Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 chưa đến bước cuối cùng

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 chưa đến bước cuối cùng
TP - Ngày 16- 10, tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng chưa phải đến bước cuối cùng mà còn phải làm đi làm lại nhiều lần, biến thành công việc thường xuyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 chưa đến bước cuối cùng

>Ý kiến người dân về kết luận của Hội nghị Trung ương 6

> Phải đặc biệt quan tâm nợ xấu ngân hàng

TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Kết quả bước đầu

Cử tri Vũ Trọng Hốt, phường Trúc Bạch bày tỏ, sau Đại hội XI và các hội nghị trung ương tình hình đã có những thay đổi cơ bản theo hướng tích cực.

Ông Hốt cho rằng, cần thực hiện tốt quy chế lấy phiếu tín nhiệm như Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng đề ra. Đánh giá cao Hội nghị T.Ư 6 vừa kết thúc, nhưng cử tri Phan Đức Thắng, phường Quán Thánh cho rằng, kết quả vừa qua mới là bước đầu còn nhiều vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới.

Khẳng định cử tri là chỗ dựa vững chắc của đại biểu QH, Tổng Bí thư đồng tình nhận định, Nghị quyết T.Ư 4 mới ra đời được hơn một năm và vừa rồi mới là kết quả bước đầu. Mới làm một việc là tự phê bình và phê bình. Trong khi, nghị quyết có 3 nhóm vấn đề.

Theo Tổng Bí thư, chưa bao giờ trong lịch sử Đảng ta có cuộc phê bình và tự phê bình dài như vừa qua. Riêng Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm trong 21 ngày. Khi báo cáo ra trung ương, trung ương dành 5 ngày nữa để góp ý kiến.

Tổng Bí thư nêu rõ, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 chưa phải đến bước cuối cùng mà còn phải làm đi làm lại nhiều lần, dần dần biến thành công việc thường xuyên.

Ngoài ra, còn phải xây dựng một loạt cơ chế, chính sách như lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư, chất vấn trong trung ương.

“Riêng vấn đề Vinashin, Vinalines, không phải chờ kiểm điểm xong mà chúng tôi đã nghe báo cáo đi báo cáo lại mấy lần và sắp tới còn nghe nữa. Quan trọng là để sửa, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách” - Tổng Bí thư nói.

Ngoài ra, theo Tổng Bí thư, lần đầu tiên trong lịch sử Bộ Chính trị xin nhận kỷ luật trước trung ương.

Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị trung ương xem xét kỷ luật cả tập thể và cá nhân.

Ra trung ương bàn rất nhiều, phân tích rất có lý, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật.

Đây là một quyết sách chính trị, thể hiện việc sẵn sàng nhận khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.

“Tuy nhiên, đạt được kết quả như mong muốn thì chưa, còn phải tiếp tục làm, làm lâu dài, làm đi làm lại như rửa mặt hàng ngày”- Tổng Bí thư nói.

Quản lý DNNN: Bài học đau xót

Cử tri Đinh Văn Dung, phường Trúc Bạch cho rằng, QH phải tiếp tục đổi mới hoạt động. Trong đó, cần tăng cường vai trò giám sát tối cao.

Vừa qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có một số sai phạm nghiêm trọng nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời trong khi có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra.

 Vừa rồi bài học đau xót trong quản lý DNNN. Khuyết điểm rất nặng do chúng ta từ cực nọ chuyển sang cực kia. Trước đây thì nắm hết, kiểm tra tất cả nhưng sau đó cho rằng phải phát huy dân chủ, phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền thì rất đúng nhưng không phải là buông không quản lý. Từ chỗ có bộ chủ quản ta bỏ luôn bộ chủ quản, giao quyền quá lớn cho Chủ tịch HĐQT, cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp thì Ban Bí thư cũng không quản lý, bỏ Ban Kinh tế, nhập Luật DNNN chung vào Luật DN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, Nghị quyết trung ương đã có thì cần xem QH ra nghị quyết, pháp luật có phù hợp không, Chính phủ trình ra có phù hợp không hay là bị lợi ích nhóm chi phối, hay do tầm nhìn chưa đủ, hoặc một bộ phận cục bộ “ăn cây nào rào cây ấy”. Do vậy, phải có vai trò giám sát, kiểm tra.

“Vừa rồi bài học đau xót trong quản lý DNNN. Khuyết điểm rất nặng do chúng ta từ cực nọ chuyển sang cực kia. Trước đây thì nắm hết, kiểm tra tất cả nhưng sau đó cho rằng phải phát huy dân chủ, phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền thì rất đúng nhưng không phải là buông không quản lý. Từ chỗ có bộ chủ quản ta bỏ luôn bộ chủ quản, giao quyền quá lớn cho Chủ tịch HĐQT, cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp thì Ban Bí thư cũng không quản lý, bỏ Ban Kinh tế, nhập Luật DNNN chung vào Luật DN”- Tổng Bí thư nói.

Lần này Trung ương lập lại Ban Kinh tế bởi Đảng lãnh đạo phải có cơ quan tham mưu để đề xuất, phản biện, kiểm tra, giám sát, lãnh đạo.

“Đảng cầm quyền thì sử dụng bộ máy nhà nước để làm tham mưu nghe thì rất hợp lý nên bỏ Ban Kinh tế, Ban Nội chính, Ban Khoa giáo, sử dụng bộ máy bên cơ quan nhà nước thôi. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như chúng ta nghĩ. Các cơ quan nhà nước rất nhiều công việc, không có ai thẩm định thì khó chuẩn xác. Ngoài ra, còn có tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”.- Tổng Bí thư nói tiếp.

Tổng Bí thư cho rằng, lập lại Ban Nội chính, Ban Kinh tế không phải là “tân quan, tân chính sách” mà là thực tế đòi hỏi, rút ra bài học từ sai phạm ở Vinashin, Vinalines, từ hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Làm sao bảo đảm sự lãnh đạo chính trị, định hướng của Đảng, mà vẫn phát huy vai trò của nhà nước, QH, nhân dân. Hai điều này không hề mâu thuẫn.

Có thể lấy phiếu tín nhiệm từ giữa năm 2013

Tổng Bí thư cho biết, hoạt động giám sát QH có nhiều nội dung. Lần này có điểm mới theo Nghị quyết T.Ư 4 là QH xem xét thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Chúng ta đã làm rõ thế nào là lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hàng năm như là hình thức thăm dò tín nhiệm cao hay thấp.

Trên cơ sở đó, chức danh nào tín nhiệm thấp sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm để bãi miễn. Việc này đòi hỏi bản lĩnh của đại biểu QH. Đây cũng là một hình thức giám sát, cảnh báo.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng bày tỏ, nếu không cẩn thận sẽ tạo ra hai khuynh hướng. Thứ nhất là cứ giữ tròn vo, không làm gì cả để lấy phiếu tín nhiệm cho cao. Thứ hai là đi vận động, tranh thủ hứa hẹn cái này cái kia để lấy phiếu.

Do vậy, phải quy định rất chặt chẽ để tránh hai khuynh hướng này. Kỳ họp tới QH sẽ bàn về đề án này. Nếu QH thông qua thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm từ giữa năm 2013.

Về tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư cho biết, ngoài tiếp xúc trước và sau kỳ họp thì đại biểu QH có rất nhiều kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

“Tại sao đến Nghị quyết T.Ư 3 mới đưa ra khái niệm “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, lúc định đưa vào nghị quyết cũng có ý kiến băn khoăn nhưng trung ương quyết tâm đưa vào và quả nhiên rất trúng. Đó cũng là nhờ từ ý kiến cử tri và nhân dân. Điều quan trọng là phải chịu lắng nghe”- Tổng Bí thư nói.

Phát huy dân chủ thực sự

Cử tri Phan Đức Thắng góp ý, cần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với QH. Tổng Bí thư cho biết, toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo thì làm sao phải phát huy được dân chủ thực sự chứ không phải dân chủ hình thức. Thời gian qua, QH hoạt động ngày càng dân chủ.

“Ngày xưa không có chuyện Đảng định hướng rồi mà QH không đồng ý như dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nhưng khi QH khóa XII không thông qua dự án này thì nhận được sự đồng tình của nhân dân. Do vậy, điều quan trọng là quyết định có đúng hay không. Thực tế cho thấy việc không thông qua dự án đó càng ngày càng đúng" - Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho biết, trước đây Trung ương họp và quyết các chỉ tiêu cụ thể sau đó đưa ra QH xem xét bỏ phiếu thông qua. Nhưng hiện nay đã đổi mới, Trung ương chỉ đưa ra định hướng lớn. Kinh nghiệm là tăng cường lấy ý kiến phản biện.

Trung ương không quyết vội mà để các cơ quan, nhà khoa học, QH, nhân dân góp ý kiến sẽ tạo sự đồng thuận tốt hơn.

Trung ương bàn đi bàn lại sau đó mới ra quyết định, chứ không phải cái gì trình ra là thông qua. Vấn đề đất đai đã bàn trong hai hội nghị trung ương sau đó mới quyết định. Vừa rồi Trung ương bàn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình, Trung ương bàn thấy chưa được. Đây là vấn đề lớn, khó, phức tạp, ý kiến khác nhau. Do vậy, Trung ương chỉ ra kết luận một số vấn đề đã thống nhất còn cho nghiên cứu tiếp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.