Hiểm họa lớn cho môi trường Cát Bà - Hạ Long

Hiểm họa lớn cho môi trường Cát Bà - Hạ Long
TP - Theo tính toán, dự án nạo vét Cảng quốc tế Hải Phòng sẽ phát sinh khoảng 36 triệu m3 bùn, và sẽ được đổ thẳng ra biển Cát Bà.

> Bị phạt 123,5 triệu đồng vì đổ trộm bùn

Các chuyên gia xem xét điểm đổ bùn trên bản đồ
Các chuyên gia xem xét điểm đổ bùn trên bản đồ.

Chọn phương án giá rẻ

Quan ngại về những ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, đã có nhiều cảnh báo về tính thiếu an toàn của phương án này.

Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến dẫn đầu đoàn các nhà khoa học về Hải Phòng để khảo sát phương án đổ bùn ra biển.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết: “Đến thời điểm này Bộ vẫn chưa thể kết luận được đâu là phương án tối ưu, phải đợi những số liệu, kết quả từ bên tư vấn cộng với sự thẩm định của các chuyên gia”.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Bộ TN&MT chủ trì thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá tác động đối với môi trường.

Cục Hàng hải Việt Nam- chủ đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện (Cảng quốc tế Hải Phòng) phối hợp UBND TP Hải Phòng nghiên cứu, đưa ra 2 phương án đổ bùn, tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ hoặc tại khu vực sau đê chắn sóng Nam Cát Hải.

Phương án đổ bùn tại Nam Đình Vũ được Hải Phòng cũng như các nhà khoa học ủng hộ hơn cả bởi phát triển được quỹ đất (thêm khoảng 1.000 ha) và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng, ngày 3-4-2012, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị bổ sung phương án đổ bùn ra biển, thực hiện theo tư vấn của Nhà tư vấn JICA.

Có mặt trên tàu cùng đoàn khảo sát, ông Trần Anh, Phó giám đốc Ban QLDA xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện cho rằng, bùn đất nạo vét lên có tỷ trọng cát chỉ khoảng 15%, việc lựa chọn tách giữa cát với bùn là khó. “Cái khó nhất của chúng tôi là vốn? Khi không có tiền thì phải lựa chọn phương án rẻ nhất. Do vậy chúng tôi nghiêng về phương án đổ ra biển”.

Theo phương án của nhà tư vấn JICA, sẽ đổ bùn ra biển cách đảo Cát Bà 16 km, cách Đồ Sơn 21 km và cách nơi nạo vét 16 km. Đây là địa điểm đổ bùn được tính với chi phí thấp nhất so với các phương án khác.

“Chúng tôi đã tính toán địa điểm đổ bùn này sẽ chỉ ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 10 km chứ không thể xa hơn”- ông Nakaro, Trưởng nhóm tư vấn JICA, có mặt trong đoàn khảo sát khẳng định.

Quan ngại

Quan điểm trên của ông Phó giám đốc Ban QLDA và ông Nakaro đã vấp phải sự không đồng tình của các chuyên gia trong nước tham gia chuyến khảo sát.

Theo các chuyên gia, bùn được nạo vét phần lớn là bùn dạng lỏng, hạt nhỏ, sức liên kết yếu, dễ phát tán trong nước. Do vậy, nếu đổ bùn đất xuống biển sẽ là mối hiểm họa lớn đến môi trường cụm biển du lịch Cát Bà - Hạ Long- Đồ Sơn.

Hệ sinh thái động thực vật dưới đáy biển ở khu vực này sẽ bị phá hủy và chôn vùi. Chưa kể, số lượng lớn bùn sẽ làm thay đổi dòng chảy, chế độ sóng và thủy triều khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Và không loại trừ, sau một thời gian một phần bùn đất bồi lấp trở lại chỗ vừa nạo vét (cách 16km).

TS Trần Đình Lân, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường biển, là người từng tham gia một chương trình hợp tác với châu Âu nghiên cứu về môi trường cảng biển gần 10 năm.

Ông nói đã chứng kiến nhiều nước phải trả giá cho việc chỉ đặt lợi ích kinh tế, đánh giá thấp vai trò của môi trường. Về phương án đổ bùn đất ra biển của JICA, TS Lân cho rằng chưa thuyết phục.

“ Đổ bùn lên bờ đã khó xử lý, vậy đổ bùn xuống biển kiểm soát như thế nào?”. TS Lân ủng hộ phương án đổ bùn vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, bởi theo ông “đổ trên bờ còn có thể kiểm soát được tác hại”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.