Các công viên tại Hà Nội bị 'xẻ thịt': Sai chồng sai

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn về sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ Ảnh: Minh Tuấn
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn về sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ Ảnh: Minh Tuấn
TP - Mười ba ý kiến chất vấn tập trung vào những sai phạm hàng loạt trong quản lý, đầu tư, khai thác nhiều công viên tại Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng qua.

> Sẽ chất vấn việc Công viên Tuổi trẻ bị 'xẻ thịt'

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn về sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ Ảnh: Minh Tuấn
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chất vấn về sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ.  Ảnh: Minh Tuấn.

UBND thành phố nhận trách nhiệm

Trả lời về sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, các hạng mục xây dựng trong công viên từ những năm 2001 đến 2007 phần lớn không có giấy phép xây dựng.

Tổng số 29 hạng mục thì có tới 25 hạng mục sai quy hoạch. Sử dụng sai mục đích gồm tầng hầm để xe, cửa sân khấu ngoài trời.

Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cưỡng chế phá dỡ các hạng mục sai phạm gồm nhà hàng Tuổi Trẻ trên đường Võ Thị Sáu, nhà dịch vụ tennis, nhà khung thép đa năng, nhà kho, sân khấu, đường đua thể thức 1, lán.

Cũng theo ông Khôi, tại đây còn xảy ra tình trạng thiếu rõ ràng trong xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai và hiện thành phố đã và đang chỉ đạo xử lý vi phạm tại đây...

Không đồng tình với cách giải thích chung chung của ông Khôi, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) cho rằng sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ đã kéo dài 10 năm qua, từng được đưa ra chất vấn 2 lần tại kỳ họp HĐND thành phố nhưng sai phạm dường như lại ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ông Nguyễn Văn Khôi thừa nhận đã có những sai lầm của thành phố ngay từ khi giao quyền quản lý, đầu tư, khai thác công viên cho một doanh nghiệp không đủ năng lực cộng với sự kiểm tra, xử lý không nghiêm của nhiều cơ quan đã dẫn đến tình trạng hiện nay.

Để chứng minh sai phạm đang lan tràn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt nghi vấn “đối với việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ công viên Hồ Thành Công, nâng mật độ xây dựng từ 19 lên 31%, tạo điều kiện cho hàng loạt công trình nâng tầng, mở rộng quy mô dựa trên cơ sở nào? hồ Thành Công bây giờ đầy cao ốc vây quanh trông khác gì cái ao làng”? Tại công viên Hoà Bình, hàng quán lấn chiếm cũng diễn ra công khai...

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên bày tỏ bức xúc trước thực trạng đang có khá nhiều cơ quan giúp việc cho UBND thành phố mà sai phạm thì vẫn bị làm ngơ. “Tôi đề nghị xem xét trách nhiệm của Sở Xây dựng và UBND các quận huyện”- đại biểu Diên kiến nghị.

 Tôi biết có tới ba chủ đầu tư đang đề nghị UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch trong công viên. Tôi đề nghị thành phố xem xét, dừng lại 

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh

Tiếp lời đại biểu Diên, trước tình trạng chậm xử lý, thậm chí có biểu hiện giúp chủ đầu tư hợp lý hóa sai phạm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục nêu vấn đề: Trong khi sai phạm chưa được xử lý thì năm 2010 thành phố có quyết định điều chỉnh quy hoạch và chuyển chức năng công viên Tuổi Trẻ thành Trung tâm Thanh thiếu niên!

Bản chất của công viên khác hẳn với Trung tâm thanh thiếu nhi. Vậy căn cứ vào đâu thành phố làm điều này? Làm như vậy có phải để phù hợp cái gọi là “xã hội hóa” không?

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, sai phạm tại Công viên Thủ Lệ đã rất rõ, thành phố đã yêu cầu xử lý nhưng không hiểu vì sao đến nay nhà hàng quán nhậu vẫn ngang nhiên tồn tại?

“Điều chỉnh quy hoạch Công viên hồ Thành Công phải phù hợp với không gian cảnh quan và phải xin ý kiến cộng đồng dân cư, vậy thành phố đã làm chưa?”-đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch một số công trình trong khuôn viên hồ Thành Công như toà tháp Tập đoàn Dầu khí, khách sạn Phương Đông là câu chuyện từ năm 2000.

Gần đây một số chủ đầu tư lại đề nghị nhưng thành phố chưa chấp thuận. “Đang có tới 30 dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch tại nhiều vị trí. Ngay khi có ý kiến của HĐND, thành phố sẽ cho kiểm tra, xem xét lại nghiêm túc vấn đề này”-ông Khôi khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Khôi cũng khẳng định là ngay trong cuối năm 2012, thành phố sẽ tiến hành chuyển giao Công viên Tuổi Trẻ cho đơn vị quản lý chuyên ngành hoạt động theo đơn vị công ích như mô hình công viên Thống Nhất.

“Có nhiều việc diễn ra từ thời lãnh đạo trước, nhiệm kỳ trước nhưng tôi khẳng định là trách nhiệm vẫn thuộc về UBND thành phố trong việc để xảy ra những sai phạm trong quản lý công viên”-ông Khôi nhấn mạnh.

Lựa chọn bỏ thu phí công viên

Hàng ngàn m2 đất công viên Tuổi Trẻ từ lâu đã biến thành nhà hàng, quán bar Ảnh: Minh Tuấn
Hàng ngàn m2 đất công viên Tuổi Trẻ từ lâu đã biến thành nhà hàng, quán bar.  Ảnh: Minh Tuấn.
 

Nhìn từ khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Tùng Lâm (quận Đống Đa) cho rằng nhiều công viên lớn từ lâu đã xây tường kiên cố để thu vé vào cửa là không thực hiện đúng chức năng của công viên là nơi người dân được

giãn, đi dạo, giải trí. “Chỉ nên thu phí khi người dân sử dụng một số dịch vụ trong công viên, còn đi dạo, ngắm cảnh thì sao lại thu phí?”-đại biểu Lâm chất vấn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Ban kinh tế ngân sách) trăn trở trước việc tại TP Hồ Chí Minh thực hiện xã hội hoá được nhiều công viên, tạo nên các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn cho người dân và du khách trong khi Hà Nội vẫn rất ì ạch trong xã hội hóa.

Phân trần về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho hay, Hà Nội đã thực hiện xã hội hóa công viên Dịch Vọng, Yên Sở; 11 hồ nước ô nhiễm cũng đã được thành phố đứng ra kêu gọi cải tạo.

Tuy nhiên, nói chung việc thực hiện xã hội hoá trong đầu tư công viên, nơi vui chơi giải trí đang gặp rất nhiều khó khăn. Riêng với công viên Thống Nhất, đã có ba nhà đầu tư vào khảo sát, đặt vấn đề nhưng rồi lại thôi.

Nhiều nhà đầu tư đều muốn điều chỉnh quy hoạch để cân đối nguồn thu. Công viên Đống Đa có tới 900 hộ dân phải giải phóng mặt bằng nên khó thu hút nhà đầu tư...

Sai thì phải sửa

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Tôi không đồng tình với trả lời của Sở QHKT và UBND thành phố. Cũng là ô đất đó nhưng phải khống chế chiều cao, mật độ nếu không hồ Thành Công thành ao làng rồi. Năm 2004 điều chỉnh mật độ xây dựng từ 19 lên 31% là sai vì không xin ý kiến cộng đồng dân cư, không phù hợp không gian, cảnh quan. Sai thì phải sửa chứ không thể nói là trước đây toà nhà Tập đoàn Dầu khí chừng này tầng thì nay tôi cũng cấp chừng ấy.

Hỏi rõ, trả lời không rõ

Đại biểu Lê Văn Hoạt: Đại biểu hỏi rất rõ nhưng đại diện UBND thành phố lại trả lời không rõ. Chúng ta phải thay đổi cách trả lời vì cử tri đang rất mong mỏi. Để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng công viên có trách nhiệm của cả HĐND. Chúng ta không ngại nhận trách nhiệm với cử tri vì nếu không làm nghiêm túc tôi lo ngại tình trạng này lại tái diễn...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
TPO - Cơn bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nhưng không thể xóa sạch thành quả của nền kinh tế. Bằng chứng là tăng trưởng GDP bứt phá ấn tượng, tăng lương cao nhất từ trước tới nay, đại dự án về đích thần tốc, nhiều kỷ lục mới được thiết lập... Cùng Tiền Phong điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2024.
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.