Dán phù hiệu thanh tra lên 1,7 vạn taxi để làm gì?

Mảnh giấy phù hiệu Thanh tra GTVT Hà Nội nhìn từ trong taxi (ảnh to); Phù hiệu Thanh tra GTVT Hà Nội nhìn từ ngoài taxi (ảnh nhỏ) Ảnh: Bảo Khánh
Mảnh giấy phù hiệu Thanh tra GTVT Hà Nội nhìn từ trong taxi (ảnh to); Phù hiệu Thanh tra GTVT Hà Nội nhìn từ ngoài taxi (ảnh nhỏ) Ảnh: Bảo Khánh
TP - Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Sở GTVT rút kinh nghiệm trong việc dùng phù hiệu Thanh tra Sở GTVT Hà Nội dán lên 1,7 vạn taxi (Tiền Phong ngày 17-7 đã thông tin). Việc dán phù hiệu thanh tra này nhằm mục đích gì?

> Buộc các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước

Dán để phân biệt xe dù

Cách đây nhiều tháng, trên tấm kính trước mỗi xe taxi tại Hà Nội xuất hiện một ô vuông nhỏ in hình phù hiệu đặc trưng của Thanh tra GTVT Hà Nội ở giữa có ngôi sao vàng trên nền đỏ. Ít ai để ý tới việc này vì phù hiệu chiếm diện tích khiêm tốn trên mặt kính.

Việc dán phù hiệu hình vuông quay mặt vào trong xe cũng là một sự lạ so với những mảnh giấy khác quay mặt dán quay ra ngoài. Trên mảnh phù hiệu này có ghi giá trị đến hết ngày 30-6-2012, tuy nhiên khi PV Tiền Phong xin các tài xế taxi (vì đằng nào cũng hết hạn từ lâu) thì đa số đều tỏ ra sợ hãi xem đó như một lá bùa.

Sau nhiều ngày, Thanh tra Bộ GTVT phát văn bản yêu cầu Sở GTVT rút kinh nghiệm việc dán phù hiệu thanh tra GTVT trên gần 1,7 vạn xe taxi (của 110 doanh nghiệp).

Chiều 17-7, trao đổi với Tiền Phong, Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp nói: “Có lẽ mọi người hiểu không đúng. Ý của Bộ GTVT là chỉ nên sử dụng phù hiệu trong nội bộ, chứ không phải quy định của nhà nước, không phải phù hiệu cấp phép gì cả”.

Khi được hỏi có lạm quyền gây khó cho doanh nghiệp taxi, ông Giáp cho biết: “Việc làm này không liên quan gì tới pháp luật. Chúng tôi được giao kiểm tra 1,7 vạn phương tiện thì phải có cách đánh dấu cái nào đã đạt. Quan điểm của Bộ GTVT đã đánh dấu có thể in cái gì đó vào, như hình bông sen vàng chẳng hạn, chứ không nên dán phù hiệu thanh tra”.

PV hỏi tiếp về việc có vô vàn cách đánh dấu xe taxi đã kiểm tra vừa tiện ích, lại đỡ tốn kém, ông Giáp lý giải: “Làm thế này để đảm bảo chặt chẽ. Chứ mình không in hình này thì in hình khác để quản lý. Qua việc làm này, tình trạng xe dù giảm một cách cơ bản”.

Theo ông Giáp, nhờ có mảnh giấy in phù hiệu này mà hành khách và cơ quan chức năng có thể phân biệt đâu là xe dù và không dù để yên tâm sử dụng. “Gần như không có xe taxi dù nào dám hoạt động trong nội thành”, ông Giáp nói. Khi đề cập tới tốn bao nhiêu tiền để dán 1,7 vạn phù hiệu, ông Giáp, chỉ nói lấy tiền từ nguồn an toàn giao thông.

Một loại giấy phép con?

Chiều qua, phóng viên đi khảo sát một số hãng taxi, đã hết hạn nhiều tháng, nhưng đa số tài xế taxi không dám động tới cái mảnh giấy in hình phù hiệu thanh tra GTVT Hà Nội.

Một tài xế taxi Thành Công nói: “Đây là cái tem độc nhất vô nhị. Chỉ Hà Nội mới có. Người ta tập trung xe về Mỹ Đình để dán, xe nào không thực hiện sẽ không cho kinh doanh nữa”.

Quả thực, trên kính xe chi chít những giấy chứng nhận các kiểu. Đương nhiên, hành khách cũng không quan tâm tới chiếc phù hiệu này. Tuy nhiên, người lái taxi này cũng sợ bị xé dù khẳng định hết hạn từ lâu.

Liên quan chuyện “lạ lùng” này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Thanh tra Sở GTVT Hà Nội không nhất thiết phải dán phù hiệu vì dễ gây sự hiểu nhầm. Dùng phù hiệu để đánh dấu là không được phép và không có tác dụng”.

Ngay Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cũng khẳng định: “Nói để phân biệt xe dù, xe không dù là sai. Cái này chỉ là để đánh dấu”.

Còn nói như ông Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, việc dán phù hiệu thanh tra vào xe là để giúp hành khách dễ phân biệt taxi dù không có phù hiệu, khó thuyết phục. Bởi khi thực hiện chủ trương này, bản thân Sở GTVT Hà Nội không hề công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Dán cả xe của hãng không có phép

Ngoài việc dán phù hiệu lên xe taxi của những hãng có phép, phù hiệu này còn được dán lên cả những xe của nhiều hãng chưa được cấp phép. Theo Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, do có tình trạng một số doanh nghiệp taxi không phép vẫn hoạt động, Sở GTVT Hà Nội để họ tồn tại nhưng phải bổ sung các điều kiện kinh doanh.

Thậm chí có thể gia hạn 2-3 lần, nếu không thực hiện được sẽ cấm hoạt động. Đây đúng là câu chuyện “con gà và quả trứng”: Cơ quan chức năng không kiểm soát ban đầu, sau đó cho tồn tại rồi kiểm soát chất lượng bằng dán phù hiệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG