> Có điểm không phù hợp với các luật khác
Ông Lê Văn Cuông nói: Chúng ta vẫn giữ quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân. Vì vậy, phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý, thực hiện các dự án đất đai.
Hiện, khiếu kiện về đất đai rất nhiều, gây bức xúc chủ yếu do giá đền bù không thỏa đáng. Người dân không chỉ khiếu nại mà còn tố cáo tham nhũng trong các dự án liên quan đất đai.
Không để DN tự thỏa thuận
Để khắc phục những bất cập về giá đền bù đất như ông nói, nên quy định cơ chế đền bù như thế nào?
Luật Đất đai sửa đổi cần phải nghiên cứu thật kỹ quy định về cơ chế đền bù khi thu hồi đất. Cụ thể, nên quy định khi thu hồi đất phải có sự thỏa thuận với dân.
Trước đây, chúng ta quy định DN phải thỏa thuận với dân, nhưng xảy ra việc đền bù không thỏa đáng giữa các DN, dẫn đến việc người dân chây ì, khiếu kiện, so bì giá dự án chỗ cao chỗ thấp. Cũng do tùy tiện thỏa thuận, giá đền bù không minh bạch, không dứt điểm, nhiều dự án kéo dài lê thê.
Vì thế, Nhà nước nên đứng ra thỏa thuận với dân sẽ tốt hơn. Ở Nhật, nhà nước cũng đứng ra thỏa thuận giá đền bù dựa theo giá thị trường. Họ quy định chỉ cần thỏa thuận được 70% số hộ dân đồng ý là có thể triển khai dự án.
Với cơ chế này, nhà nước vẫn quản lý được đất đai, còn dân được đảm bảo quyền lợi.
Vừa qua thảo luận dự án Luật này tại UBTVQH, không ít ý kiến băn khoăn thời điểm tính giá đất còn “tù mù” khiến dân bị thiệt thòi?
Tốt nhất, để Nhà nước đứng ra thỏa thuận với dân ngay tại thời điểm thu hồi đất. Người dân sẽ tìm hiểu xem mức giá đền bù đó có đủ để họ chuyển đổi đến nơi ở mới, có ổn định cuộc sống hay không.
Nhưng Dự thảo vẫn nghiêng về áp đặt giá, bằng việc Nhà nước định ra một khung giá. Như thế, sẽ khó mà sát với thị trường được. Đó là cái nhiêu khê, khó giải quyết được bất cập hiện nay.
Tốt nhất, cần tính giá đền bù tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất. Đó cũng là lúc Nhà nước thỏa thuận với dân về giá đền bù. Dân đồng tình với mức giá đó thì sẽ chốt để thực hiện, DN phải thanh toán ngay, chậm sẽ tính lãi suất.
Nhưng để có được 70% số hộ dân đồng tình trong một dự án, chắc chắn không hề dễ?
Thực tế, có nhiều dự án dân đồng tình rất cao, chỉ có một vài hộ chây ì thôi. Có khi chỉ có túp lều với mấy cây chuối mà dự án phải dừng cả năm trời, chờ đợi, rất phi lý.
Nhưng đây là 70% số hộ đồng tình, tức là đã đảm bảo lợi ích của số đông, không thể thỏa mãn tất cả mọi người (30 % số còn lại phải theo).
Kinh nghiệm của Nhật Bản, họ làm đường sắt cao tốc, các dự án lớn, toàn đất của tư nhân, không phải nhà nước quản lý mà còn được. Thậm chí, người dân còn mong Nhà nước thu hồi đất đó để họ chuyển sang đất khác thuận lợi hơn.
Hội đồng định giá - khó khách quan
Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị chậm tiến độ do nhiều đoạn chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Có ý kiến cho rằng nên thành lập một hội đồng/cơ quan độc lập định giá đất khi thu hồi, ông thấy có nên?
Hội đồng gì thì cũng là con người. Cứ nói là độc lập, nhưng nhiều thứ tác động, các mối quan hệ, khách quan chi phối, kể cả trình độ cán bộ, sự quan liêu, thành ra chưa hẳn đã khách quan.
Nhà nước nên đứng ra thỏa thuận, phân tích để dân thông. Cho dù có thành lập một cơ quan độc lập về giá - nhưng e sẽ như một số tổ chức khác - trong đó lại tiêu cực, bởi các mối quan hệ ngang dọc chi phối, bởi lợi ích.
Tôi nghĩ, vẫn phải có một bộ máy để làm việc này (định giá-PV), nhưng nên có một thiết chế đó là Nhà nước chủ trì.
Cảm ơn ông.
Điều 17. Nhà nước định giá đất: Nhà nước định giá đất như sau: 1. Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; 2. Ban hành khung giá các loại đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể - (Nguồn dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) |
Nguyễn Tuấn
Thực hiện