Ông Trần Xuân Giá: 'Tôi rất buồn vì tin đồn bị khởi tố'

Ông Trần Xuân Giá: 'Tôi rất buồn vì tin đồn bị khởi tố'
TP - Trước thông tin ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị khởi tố, ngày 21-9, PV Tiền Phong gặp và trao đổi với ông. “Tôi buồn vì tin đồn xảy ra ngay sau khi tôi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB" - Ông Giá nói.

> Ông Trần Xuân Giá bác tin bị khởi tố

Ông Trần Xuân Giá
Ông Trần Xuân Giá.

Ông Trần Xuân Giá nói: “Tôi buồn vì tin đồn xảy ra ngay sau khi tôi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Vì tin đồn mà suốt từ sáng đến giờ, mình nhận tới hơn 100 cú điện thoại từ bạn bè, người thân. Thực ra, người đưa thông tin lên báo cũng đã gọi điện và nhắn tin xin lỗi mình và mình có nói là có thể do lỗi nghiệp vụ nên không oán trách gì”.

Nhưng ban đầu khi nghe tin đó, ông cảm thấy thế nào?

Mình rất buồn và không hiểu thông tin từ đâu ra. Bạn thấy đấy, mình vừa đi tập thể dục về và đến giờ mình cũng có nhận được thông tin gì đâu. Nhiều người thân, các con, rồi bạn bè gọi điện hỏi nhưng mình nói không sao cả.

Liên quan đến câu chuyện ở ACB, bản chất là gì vậy, thưa ông?

Hiện, cơ quan chức năng họ đang điều tra nên mình không muốn nói gì. Để khi thích hợp mình sẽ nói. Nói bây giờ sẽ không hay và không phù hợp. Cho đến giờ phút này, khi ACB trở thành nạn nhân là câu chuyện khiến mình day dứt nhất.

Người ta cố ý quên một việc cực kỳ quan trọng là khi Luật Doanh nghiệp ra đời, tạo ra cuộc cách mạng trong phát triển kinh tế-xã hội (mà mình là người có đóng góp hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là cha đẻ của bộ luật đó), là người dân có thể làm bất cứ việc gì nếu pháp luật không cấm. Toàn bộ câu chuyện chỉ chốt ở chỗ đó thôi.

Nhưng nhiều người nghi ông liên quan khi ký duyệt khoản tiền 718 tỷ đồng của ACB để ủy thác cho nhân viên ACB gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam?

Mình chỉ có mỗi việc là Hải (Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB - PV) trình, thì cùng với các thành viên thường trực có ký vào. Thực ra, tiền thì đã huy động rồi, đem đi gửi ở ngân hàng khác.

Bạn biết đấy, theo Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011, hoạt động ủy thác đầu tư và nhận ủy thác không hề có quy định và do đó tất cả các ngân hàng đều làm.

Người nào đó chiếm đoạt, hay không chiếm đoạt thì mình cũng không biết, vì không thuộc thẩm quyền của mình. Mãi đến tháng 3-2012, Ngân hàng Nhà nước mới có Thông tư 04 hướng dẫn luật.

Như vậy, từ khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thì không có bất kỳ văn bản nào nói hoạt động ủy thác từ nay dừng để chờ hướng dẫn. Hoàn toàn không có.

Hơn nữa, muốn ra lệnh dừng thì phải có thời gian nhất định để các ngân hàng thu hồi các khoản đã cho vay chứ.

Vậy, việc 19 nhân viên ACB ký hợp đồng với các chi nhánh cụ thể thế nào thưa ông?

Về việc 19 nhân viên ACB ký hợp đồng với các chi nhánh, họ có đóng dấu rất cẩn thận. Sau khi chuyển tiền, coi như phía ACB hết trách nhiệm. Quản lý đồng tiền đó tốt - xấu hay mất là trách nhiệm của bên đi vay. Họ phải chịu trách nhiệm chứ.

Bây giờ họ lại nói cho vay cao hơn lãi suất quy định, thế thì mình xin hỏi, trong hoạt động ngân hàng người đi vay đưa ra mức lãi suất chứ không phải người cho vay. Tiết kiệm ngân hàng đưa ra, người dân đồng ý thì gửi mà không thì thôi, làm sao ép được dân.

Như ông nói thì ACB đã làm ơn nhưng mắc oán?

Mình buồn nhất là khi việc thanh khoản toàn hệ thống quá khó khăn, nếu không có những ngân hàng dư dả tiền như ACB thì nhiều ngân hàng chắc đã sụp đổ lâu lắm rồi.

Bây giờ người làm ơn lại mắc oán. Thực tế, ACB huy động 100 đồng thì cho vay cao nhất là 64 đồng, chứ không phải 80 đồng như được phép. Thậm chí nhiều năm liền, ACB chỉ cho vay có 61 đồng thôi.

Ai cần thì cho vay và khoản tiền đó cỡ ba bốn chục ngàn tỷ đồng chứ có ít đâu. Vì thế, khi Ngân hàng Nhà nước kết luận sai, mình buồn lắm.

Ông có thể cho biết đôi chút tình hình sức khỏe hiện nay?

Sau khi mổ, bây giờ cũng không biết nói sao. Còn tế bào ung thư sót ở đâu đó trong người nữa không, rồi tái phát triển mình cũng không biết nữa. Tá tràng mình đã bị cắt một đoạn và họ đã ghép vào.

Ngày nào mình cũng phải tập thể dục 1-2 tiếng. May cho mình là sau 6 tháng trời chữa hoá chất nhưng không bị rụng tóc, sạm da.

Cảm ơn ông.

Ông Trần Xuân Giá sinh năm 1939 tại Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, có bằng Tiến sỹ kinh tế tại Liên Xô cũ. Từ 1966, là giảng viên tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Từ 1981, ông làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước (hàm thứ trưởng); từ 1989, làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ); từ 1992, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT); từ 1996, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Từ năm 2003, ông Giá làm Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế - xã hội và hành chính. Sau khi nghỉ hưu, từ tháng 11-2006, ông làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB, đến tháng 3-2008, làm Chủ tịch HĐQT.

 

HĐQT ngân hàng ACB được trả thù lao 7,6 tỷ đồng

Theo Báo cáo thường niên năm 2011 của ngân hàng ACB, lợi nhuận cả năm của ACB đạt 4.200 tỷ đồng; năm 2012, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh tốt, năm 2011, Ban tổng giám đốc (gồm 12 người) được nhận thù lao là 17 tỷ đồng. Thù lao trả cho Hội đồng quản trị gồm 13 thành viên (trong đó có ông Trần Xuân Gía) là 7,6 tỷ đồng, Ban kiểm soát là 3,24 tỷ đồng.

l Ngày 21-9, Cty TNHH Chứng khoán Á Châu (ACBS) thông báo, ông Lê Vũ Kỳ sẽ thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty từ ngày 21-9.

Sau khi ông Kỳ có đơn từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT của ACB, chức danh này cũng bị miễn nhiệm. Ông Bùi Tấn Tài sẽ thay thế vị trí này. Công ty chứng khoán ACBS là công ty con của ACB.

Giá cổ phiếu EIB và ACB đều tăng

Hà Nội (TP) - Ngày 21-9, thanh khoản trên cả hai sàn chứng khoán bất ngờ tăng mạnh, do một số mã được giao dịch với khối lượng lớn. Chốt phiên, VN-Index tăng 6,20 điểm (1,59%) lên mức 395,48 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,29 triệu đơn vị, tương đương 1.795,260 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 1,29 điểm, chốt phiên ở mức 56,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,427 triệu đơn vị, trị giá 192,51 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng đều tăng hoặc đứng giá, giao dịch với khối lượng lớn.

Cụ thể, mã EIB tăng 600 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh trên 2 triệu đơn vị. Cổ phiếu ACB tăng trần lên mức 16.400 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 2,2 triệu đơn vị.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG