> Bão số 7 gây lũ lớn từ Quảng Bình đến Khánh Hòa
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, bão số 7 tiếp tục di chuyển ổn định theo hướng giữa tây và tây tây nam, tốc độ 15-20 km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ hôm nay 6-10, bão cách bờ các tỉnh Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 190 km về phía Đông, gió mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62 đến 88 km/h), giật cấp 10, cấp 11.
Theo ông Tăng, đến tối khuya 6-10, bão sẽ đổ bộ đất liền với trọng tâm là một trong ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, trong đó nhiều khả năng tâm bão sẽ vào Bình Định. Sức gió lúc bão cập bờ mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10.
Các tỉnh lân cận và Bắc Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Dự báo vùng gió mạnh và mưa lớn do bão sẽ tập trung ở phía Bắc của cơn bão.
Theo dự báo, vùng mưa do bão gây ra từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định với lượng mưa 200-300mm, một số nơi trên 300mm, vùng lân cận mưa trên 100mm.
Mưa sẽ bắt đầu từ sáng nay, kéo dài đến trưa 7-10. Từ chiều tối nay, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên nhanh.
Do mưa lớn trong thời gian ngắn, nên khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt vùng vũng là rất lớn.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, bão số 7 xuất hiện ngay ở biển Đông nên phải hết sức cảnh giác, phản ứng nhanh, khẩn trương, công tác phòng chống phải sẵn sàng trước 14 giờ hôm nay.
Phó Thủ tướng lưu ý, bão khả năng vào bờ ban đêm, nên khó khăn trong phòng chống. Các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Khánh Hòa, cần rà soát lại tàu thuyền, lồng bè, cấm biển, kêu gọi người dân lên bờ.
Khi mưa lớn, các hồ xả lũ, nên cần kiểm tra hai bên sông, thông báo cho người dân, lưu ý trẻ em đi học.
Theo dõi sát thủy điện Sông Tranh 2
Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho biết, với cường độ bão số 7, lo ngại nhất là mưa lũ, trong đó đặc biệt là an toàn cho hồ chứa.
Với thủy điện Sông Tranh 2, Bộ Công Thương cần phối hợp với địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho dân. “Thủy điện Sông Tranh 2 lũ về từng nào, xả từng đó, nhưng lúc lũ về dồn dập thì phương án xử lý là như thế nào” - ông Phát nói.
Ông Phát cũng yêu cầu, từ hôm nay, các địa phương phải cắt cử người canh ở các hồ chứa, các đập, để giám sát liên tục, để điều tiết, vì không chỉ đảm bảo an toàn cho hồ chứa mà cả hạ lưu, để chúng ta không tạo lũ nhân tạo bất ngờ.
Theo Bộ Công Thương, hiện nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã đầy, đang cho xả lũ. Đối với thủy điện Sông Tranh 2, hiện lũ chưa về, 2 tổ máy vẫn chạy theo công suất.
Bộ chỉ đạo với Thủy điện Sông Tranh 2 mở hết 6 cửa xả, đồng thời yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho nhà máy này chạy hết công suất phát điện. Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 phải theo dõi sát, khi có bất thường, cần phải báo cáo Bộ, tỉnh để phối hợp xử lý.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các Cty thủy điện, thủy lợi phải bố trí lãnh đạo trực, phối hợp với địa phương để xử lý khi có sự cố, thông báo sơ tán dân kịp thời. Riêng thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng đã cử đoàn công tác trực tiếp đến tận nơi đánh giá tình hình, khi lũ về thì tác động đến động đất kích thích như thế nào.
“Viện Vật lý địa cầu, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương cần tiếp tục lưu ý và không được phép chủ quan bất cứ lúc nào.
Sông Tranh là công trình chúng ta cần phải theo dõi sát, để đánh giá được tính chính xác về tình trạng công trình, khả năng tác động của động đất kích thích với an toàn của công trình” - Phó Thủ tướng nói.