> Cử tri mong xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí
> 'Nhóm lợi ích' cấu kết, trục lợi từ đất đai
Tổng Thanh tra Chính phủ lần đầu báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng trong năm trước Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).. |
Tổng Thanh tra Chính phủ lần đầu báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng trong năm trước Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày bản báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2012 sáng nay. Bản báo cáo nhấn mạnh kết quả một số biện pháp chống tham nhũng đã triển khai như luân chuyển cán bộ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Tổng Thanh tra cho biết, việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như thuế, hải quan, địa chính. Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 24.246 cán bộ, công chức (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2011).
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định luân chuyển này cũng bộc lộ những hạn chế. Đối với một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuyên sâu không có người phù hợp để chuyển đổi, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, năm 2012 đã có 44 trường hợp lãnh đạo các đơn vị bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu được đánh giá chưa đạt yêu cầu.
“Nhiều nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu” – ông Tranh phân tích.
Những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, kết quả thanh tra đã phát hiện các dạng sai phạm nổi lên như làm trái quy trình, thủ tục, quy định của Nhà nước, đầu tư một số dự án vượt thẩm quyền, áp dụng sai chế độ, định mức; hạch toán sai kết quả sản xuất, kinh doanh; đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận thấp...
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng và gần 3.000 ha đất (đã thu hồi được 2.300 tỷ đồng). Hơn 160.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành với số tiền 324 tỷ đồng (đã thu được 260 tỷ đồng). Thanh tra cũng yêu cầu xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân. 25 vụ việc với 41 người được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Các cơ quan thanh tra nhà nước cũng đã phát hiện 49 vụ việc, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là hơn 130 tỷ đồng.
Trong năm, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm đã thụ lý gần 340 vụ án, hơn 800 bị can về các tội danh tham nhũng, trong đó khởi tố mới 222 vụ, 469 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can). Đến nay, 197 vụ với 521 bị can đã có kết luận điều tra. Hiện cơ quan điều tra đang làm tiếp 137 vụ, 295 bị can. Hoạt động điều tra đã giúp thu hồi, nộp ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra trong Quân đội đã khởi tố 16 vụ, 46 bị can về các tội danh tham nhũng; thu hồi 163 triệu đồng. Cục Điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng, đồng thời có 19 kiến nghị về xử lý và phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Viện kiểm sát các cấp cũng đã truy tố 244 vụ, 601 bị can về tham nhũng (tăng 50 vụ, 192 bị can so với cùng kỳ năm 2011). Có 5 vụ, 17 bị can đã đình chỉ điều tra
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 44,1% (Năm 2011 tỷ lệ này là 31,7% ); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2% (Năm 2011 tỷ lệ này là 39,2%).
Một hạn chế được chỉ rõ là việc công khai, dân chủ trên một số mặt hoạt động còn hạn chế (như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ công...). Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch; tình trạng vi phạm các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Minh bạch về tài sản, thu nhập hiệu quả thấp. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hạn chế. Tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn chưa được kiểm soát...
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập.
Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế…
Kết quả chống tham nhũng cả năm cũng sẽ được dành thời lượng thảo luận tại tổ cũng như trên hội trường.
Theo P.Thảo
Dân Trí