Mịt mờ 'kho báu' núi Tàu

Mịt mờ 'kho báu' núi Tàu
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận cho ông Trần Văn Tiệp (96 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) gia hạn thêm 3 tháng thăm dò tài sản (được cho là tương đương 4.000 tấn vàng mà quân đội Nhật chôn giấu) ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.

Mịt mờ 'kho báu' núi Tàu

Thực tế đây không phải là lần đầu ông Tiệp xin phép thăm dò để tìm “kho báu”.

Nhiều tảng đá ở núi Tàu đã đào lỏng chân, có thể đổ xuống chân núi bất cứ lúc nào.
Nhiều tảng đá ở núi Tàu đã đào lỏng chân, có thể đổ xuống chân núi bất cứ lúc nào.

Một ngày cuối tháng 6-2012, chúng tôi đã trở lại núi Tàu để mục sở thị nơi được cho là chỗ chôn giấu khoảng 4.000 tấn vàng mà quân đội Nhật đã cất giấu trong chiến tranh thế giới thứ II. Nằm ven quốc lộ 1A (đối diện Nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo), núi Tàu khá nhỏ, cao chưa tới 100m với toàn cây bụi từ dưới chân lên đến đỉnh.

Nơi đây, sỏi đá khô cằn nên không có bất cứ người dân nào trong vùng đến để tìm kế sinh nhai, ngoài một vài người chăn nuôi dê, bò du mục lai vãng tới.

Mất khoảng 30 phút xuất phát từ chân núi phía Tây tiếp giáp quốc lộ 1A, theo con đường mòn mà ông Tiệp đã sang ủi để đưa máy móc trang thiết bị đến địa điểm khoan thăm dò, chúng tôi cũng đã đặt chân đến phía sườn núi phía Đông trong cái nắng gay gắt của trời hè Tuy Phong.

Khác với nhiều ngọn núi khác, núi Tàu có đỉnh khá bằng phẳng đang vào mùa bằng lăng nở rộ, tô điểm thêm cho núi Tàu một màu tím biếc, khiến người đặt chân đến đây lần đầu bớt đi cảm giảm sợ hãi bởi sự hoang sơ.

Khác với vẻ huyền bí lâu nay được thông tin đại chúng mô tả về nơi nghi chôn giấu số tài sản khổng lồ, công trường nơi thăm dò là một sườn núi tương đối bằng phẳng, cây bụi rậm rạp mọc bao phủ nhìn thẳng ra biển Đông. Nơi đây những công nhân của Doanh nghiệp Rạng Đông (thuộc tỉnh Bình Phước) dựng tạm chiếc lều để sinh hoạt và phục vụ cho công tác thăm dò.

Lúc chúng tôi đến, tại công trường có khoảng trên dưới 10 công nhân, cùng 1 xe múc, máy phát điện và một giàn khoan. Trên diện tích khoảng 2.000m2, các công nhân đã tiến hành đào bới, san ủi lộ thiên từng tảng đá to nặng hàng chục tấn.

Các vị trí mà trước đây ông Tiệp đã đào bới nham nhở, giờ cũng được các công nhân cho múc mở rộng và đặt máy khoan thăm dò. Bên vách núi phía Đông, lực lượng thăm dò đã đào sâu vào chân một số tảng đá (ước nặng chừng vài chục tấn) để lộ ra nhiều khe sâu.

Những người thăm dò tin rằng đây là nơi được cho là cửa hang mà theo ông Tiệp ngày xưa quân đội Nhật sau khi đem vàng chôn giấu trong hang đã sắp xếp lại các tảng đá để bít cửa hang nhằm tránh sự phát hiện và đột nhập từ bên ngoài.

Theo một vài công nhân, việc thăm dò đang gặp khó khăn bởi cách độ sâu hơn 1 mét so với mặt đất là toàn bộ đá tảng xanh rắn chắc nằm thành từng lớp phía dưới. Trong quá trình thăm dò, mũi khoan liên tục bị gãy do đá quá cứng.

Hiện nay, tại các vị trí khoan cho thấy chưa có một biểu hiện bất thường ngoài một lượng đất đá dạng bột có màu xanh đặc trưng của đá tảng đưa lên từ các mũi khoan.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nguy cơ núi Tàu bị biến dạng, mất cân bằng sinh thái, đồng thời gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn của mọi hoạt động dưới chân núi Tàu, trong quá trình thi công là rất lớn.

Theo đó, những tảng đá được đào khoét chân nằm cheo leo bên phía sườn Đông núi Tàu như muốn đổ sụp xuống đầu và lăn xuống chân núi bất cứ lúc nào.

Và thực tế, một phần lớn tảng đá to tròn, nặng vài tấn cũng đã “hạ sơn” nằm ngổn ngang phía dưới chân núi. Đó là chưa kể một lượng lớn đất đá bị đào bới đã phá vỡ kết cấu vững chắc giữa đất và đá của núi như trước đây rất dễ gây sạt lở núi vào mùa mưa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ trưởng tổ giám sát việc thi công thăm dò vật nghi chôn giấu tại núi Tàu cho biết: hàng tuần tổ giám sát đều đi kiểm tra và nhắc nhở đoàn thăm dò phải tiến hành triển khai theo đúng các nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Khi phát hiện việc đá lăn xuống chân núi, tổ công tác đã nhắc nhở đơn vị thăm dò ngưng việc lăn đá, quá trình thăm dò phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không thăm dò ra quá diện tích quy định.

Sau khi khoan xong 20 mũi khoan thăm dò như UBND tỉnh đã cho phép, tổ giám sát sẽ yêu cầu đơn vị ngưng thi công, ông Hạnh cho biết.

Kho báu huyền thoại?

Theo ông Trần Văn Tiệp, kho báu nói trên tương đương 4.000 tấn vàng cùng một số lượng lớn châu báu, quý kim khác trị giá khoảng 100 tỉ USD.

Theo đó, trong chiến tranh thế giới thứ II, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng vơ vét được từ các đền chùa, ngân hàng, viện bảo tàng ở các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đến vùng biển Tuy Phong trốn quân đồng minh.

Sau đó vị tướng này đã cho quân lính đem toàn bộ số vàng chôn giấu tại một ngọn núi với ý định sau này sẽ trở lại lấy nhưng bị thất lạc.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhiều người Nhật đã trở lại và xác định vị trí giấu vàng là núi Tàu, nhưng tung tích kho vàng thì vẫn bặt vô âm tính cho đến ngày nay.

Theo Phúc Sinh - Đình Nhượng
Báo Bình Thuận

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG