> Sẽ trục xuất những người Trung Quốc làm bè trên vịnh Cam Ranh
Thế nhưng đến giữa tháng 5-2012, việc này mới được thực thi một cách quyết liệt.
Theo đại tá Hồ Thanh Tùng - trưởng phòng trinh sát Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa: Năm 2009, bộ đội biên phòng Khánh Hòa đã phát hiện sáu người Trung Quốc nuôi cá trên bè của Công ty TNHH Song Phong và Công ty TNHH Khải Hoành trong vịnh Cam Ranh. Trong số này có hai người không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, bốn người không có giấy phép lao động tại Việt Nam.
Thực thi chỉ đạo sau... hai năm rưỡi
Ngày 12-11-2009, đại tá Hồ Văn Truyền - chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Khánh Hòa - đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những người Trung Quốc vi phạm quy định pháp luật.
Đại tá Tùng cho chúng tôi xem văn bản 6283/UBND-VP ngày 26-11-2009 do phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là ông Nguyễn Chiến Thắng ký, trong đó nêu rõ: “Giao UBND thị xã Cam Ranh phối hợp với Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh và các ngành chức năng, căn cứ pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản liên quan xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về giấy phép lao động, đăng ký tạm trú và vi phạm về kinh doanh bè cá tại vịnh Cam Ranh”.
Thế nhưng theo đại tá Hồ Thanh Tùng, chính quyền và các cơ quan chức năng thị xã Cam Ranh lúc đó và TP Cam Ranh sau này đều xử lý không đồng bộ, thiếu quyết liệt nên lao động Trung Quốc vẫn tiếp tục ở lại nuôi trồng hải sản trong vịnh Cam Ranh.
Mãi đến ngày 17-5-2012, một đợt kiểm tra của lực lượng chức năng TP này mới phát hiện và kiến nghị xử lý bảy người Trung Quốc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về tạm trú và lao động tại Cam Ranh. Sau thời điểm đó, việc tổng kiểm tra tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh thủy sản ở Cam Ranh mới được thực hiện một cách quyết liệt.
“Chúng tôi đang rà soát...”
Ông Đào Văn Hòa. Ảnh: Duy Thanh. |
Trưa 4-6, để tìm hiểu rõ hơn về kết quả giải quyết, xử lý những vi phạm của người lao động Trung Quốc và trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương liên quan đến vụ việc này, phóng viên Tuổi Trẻ và một số báo đã gặp ông Đào Văn Hòa - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP Cam Ranh.
Tuy nhiên, câu trả lời thường trực của vị lãnh đạo này là: “Chúng tôi đang rà soát”, “Chúng tôi đang tổng hợp”.
Thưa ông, vì sao UBND tỉnh chỉ đạo xử lý việc người Trung Quốc vi phạm khi nuôi hải sản trong vịnh Cam Ranh từ cuối năm 2009, nhưng đến giữa tháng 5-2012 TP Cam Ranh mới xử lý quyết liệt?
Chúng tôi đang rà soát việc thực hiện chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh, hiện anh em đang tổng hợp. Lúc đó, anh Nguyễn Tấn Hưng là chủ tịch UBND thị xã, trực tiếp chỉ đạo việc này. Chúng tôi đang kiểm tra, rà soát kết quả xử lý việc này thế nào để báo cáo tỉnh.
Việc thực hiện chỉ đạo chậm này trách nhiệm thuộc về ai?
Lúc ấy việc giải quyết xử lý là do chủ tịch cũ. Hồi đó tỉnh giao UBND thị xã Cam Ranh và bộ đội biên phòng tỉnh. Chúng tôi đang rà soát tất cả để xem trách nhiệm thuộc về ai. Trách nhiệm cơ quan nào thì cơ quan đó chịu. Chúng tôi sẽ xem xét xử lý thấu đáo, khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm tồn tại.
Vịnh Cam Ranh gần với khu quân sự. Việc có người nước ngoài nuôi cá trong vịnh này theo ông là nên hay không nên?
Việc sản xuất và kinh doanh của người dân trên địa bàn TP Cam Ranh, kể cả người nước ngoài, đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện vấn đề nào chưa đúng thì chấn chỉnh, xử lý.
Chắc đoàn kiểm tra của TP Cam Ranh đã có báo cáo sơ bộ kết quả kiểm tra việc sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản trên địa bàn TP. Thưa ông, hiện có bao nhiêu người Trung Quốc đang nuôi trồng và mua bán hải sản ở Cam Ranh? Vì sao họ đã nuôi cá 10 năm trên vịnh Cam Ranh nay mới được phát hiện, xử lý?
Chúng tôi đang cho kiểm tra, ngày 8-6 sẽ báo cáo chính thức cho tỉnh việc này. Chúng tôi đang kiểm tra kỹ, xem họ (người Trung Quốc) làm bè hay thuê bè người khác (để nuôi).
Tối cùng ngày, ông Nguyễn Khắc Toàn - bí thư Thành ủy Cam Ranh - cho biết: “Tôi vừa trao đổi với anh Hòa (ông Đào Văn Hòa - PV) thì được cho biết là thực hiện chỉ đạo cuối năm 2009 của UBND tỉnh, hồi đó Phòng kinh tế TP Cam Ranh đã xử phạt những người Trung Quốc nuôi cá trong vịnh Cam Ranh vì họ không có giấy phép lao động.Nhưng không biết về sau họ khắc phục sao đó mà vẫn ở lại. Tôi đã chỉ đạo UBND TP ngay sáng mai làm việc với Phòng kinh tế TP để giải trình cụ thể vì sao đã xử lý rồi mà vẫn còn tình trạng người Trung Quốc vi phạm, trách nhiệm đó thuộc về ai”.
Dư luận cũng đặt vấn đề là dù có chỉ đạo kịp thời từ năm 2009 về xử lý tình trạng người Trung Quốc vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trong khi nuôi hải sản trong vịnh Cam Ranh, song vai trò kiểm tra, chỉ đạo xử lý tiếp theo của UBND tỉnh Khánh Hòa trong một thời gian dài vừa qua như thế nào khi để tình trạng trên tồn tại trong khu vực vịnh Cam Ranh?
Cấp xã thừa nhận sai phạm Sáng 4-6, UBND huyện và Công an huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cùng Đồn biên phòng Đầm Môn đã kiểm tra bè nuôi cá ở vịnh Vân Phong có sử dụng ba chuyên gia người Trung Quốc nhưng hiện hai người đã về nước. Ông Trần Kim Bảo - phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh - cho rằng: “UBND xã Vạn Thạnh đã sai phạm nghiêm trọng khi cho doanh nghiệp nuôi cá với diện tích lớn đến hơn 10.000m2 từ năm 2009 đến nay mà không có giấy phép cho thuê mặt nước của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi đã đề nghị người Trung Quốc lên đất liền ở vì hiện bè cá không có giấy phép hợp lệ. Chúng tôi sẽ có cuộc họp lấy ý kiến tập thể để có hình thức kiểm điểm đối với những cá nhân sai phạm trong vụ việc này”. Ông Trương Thái Hùng - chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh - thừa nhận việc để cho doanh nghiệp nuôi cá mú trong vịnh Vân Phong từ năm 2009 đến nay mà chưa có giấy phép là việc làm hoàn toàn sai. “Do diện tích cho thuê nhỏ nên tôi tự ý cho thuê để địa phương có thêm thu nhập” - ông Hùng giãi bày. Cùng ngày, ông Trần Văn Ngãi - chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) - thừa nhận có sai phạm trong việc cho thuê mặt nước biển để các doanh nghiệp có chuyên gia người Trung Quốc nuôi trồng hải sản tại Vũng Rô. Theo ông Ngãi, từ năm 2007 UBND xã đã tự ý hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê nuôi cá tại Vũng Rô với giá 70 triệu đồng/10.000m2 mặt nước/năm, số tiền cho thuê này nộp vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên năm 2007, Sở Tài nguyên - môi trường kiểm tra và kết luận các hợp đồng cho thuê không đúng quy định, xã đã tạm dừng nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi. Ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết hôm nay 5-6, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm tất cả các ngành chức năng có liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng ngành và địa phương trong việc này. |
Theo Tuoitre