Trục xuất doanh nghiệp khỏi địa bàn nếu còn xả thải ô nhiễm

Trục xuất doanh nghiệp khỏi địa bàn nếu còn xả thải ô nhiễm
TPO–Ngày 1-8, Chính quyền UBND xã Thanh Liệt (Thanh Trì-Hà Nội) yêu cầu công ty dệt 19-5 phải ngừng sản xuất cho đến khi khắc phục tất cả vi phạm. Nếu không đáp ứng, chính quyền sẽ buộc công ty di dời khỏi địa bàn.

Từng bị xử phạt

Bức xúc trước tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí, 400 hộ dân thuộc thôn Văn (xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) đã yêu cầu Công ty dệt 19-5 phải ngừng sản xuất.

Ngày 1-8, hơn 100 người dân đại diện cho 400 hộ dân thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt có mặt tại hội trường nhà văn hoá thôn, bày tỏ bức xúc hằng ngày phải hít thở nguồn khí độc và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, do công ty TNHH Nhà nước một thành viên dệt 19-5 Hà Nội (công ty dệt 19-5) xả thải ra môi trường.

Theo phản ánh người dân thôn Văn, từ tháng 6-2012, công ty dệt 19-5 bắt đầu hoạt động và môi trường sống nơi đây bị ô nhiễm. Khói, bụi, mùi hoá chất, thuốc tẩy nhuộm, in bốc lên nồng nặc, xen lẫn tiếng ồn của máy móc khiến họ bị đau đầu, chóng mặt, tức ngực và khó thở.

Nước có màu xanh đen rò rỉ tại các rãnh cống phụ phía sau công ty dệt 19-5 gây ô nhiễm. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nước có màu xanh đen rò rỉ tại các rãnh cống phụ phía sau công ty dệt 19-5 gây ô nhiễm. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, tại buổi làm việc ngày 8-6 vừa qua, Tổ công tác của xã và huyện Thanh Trì phát hiện hệ thống nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của công ty dệt 19-5 chưa được xử lý, chảy thẳng xuống sông Kim Ngưu.

Công ty này cũng chưa có khu vực chứa rác thải nguy hiểm theo quy định, chưa có hợp đồng thu gom rác thải. Đặc biệt, công ty chưa cung cấp được các hồ sơ liên quan về đảm bảo môi trường.

Tổ công tác đã lập biên bản xử lý, yêu cầu công ty dệt 19-5 tạm dừng sản xuất, cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc sản xuất của công ty tại thôn Văn, xã Thanh Liệt - Bà Hiếu cho biết.

Hệ thống bể xử lý nước thải của công ty dệt 19-5 không có nắp đậy
Hệ thống bể xử lý nước thải của công ty dệt 19-5 không có nắp đậy.

Ngày 15-6, công ty dệt 19-5 đã cung cấp cho UBND xã một số văn bản, nhưng vẫn thiếu giấy phép xả thải; giấy phép khai thác nước dưới đất; hợp đồng thu gom rác, phế thải; báo cáo về quan trắc môi trường. UBND xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2,5 triệu đồng theo thẩm quyền xử lý của xã.

Trước đó, trong các ngày 20-6 và 6-7, tổ công tác đội 5 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP Hà Nội (PC49) đã làm việc với lãnh đạo công ty dệt 19-5 và phát hiện những sai phạm trên. 

Ngày 2-7, Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải của công ty dệt 19-5 tới phòng PC49.

Kết quả, ba chỉ tiêu vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột B) là: màu vượt 90,71 lần; COD vượt 30,03 lần; TSS vượt 13,97 lần.

Như vậy, công ty dệt 19-5 đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10m3/ngày (24 giờ) đến dưới 50m3/ngày (24 giờ) tại Nhà máy hoàn tất dệt vải thoi của công ty, vi phạm điều 10, khoản 4, điểm B của nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ông Trần Hồng Tuy – Phó Tổng giám đốc Công ty dệt 19-5 đã thừa nhận những lỗi vi phạm trên và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công ty cũng cam kết sẽ khắc phục triệt để lỗi vi phạm và chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành trong thời gian sớm nhất.

Phòng PC49 đã xử phạt công ty dệt 19-5 35 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty dệt 19-5 phải hoàn tất các thủ tục giấy phép quy định trên, cam kết thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cho tới khi nhà máy xây dựng xong và chính thức đi vào hoạt động sản xuất.

Ông Trần Hồng Tuy – Phó Tổng giám đốc công ty dệt 19-5 trả lời những bức xúc của người dân
Ông Trần Hồng Tuy – Phó Tổng giám đốc công ty dệt 19-5 trả lời những bức xúc của người dân.

Yêu cầu dừng hoạt động

Sau khi bị xử phạt, người dân địa phương cho biết, vẫn thấy nhà máy hoạt động, hiện tượng nước rò rỉ màu xanh đen vẫn xảy ra.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Hồng Tuy cho rằng: Từ tháng 6-2011, công ty bắt đầu cho cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng của nhà máy dệt vải thoi; lắp đặt dây chuyền nhuộm liên tục dệt vải thoi. Đến đầu tháng 6-2012 nhà máy vận hành thử nghiệm dây chuyền nhuộm liên tục chứ chưa đi vào hoạt động chính thức (máy móc vẫn phải chạy thử nghiệm).

Cũng theo ông Tuy, hệ thống xử lý khí thải, nước thải của công ty đang trong giai đoạn lắp đặt, hoàn thiện, chưa hoạt động.

Theo ghi nhận của phóng viên, bể xử lý nước thải của công ty được đầu tư 20 tỷ đồng nhưng phía trên bề mặt của bể không có hệ thống nắp che đậy. Do vậy, khí thải vẫn thoát ra không khí, ảnh hưởng tới sức khoẻ của những hộ dân liền kề.

Lãnh đạo công ty này cũng cho rằng, nguồn nước thải ra bên ngoài không phải nước thải sản xuất mà là nước mưa? Còn về hiện tượng nước có màu xanh đen rò rỉ, họ lý giải do bể chứa nước thải quá lớn, áp suất cao nên có thể một số ống dẫn bên dưới bị rò rỉ.

Ngày 1-8, Chính quyền UBND xã Thanh Liệt đã yêu cầu công ty dệt 19-5 phải ngừng sản xuất cho đến khi khắc phục tất cả các vi phạm, thiếu sót trên. Nếu không đáp ứng được thì chính quyền xã và nhân dân sẽ buộc công ty di dời khỏi địa bàn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.