, giá thành không cao lắm.

Theo ông, các viên đá và dung dịch ấy được đưa vào áo ngực để làm gì?

Tôi nghĩ có thể dùng để massage ngực. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý lại, đây chỉ là một đối tượng mẫu mà chúng tôi nhận được. Thực tế có thể có nhiều loại khác nhau và cần có thời gian cũng như nhân lực của nhiều ngành khác phối hợp tìm hiểu.

Để đánh giá một cách toàn diện, ngoài các dung dịch và hạt nhựa, cần có nghiên cứu cụ thể và sâu hơn về các loại vải xem chúng có tẩm các hóa chất gây dị ứng nào không như formol, phẩm nhuộm...

Theo ông, cần ứng xử với phát hiện ở Viện Hóa học như thế nào?

Cần hết sức thận trọng, không nên vội vàng quy chụp khi cỡ mẫu nghiên cứu chưa đủ lớn. Tôi muốn mọi người ứng xử với các phát hiện ở Viện Hóa học một cách bình tĩnh và có lý trí.

Xin lưu ý bản thân nhãn hàng hóa có nói rõ trong áo nịt ngực có thành phần dung dịch và các hạt nhựa. Vấn đề là tại sao các dung dịch ấy được dùng, tại sao lại dùng dung dịch có chứa PAH, và hàm lượng PAH đã đủ gây hại cho người dùng chưa, thì cần không chỉ nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm Việt Nam mà phải phối hợp với phía Trung Quốc.

Cách đây mấy năm, một đồng nghiệp thuộc Văn phòng Công nhận Chất lượng (Bộ KH&CN) nhờ chúng tôi kiểm định chất lượng một loại son bôi môi xem loại màu (pigment) trong đó có thành phần chì hay không.

Tôi rất ngạc nhiên, hỏi tại sao đàn ông lại quan tâm đến sản phẩm phụ nữ. Đồng nghiệp đó trả lời có tới một nửa son mà phụ nữ dùng là đi vào miệng đàn ông. Cho nên, nếu son môi độc hại thì không chỉ giới hạn ở phái đẹp.

Tương tự như vậy, hy vọng mọi người sẽ hiểu đây không chỉ là câu chuyện áo nịt ngực phụ nữ nữa. Nó còn là vấn đề an toàn cho người tiêu dùng nói chung và, xin nói thẳng, cho cả nam giới (cười).

Cảm ơn ông.

Chờ chỉ đạo của Bộ Y tế

Đà Nẵng - Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa xác nhận đã tiếp nhận kết quả kiểm định các chất trong mẫu áo ngực Trung Quốc từ Chi cục QLTT Đà Nẵng. Kết quả này được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 2 (Quatest 2) kiểm nghiệm, xác định.

Theo thông tin ban đầu, mẫu áo ngực Trung Quốc chứa 2 thành phần: vỏ ngoài là chất Polystyrene (loại nhựa dẻo, xốp), còn dung dịch là dầu khoáng (mineral oil). Theo một cán bộ Sở Y tế, về mặt quản lý, các loại hàng hóa lưu thông thị trường thuộc ngành công thương.

Trong các văn bản chỉ đạo của ngành y tế hiện chưa có quy định về kiểm tra, xử lý vấn đề này, nên trước mắt Sở Y tế Đà Nẵng xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế. Sau khi có ý kiến chỉ đạo, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Cùng ngày, Quatest 2 Đà Nẵng gửi kết quả kiểm nghiệm áo ngực Trung Quốc cho Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam. Kết quả cũng tương tự với hai thành phần dầu khoáng và Polystyrene.

 

Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.