Đi tìm bộ xương cụ tổ một vạn tuổi ở Ninh Bình

Đi tìm bộ xương cụ tổ một vạn tuổi ở Ninh Bình
Những ngày qua, dư luận xôn xao với thông tin các nhà khảo cổ phát hiện đống xương trong hang đá giữa dãy núi đá vôi trùng điệp ở Ninh Bình.

Tuy nhiên, bộ xương đó là của ai, ở hang động nào, thì không ai rõ. Chỉ biết rằng, bộ xương đó chắc chắn là của người Việt cổ.

Những ngày hè nóng như đổ lửa này khu du lịch Tràng An khá vắng khách. Bến đò có 700 con thuyền, cột vào nhau, xếp hàng dài lượn lờ cả km. Mấy người đàn bà đội nón mê, ngồi trên thuyền đợi khách. Phải có đủ 5 khách, thuyền mới rời bến thăm thú Tràng An.

Tôi xuống bến đò, lần hỏi từng chị lái đò, về cái hang tên là hang Mòi, ở khu khu ngập nước Tràng An (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình), nhưng tất cả đều lắc đầu không biết.

Chị Thủy, người lái đò chở khách ngót chục năm nay ở Tràng An bảo: “Tôi chở cả khách, cả nhà khoa học, nhà khảo cổ, gồm cả Tây và ta đến hết các núi non, tận chân hang động, nhưng thú thực, không biết có cái hang nào tên là hang Mòi cả. Ở Tràng An có 9 hang có thể bơi thuyền xuyên qua, mấy chục hang sâu trong núi, tôi đều biết, nhưng hang Mòi thì tôi chịu”.

Tôi đem câu hỏi về hang động mà các nhà khảo cổ vừa phát hiện di cốt người xưa tới chị em lái đò, tuy nhiên, tôi chỉ nhận lại được câu hỏi: “Thế à? Có xương trong hang hả chú? Có kẻ giết người chôn trong hang hả?”. Cũng có người bảo rằng, có láng máng nghe chuyện các nhà khảo cổ đào được xương mấy ngày trước, nhưng cụ thể thế nào thì không rõ. Chuyện tôi dò hỏi về đống xương trong hang động trở nên ầm ĩ cả bến đò.

Sự việc phát hiện bộ xương của người xưa gây chú ý cả nước, đã tới cả tai các nhà khảo cổ châu Âu, thế nhưng, ở tại xã Trường Yên, nơi các nhà khảo cổ đào được bộ xương này, thì lại chẳng ai biết đến. Không hiểu các nhà khảo cổ giữ bí mật, không để thông tin tiết lộ ra ngoài, hay vì người dân nơi đây mải miết với cơm áo gạo tiền, chẳng để ý đến những chuyện không liên quan đến mình đó.

Một góc thung Trong, nơi có hang Mòi
Một góc thung Trong, nơi có hang Mòi.

Chúng tôi cũng gặp gỡ một số cán bộ địa phương, cán bộ khu du lịch, nhưng thông tin về đống xương người trong hang đá vẫn bặt vô âm tín. Sau một ngày loay hoay ở khu Quần thể di tích danh thắng Tràng An, chúng tôi đành ngược về TP. Ninh Bình.

Khi tôi trình bày “chuyện lạ”, rằng hỏi cả trăm người mà chẳng ai biết hang Mòi ở đâu, nhà nghiên cứu Nguyễn Cao Tấn (Sở VHTT&DL Ninh Bình) đưa cho tôi vài dòng báo cáo sơ bộ của anh về di chỉ hang Mòi. Hóa ra, anh là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra di chỉ khảo cổ đặc biệt ở khu ngập nước Tràng An này. Nhà nghiên cứu trẻ này cũng chính là người chỉ cho tôi những bích họa bí ẩn ở khu ngập nước Vân Long.

Theo đó, hang Mòi được người dân gọi là hang Cạn, nằm ở thung Trong, thuộc thôn Thiên Trường. Hang Mòi là di tích khảo cổ gắn với thung Trong, một thung lũng đá vôi dài 600m và rộng 200m.

Lòng thung lũng ngập nước quanh năm. Bao bọc thung Trong là các dãy núi đá vôi. Ở phía Đông của thung có núi Yên Ngựa, phía ngoài là đền Trần.

Anh Tấn bảo, địa chỉ thì như vậy, nhưng có vào thung Trong lần mò cả tháng cũng chẳng thấy hang Mòi. Trong đó, rừng rậm hoang vu, núi đá cheo leo, vắt nhảy tanh tách, trăn quấn ngọn cây, hang lại nằm ở vị trí khuất nẻo, nên đi dưới chân núi ngước lên cũng chẳng thấy miệng hang.

Nói rồi, anh Tấn bấm điện thoại, gọi cho anh Trí, là cán bộ quản lý Quần thể di tích, danh thắng Tràng An. Anh Tấn đề nghị anh Trí xắp xếp thuyền, đưa nhà báo vào tận hang đá xem xét, chụp ảnh di cốt người ở hang Mòi.

Ngay hôm sau, khi mặt trời lên vượt qua mỏm núi thấp ở phía đông Tràng An, tôi đã có mặt ở bến thuyền. Một người đàn ông trung tuổi giới thiệu là người quản lý bến thuyền tiến đến hỏi tôi và nhà báo Lê Quân: “Hai chú là nhà báo phải không? Anh Trí đã giao nhiệm vụ cho tôi dẫn hai nhà báo đến hang Mòi”.

Nói rồi, anh gọi mấy chị chèo đò đến chở chúng tôi vào sâu trong núi. Tuy nhiên, các chị đều lắc đầu. Duy có một chị thì lầm lũi xách làn xuống thuyền chở chúng tôi đi. Ngồi dưới thuyền, tôi mới biết, hễ thấy nhà nghiên cứu, nhà khoa học là mấy bà, mấy chị lái đò đều… trốn. Chở du khách, nhất là khách nước ngoài, thì được bo hậu hĩnh, chứ chở các nhà tri thức vừa tốn thời gian (đi nhiều, chờ đợi nhiều), mà có khi lại chẳng được đồng bo nào.

Hang Mòi
Hang Mòi.

Chị bảo, chị cũng chẳng biết hang Mòi ở đâu cả, nhưng chị nhận được lệnh rằng, chở hai vị khách đến đền Trần, giao cho ông Thanh, rồi ngồi ở đền đợi. Chị không được phép đi theo khách đến hang. Khi nào khách xong việc thì chị chở khách về.

Giờ tôi mới hiểu, vì sao, sự kiện phát hiện động xương người gây xôn xao dư luận như vậy, mà mấy bà, mấy chị lái đò (suốt ngày tụ tập, túm tụm bên bến đò buôn chuyện), lại không biết đến sự phát hiện này. Hóa ra, mọi thông tin đều bí mật.

Ông Dương Đình Thanh là thủ từ trông coi đền Trần từ nhiều năm nay. Vợ chồng ông sống trong một mái lều lúp xúp tựa núi hướng thung sâu, như thể đôi uyên ương trong tuyệt tình cốc.

Sau khi kiểm tra thẻ nhà báo cẩn thận, ông mới cởi mở tấm lòng. Ông bảo, ông nhận nhiệm vụ trông coi di chỉ hang Mòi từ các vị lãnh đạo khu du lịch Tràng An. Ông chỉ được phép dẫn người vào hang Mòi, khi có sự chỉ đạo. Nói rồi, ông Thanh kể về tuổi thơ mò cua bắt cá trong thung lũng này.

Một mẩu xương ống tay trong hang Mòi
Một mẩu xương ống tay trong hang Mòi.

Theo ông Thanh, chính ông là người đầu tiên phát hiện ra hang Mòi. Những năm 70 của thế kỷ trước, ngày nào ông cũng cùng với đám thanh niên vào thung Trong câu cá, mò cua, đơm lươn, do đó, khu vực này có hang động nào, ông đều biết cả.

Mấy năm trước, các nhà khảo cổ Việt Nam, rồi các nhà khảo cổ của Đại học Cambridge (Anh) đi khảo sát các hang động trong Tràng An, ông là người trực tiếp dẫn họ đi tìm kiếm.

Hồi năm kia, khi lãnh đạo Quần thể di tích danh thắng Tràng An thống kê hang động để khảo sát, khai quật, thì ông đã chỉ dẫn họ đến hang này. Xưa kia, trong hang có đống mối to tướng đùn lên, nên ông cùng những thanh niên trong xã gọi là hang Mối. Tuy nhiên, không hiểu sao, khi khai quật hang động, các nhà khoa học lại đổi tên thành hang Mòi.

PV tìm hài cốt trong hang Mòi
PV tìm hài cốt trong hang Mòi.

Ông Thanh dắt con dao rừng lên lưng, xách chiếc đèn pin, rồi chúng tôi vạch rừng để đi. Đi được một đoạn, thì đến mái đá, có ngôi đền nhỏ. Ông Thanh bảo, đây là ngôi đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiển, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.

Đền này được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Tứ Trấn (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, nhà Trần đổi tên thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.

Ông Thanh thắp hương trước ngôi đền nhỏ dưới mái đá. Ông xin phép Thánh Thần, Thổ Địa… cho hai nhà báo vào núi, đi xem bộ xương người Việt cổ trong hang.

Chúng tôi đi miên man dọc sườn núi, quanh co dưới thung lũng. Vừa đi, ông Thanh vừa kể những truyền thuyết hư hư thực thực về rừng si, rừng sanh, về bàn chân khổng lồ in trên đá và rất nhiều chuyện lạ lùng khác nữa.

Hài cốt trong hố khai quật
Hài cốt trong hố khai quật.

Đến gốc cây sanh khổng lồ, có hình dáng con hươu cao cổ, ông Thanh dừng lại bảo: “Đến hang rồi”. Tôi nhìn mãi mà chẳng thấy hang động đâu. Chỉ thấy dây leo chằng chịt, đá tai mèo lô nhô. Chúng tôi bám vào mấu đá, du dây rừng trèo lên. Miệng hang Mòi khá rộng, nhưng ẩn sâu trong vách đá, nên từ dưới nhìn lên thì khó, nhưng từ miệng hang quan sát được toàn cảnh thung lũng đẹp như mơ.

Đền Trần
Đền Trần.

Theo Phạm Ngọc Dương
VTCNews

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG