18 thuyền viên được cứu sống từ tàu Saigon Queen đã tới Bangladesh
Thuyền viên đầu tiên ra cửa sân bay trong sự chào đón của người thân- ảnh L.N. |
Trở về
Trần Khắc Bảo có mặt tại cổng đón của sân bay sớm nhất trong số các thuyền viên. Trong vòng tay của người thân, anh Bảo khóc rất nhiều. Anh cho biết, “rất hạnh phúc vì bình yên trở về”.
Theo anh Bảo, vẫn còn 4 đồng nghiệp của mình, trong đó có thuyền trưởng, vẫn mất tích.
Sau anh Bảo, các thuyền viên còn lại cũng được người thân và đồng nghiệp chào đón trong niềm vui khôn tả. Không dành thời gian để chia sẻ với báo chí, tất cả họ được đại diện Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn đưa lên xe về khách sạn nghỉ ngơi.
Trao đổi với Tiền Phong trưa nay, ông Đỗ Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn, chủ tàu Saigon Queen, cho biết, không tổ chức họp báo bởi vẫn còn bốn thuyền viên mất tích.
“Chúng tôi rất vui vì 18 thuyền viên được cứu sống trở về nhà an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi mất mát lớn khi các thuyền viên còn lại mất tích”- ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm ngoài hỗ trợ chi phí vé máy bay từ Bangladesh về Singapore và Việt Nam, bước đầu, công ty hỗ trợ mỗi thuyền viên ba triệu đồng làm lộ phí. Sau khi nghỉ ngơi, các thuyền viên về TPHCM trưa nay sẽ làm việc với công ty bảo hiểm trước khi về quê.
Các thuyền viên ngap lập tức được đưa lên xe để về nghỉ ngơi- ảnh L.N. |
Tai nạn
Trước đó, khoảng 12 giờ 15 phút ngày 30-10, tàu Saigon Queen (22 thuyền viên) đang chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, do gặp thời tiết xấu (ảnh hưởng của cơn bão Two) nên hàng bị xô, tàu phải quay đầu xuôi dòng để chằng buộc lại và bị chìm.
Bốn thuyền viên đã mất tích, 18 thuyền viên được tàu Pacific Skipper được cho là của Hy Lạp cứu sống.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn, tàu Saigon Queen có tải trọng 6.500 tấn, là tàu hàng lớn nhất khu vực phía Nam với chiều dài 102 m, rộng 17 m, được bàn giao vào cuối năm 2006 với tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng.
Sau đó, một công ty của Đan Mạch thuê Saigon Queen. Tháng 10-2008, Saigon Queen được Công ty Cổ phần vận tải biển Sài Gòn lấy lại và khai thác cho đến nay.
Saigon Queen được một cơ quan thiết kế của Nhật thiết kế kỹ thuật và được Trung tâm tư vấn thiết kế Tàu thủy Sài Gòn ứng dụng các phần mềm để thi công phần vỏ tàu. Trong khi đó, phần mềm UGS của Mỹ cho thiết kế thi công phần thiết bị, hệ thống điện và ống của tàu theo công nghệ 3D- CAD.
Theo ông Lâm, toàn bộ phần thân tàu, máy móc, trang thiết bị được lắp đạt theo tiêu chuẩn của Đăng kiểm Việt Nam và các công ước quốc tế.
Trước đó, lúc 11 giờ ngày 6-11, trên chuyến bay mang số hiệu SQ 172 từ Singapore, ba thuyền viên (trong tổng số đoàn 18 người) cũng về đến TPHCM. 18h35 cùng ngày, chuyến bay SQ 186 từ Singapore chở 5 thuyền viên của tàu Saigon Queen cũng về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong sự chào đón của người thân và đồng nghiệp. Do không mua được vé nên 18 thuyền viên phải chia ra ba chuyến bay để về đến TPHCM trong hai ngày 6 và 7. Dự kiến chuyến bay đến TPHCM lúc 10 giờ 55 phút nhưng đã bị trễ hơn 20 phút. |