> Bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Huy động 10 máy bay làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn
Hồi 17 giờ hôm qua, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng bờ biển các tỉnh Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Sau đó ATNĐ di chuyển theo hướng tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp, tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ATNĐ các tỉnh vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) đêm qua có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, các tỉnh Bắc Tây Nguyên có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.
Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến đến 18 giờ hôm qua, các địa phương từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo, hướng dẫn cho 58.530 tàu/283.478 lao động hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để trú tránh.
Hiện có 4 tàu/58 lao động (QNg 96697 TS, QNg 96147 TS, 96246 TS, 96004 TS) ở khu vực đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa); có 247 tàu/3.583 lao động ở quần đảo Trường Sa.
Lực lượng quân đội đã huy động trên 55.600 người, 10 chiếc máy bay, hơn 600 ô tô các loại, trên 550 tàu xuồng sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Thiệt hại nặng, địa phương phải chịu trách nhiệm
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra chống bão tại cảng cá Quy Nhơn . |
Chiều 6-10, Đoàn công công tác của Ban chỉ đạo PCLB-TKCN T.Ư do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng BCĐ Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn - Bình Định và làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác ứng phó với bão số 7.
Theo báo cáo, đến chiều 6-10, hầu hết ngư dân đang hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển đã di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bình Định đã có cuộc họp khẩn cấp phân công 5 đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo các công tác ứng phó với bão số 7 tại TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh.
Kiểm tra công tác phòng chống bão ở hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kêu gọi phải nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. “Bão đến, nếu để xảy ra chết người, thiệt hại nặng nề về tài sản, cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Thiện nói.
Phú Yên: Thủy điện xả lũ
Đến chiều 6-10, Phú Yên đã di dời 2.281 hộ với 7.031 khẩu đến nơi an toàn. Hiện vẫn có 99 tàu với 934 lao động đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa vẫn giữ liên lạc được gia đình. Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ qua tràn với lưu lượng 2.400m3/s.
Do mưa lớn, một số tuyến đường tỉnh đã bị tắc. Tuyến tránh cầu Cây Sung nước ngập trên 1m; các tràn Bình Nông, Kỳ Đu, Sông Mun, tràn Crum, cầu Suối Tràu trên, nước ngập sâu và đang tiếp tục lên làm các loại xe không thể qua lại được.
Trong đó, chú ý tình trạng sạt lở taluy dương trên Quốc lộ 29 đoạn đường Phước Tân – Bãi Ngà cũ, ngập lụt trên Quốc lộ 25; đoạn qua các sườn dốc mái taluy cao thuộc đèo Cù Mông, dốc Vườn Xoài, đèo Cả trên tuyến Quốc lộ 1.
Quảng Ngãi và Lâm Đồng: Mưa lớn trên diện rộng
Đến cuối giờ chiều 6-10, các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Tây đã di dời, sơ tán 212 hộ dân ở những vùng xung yếu. Toàn tỉnh có 13.600 hộ trong diện di dời khẩn cấp.
Chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã làm việc với Ban chỉ huy và yêu cầu huy động lực lượng công an, quân đội và dân quân thường trực tại Ban chỉ huy để sẵn sàng ứng cứu dân khi bão đổ bộ.
Ngày 6-10, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến mực nước hồ dâng cao nên một số hồ thủy điện phải xả lũ: hồ Đa Nhim xả với lưu lượng 150m3/giây và hồ Đai Ninh 100m3/giây.
Hậu quả, nhiều diện tích rau ven sông Đa Nhim thuộc các huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị hư hại. Mưa lũ cũng gây ngập cục bộ đường giao thông các thôn Mỹ Thủy và Mỹ Hậu (xã Mỹ Lâm, Cát Tiên) khiến người dân phải đi lại bằng xuồng. Đường Trường Sơn Đông nối xã Đưng K’Nớ với trung tâm huyện Lạc Dương đang thi công dang dở, nay mưa lớn kéo dài gây sạt lở taluy và làm cho đường thêm lầy lội khó đi.
Chạy đua vào bờ
Tiếng Icom tại các đài canh gấp gáp thông báo về hướng đi của bão. Những con tàu xé sóng lao băng băng vào bờ trước khi bão vào Quảng Ngãi.
Cửa biển Sa Kỳ, sáng sớm ngày 6-10, những chiếc tàu từ ngoài khơi đang lao về bến tránh bão, theo lệnh gọi của Bộ đội Biên phòng. Những chiếc tàu thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện dưới những cuộn sóng cuồn cuộn.
Theo một ngư dân, bình thường sóng đi từng lượn một, có bão thì đi xếp hàng 4-5 lượn. Những tay lái già dặn thì mới chế sóng, cho thuyền chạy an toàn giữa những “bầy lượn” hung dữ này.
Theo thông tin từ BCH Bộ đội biên phòng, hiện tỉnh Quảng Ngãi còn 489 tàu với 4.826 ngư dân còn đang trên biển. Đối với số tàu này, đài Icom trở thành hoa tiêu luôn “dán mắt” vào hành trình vượt sóng gió.
Các ngư dân đã cho tàu đi kẹp để vào bờ hoặc chạy né bão. Mỗi con tàu vào đến bờ được ghi bằng bút đỏ trên tấm bảng của Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng.
Có 6 tàu với 88 ngư dân đang ở quần đảo Hoàng Sa. BCH Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ ngoại giao can thiệp để ngư dân có nơi tránh bão.
Đà Nẵng, Quảng Nam: Đề phòng lũ quét
Chiều tối 6-10, ở Đà Nẵng và các huyện thuộc Quảng Nam xuất hiện mưa lớn, kèm theo gió mạnh. Huyện Núi Thành (Quảng Nam) lên phương án chủ động di dời hàng ngàn người dân vùng thấp trũng, các xã khu vực gần biển. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PNT Đà Nẵng cho biết đã chủ động các phương án ứng phó.
Đà Nẵng chỉ ảnh hưởng với lượng mưa lớn và sức gió tăng, nhưng nhiều vùng trũng Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn… được chủ động biện pháp đề phòng ngập úng, lũ quét.