> Nghiêm trị 'cái bang' bóc lột người già, trẻ em
Cầm đầu là thành phần bất hảo
Sau nhiều đêm bám đuôi, khoảng 1h sáng ngày 17 - 10, chúng tôi theo chân một vài người ăn xin và lần ra nơi trú ẩn của trùm cái bang. Đến Công an phường Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) nhờ giúp đỡ, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ của nhóm cái bang này.
Đại úy Đinh Tiến Đại - Phó Trưởng công an Phường Tứ Liên cho biết: Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện trên địa bàn có 2 nhóm chăn dắt người già và trẻ em hành nghề bán rong.
Mỗi nhóm hành nghề bán hàng rong kiểu này có từ 6 đến 9 người. Nhóm thứ nhất do Tô Vũ H. (Quảng Xương, Thanh Hóa) cầm đầu. H. nghiện ma túy và đã được Công an quận Tây Hồ đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy từ ngày 11 tháng 4 năm 2012.
Nhóm thứ hai được xác định là vợ chồng Nguyễn N.N và Tô Thị T. cùng quê Quảng Xương (Thanh Hóa) cầu đầu. Nguyễn N.N đã có một tiền án, bị TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xử 15 tháng tù.
Chúng tôi và Đại úy Đinh Tiến Đại - Phó Trưởng Công an phường Tứ Liên đã trực tiếp thâm nhập vào chỗ ở của nhóm cái bang. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp 4 không có số, xập xệ.
Bên trong, chỉ có một chiếc giường nhỏ, chăn chiếu cáu bẩn, vài bộ quần áo trẻ em và vỏ hộp các tông vứt bừa bãi. Nằm trên đống lộn xộn đó là Nguyễn N.N cơ thể xăm trổ như một bức họa.
Phía trên gác xép là ông Trần Ngọc H. (SN 1942, trú tại Cẩm Thủy - Thanh Hóa) bị cụt chân và ông Mai Văn T. (SN 1946 trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa).
Trong nhóm cái bang, ông Hải là người được trả lương cao nhất, khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bởi ông cụt chân, mắt lại mù nên được mọi người thương cảm, mua nhiều hàng nhất.
Đại úy Đinh Tiến Đại cho biết: Nguyễn N.N là đối tượng đã có một tiền án bị TAND huyện Quảng Xương xử 15 tháng tù. Hiện vợ chồng N-T thuê nhà tại địa bàn khai báo là hành nghề “xe ôm”.
“Dù biết có những nhóm chăn dắt trẻ em và người già hoạt động trên địa bàn, nhưng công an phường không thể ra tay xử lý, vì những người này không có hành vi vi phạm pháp luật. Để chứng minh được họ là những người cầm đầu bóc lột sức lao động của người già và trẻ em cũng rất khó, vì họ chỉ đăng ký là hành nghề xe ôm. Thêm vào đó, cha mẹ của những đứa trẻ; những cụ già cũng đồng ý làm việc này, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn”, Đại úy Đinh Tiến Đại nói.
Kể từ khi Hà Nội dẹp mạnh nạn ăn xin đeo bám khách, thì đội ngũ cái bang dần dần thay đổi để thích nghi. Theo lời kể của N., để tránh giẫm chân nhau trong việc bán hàng, giữa các thành viên trong nhóm phải tuân thủ theo sự phân chia lãnh địa.
Vợ chồng N-T chịu trách nhiệm nuôi những người già và trẻ em. Bà Bùi T.L (mẹ Thủy - SN 1962) phụ trách việc thuê trọ, nuôi người già và những đứa trẻ. Mọi việc thu chi, trả lương hay mua hàng đều do cặp vợ chồng N-T đứng ra đảm nhiệm.
“Ngày 22 - 10, sau khi báo đăng, chúng tôi đi kiểm tra lại và các đối tượng đã rời khỏi địa bàn”, ông Đại nói.
Xuất hiện nhóm thứ 3
...Và đếm tiền móc được từ túi ông lão bán kẹo cao su. |
Ngày 26 - 10, vào vai khách uống bia, đến khoảng 20h 30 chúng tôi thấy xuất hiện một ông già khoảng 70 tuổi và một em nhỏ chừng 10 tuổi bán kẹo cao su tại đường Lê Duẩn và phố Vũ Hữu Lợi (Đống Đa).
Đến khoảng 21h xuất hiện một phụ nữ tuổi chừng 28 đi trên chiếc xe Honda Wave S.
Người phụ nữ này dừng trước ô tô đỗ trên phố Vũ Hữu Lợi. Vài phút sau, người phụ nữ tiếp cận ông lão lôi sang phía bên kia đường Lê Duẩn, vừa đi vừa móc tiền từ túi áo của ông. Sau đó, người phụ nữ trở về vị trí chiếc xe máy và kiểm đếm số tiền vừa lột được.