Lên trời cùng phi công dù bay ba lần vô địch

Biển Đông - Đà Nẵng nhìn từ trên cao ( ảnh lớn); Cánh diều nối cánh diều ( ảnh nhỏ)
Biển Đông - Đà Nẵng nhìn từ trên cao ( ảnh lớn); Cánh diều nối cánh diều ( ảnh nhỏ)
TP - Cảm giác được chao lượn ở độ cao 300 mét với tấm dù hình chiếc lá sặc sỡ trên đầu và động cơ cánh quạt chạy xè xè gắn sau lưng trên đầu sóng nước bãi biển tốp 6 đẹp nhất hành tinh thật kỳ lạ.

> Ngoạn mục trình diễn dù bay 'đẳng cấp thế giới'

Jun Ashimine - chàng phi công ngồi áp sau tôi đang khéo léo điều khiển những múi dây và tay ga từng 3 lần vô địch giải Dù bay quốc gia của Nhật…

Biển Đông - Đà Nẵng nhìn từ trên cao ( ảnh lớn); Cánh diều nối cánh diều ( ảnh nhỏ)
Biển Đông - Đà Nẵng nhìn từ trên cao ( ảnh lớn); Cánh diều nối cánh diều ( ảnh nhỏ).Ảnh: TR.T

Sau cuộc điện thoại với Cát - Tổng giám đốc Công ty C.A.T.I, may mắn nhận ngay được cú hẹn êm ái “10h30 sáng nay anh bay nhé !”.

Trước đó, không nghĩ người đứng ra tổ chức cuộc thi món thể thao bay lượn mạo hiểm gồm toàn những “tay chơi” mày râu sừng sỏ thế giới lần đầu tiên trên đầu sóng Đà Nẵng cũng như Việt Nam này lại là một nữ nhi mảnh dẻ chính gốc Đà Nẵng có cái tên rặt biển: Thân Ngọc Hải Cát…

Phóng ngay ra Công viên Biển Đông trên đường Hoàng Sa. Bãi biển nắng chang, các chàng phi công Nhật, Pháp, Mỹ đang hý hoáy sửa soạn máy móc, dây, dù, xăng dầu để chuẩn bị đợt bay tập đầu tiên trong ngày vào lúc 10 giờ.

Theo lịch, cuộc thi “Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam chính thức diễn ra trong hai ngày 26, 27-5. Nhưng từ 3 ngày trước khi chính thức thi đấu, các phi công ngày hai buổi ra biển bay biểu diễn, vừa luyện dù, làm quen với tính nết của gió máy nơi đây.

Hải Cát nói, hướng gió, sức gió tác động rất lớn đến an nguy, thành bại của người chơi môn này. Gió phải từ biển vào, còn gặp lúc gió từ trong bờ quật ra rất ớn, phi công dễ bị quăng ra biển.

Khu vực biển này có những chỗ hướng gió hay đổi chiều lệch nhau, nên trước khi thi chính thức, phi công thường phải bay thật nhiều để làm quen. Cũng chính vì sự nguy hiểm, và để cuộc thi lần đầu tiên này diễn ra an toàn tuyệt đối, từ 8 đội đăng ký, BTC rút xuống còn 4 đội với 25 phi công là những tay đua lão luyện hàng đầu thế giới từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ba Lan.

Hai Sư đoàn Không quân 372 và Phòng không 375 thường xuyên có sĩ quan chuyên môn túc trực theo dõi giám sát.

Thượng tá Đinh Đức Thiện – Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 375, kể: Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần VI tối 25-12-2010, 6 phi công của Quân chủng PK-KQ đã biểu diễn dù bay trên bầu trời sân Chi Lăng (Đà Nẵng).

Tuy nhiên, để được thi đấu như thế này bắt buộc phi công phải có chứng chỉ của Liên đoàn Thể thao Hàng không thế giới (FAI). Việt Nam chưa là thành viên của liên đoàn này nên chưa thể dự thi …

10h30, gió đã mạnh, được lệnh bay. Các bạn trẻ tình nguyện viên nhanh chóng đeo vào lưng tôi một thiết bị nom như chiếc ba lô lớn có tác dụng móc giữ những bộ phận cơ thể, vừa có cái đai phía sau để ngồi khi lên cao.

Jun Ashimine đã đeo động cơ Paramotor sau lưng, dù đã được rải chuẩn bị kéo lên đón gió. Hai chiếc móc nhanh chóng khóa tôi lại với Jun Ashimine.

Ông Shinji Kake – Tổng giám đốc Công ty Airea Japan của Nhật, đơn vị tư vấn cuộc thi trực tiếp giật dây curoa nổ máy động cơ, và cũng là người điều chỉnh cho việc cất cánh.

Động cơ nổ giòn, tấm dù đã ăn đủ gió lập tức bốc hai chúng tôi lên cao. Nghe Jun nói, mới hay tôi là tên phóng viên đầu tiên, cũng là một trong những người Việt đầu tiên được bay trong sự kiện đặc biệt thế này.

Mặc dù chỉ là bay đôi mang tính trải nghiệm, không nhào lộn hay đua tốc độ, nhưng sau mới biết “chiến hữu” cũng không ít người muốn bay, nhưng đều sợ nên ngồi dưới…ngó !

Tác giả (trái) trải nghiệm với dù bay cùng nhà vô địch Nhật Bản Jun Ashimine ảnh: Đ.N
Tác giả (trái) trải nghiệm với dù bay cùng nhà vô địch Nhật Bản Jun Ashimine.  ảnh: Đ.N.

Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012 lần đầu tiên tại Việt Nam do UBND TP Đà Nẵng đăng cai, Công ty C.A.T.I tổ chức dưới sự tư vấn của Liên đoàn Dù lượn và Diều lượn Nhật Bản (JHF) và Công ty Airea Japan diễn ra từ 23 đến 27-5-2012.

25 VĐV dù bay hàng đầu thế giới từ 4 quốc gia Nhật Bản, Pháp, Ba Lan và Mỹ thi đấu 4 nội dung: bay tốc độ, bay lượn tránh chướng ngại vật, bay đội hình và bay cứu hộ.

Jun Ashimine đưa chúng tôi lên cao, cao mãi. Lúc chao nghiêng xa tít trên những ngọn sóng. Khi thì lững lờ trôi trên dải cát vàng. Bán đảo Sơn Trà như viên ngọc xanh khổng lồ giữa biển, lúc sau lưng, lúc hiện ra trước mặt. Nhìn thấy sân thượng những tòa nhà cao mấy chục tầng phía bờ đông sông Hàn.

Toàn cảnh sông biển, nhà cửa, cây xanh, đường sá thành phố thênh thang sáng rỡ hiện ra dưới nắng đầu hè trong một thứ cảm xúc rời rợi tinh khôi.

Thứ cảm giác lâng lâng bồng bềnh của mùa hè 11 năm về trước (tháng 7-2001), trong chuyến theo người Nhật suốt hành trình cuộc thi bơi 20 cây số lần đầu tiên từ Hội An ra đảo Cù Lao Chàm.

(Tôi, tất nhiên bơi lội gì, chỉ “được phép” ngồi trên thuyền làm quan sát viên!). Thời ấy, từ ông Chủ tịch Nguyễn Sự cho đến quan chức Hội An ai nấy lo sốt vó, chỉ cho phép các VĐV bơi “biểu diễn” khoảng vài cây số rồi…vớt lên thuyền.

Bởi kể cả những ngư dân dày dạn nhất xứ này, cũng chưa từng có ai bơi suốt một mạch từ bờ ra đảo như vậy. Nông sâu hiểm nguy lòng biển nơi đây nào đã ai dò được. Nhưng chỉ tôi mới hiểu, “cuốc” bơi ấy nhằm nhò gì với những tay bơi như Hon Bu, Masuda từng thắng lớn tại các cuộc thi vượt Thái Bình Dương (Úc), biển Nam Mỹ giữa làn nước lạnh cắt da …

Ngồi đu đưa giữa không trung, tôi kể cho Jun về chuyến bơi ấy của người Nhật, anh chàng cao lớn gương mặt hiền lành bật cười. Anh kể từ năm 10 tuổi đã đam mê đu bám những cánh dù lượn, dù bay, khiến cả nhà lo sốt vó. Nhưng đã mê là quyết theo đuổi, đến năm 17 tuổi giành chức vô địch Nhật Bản lần đầu tiên, từng bay lượn khắp bầu trời thế giới. Đến nay, cả 3 cậu con trai tuổi còn lít nhít của anh đã thích mê môn chơi của bố, còn vợ thì vẫn nhất quyết nói … không !

* * *

Eymin Didier, người Pháp có lẽ là phi công lớn tuổi nhất cuộc thi này, với cái đầu trọc nom khá “giang hồ”. Chúng tôi vừa hạ dù đáp xuống cát, ông đứng gần đó vỗ bộp vào lưng chúc mừng.

Lát sau dần dà bắt chuyện, mới hay ông là phi công loại thượng thừa của môn dù lượn, dù bay thế giới. Từ năm 1985, ông là người đầu tiên sáng lập môn dù lượn phiêu lưu.

Dù lượn khác dù bay ở chỗ bay không cần đeo động cơ, mà thường phải xuất phát từ một điểm cao như sườn núi. Với dù lượn, năm 1988, Eymin Didier đã một mình bay qua hoang mạc Sahara.

Chuyển qua dù bay với động cơ Paramotor, ngày 3-5-1989, ông ghi kỷ lục là người đầu tiên trên thế giới bay vượt qua Địa Trung Hải từ Nice đến Calvi - hai thành phố biển của Pháp với việc tiếp nhiên liệu ngay giữa chuyến bay.

Hồi hộp chờ người tiếp đất
Hồi hộp chờ người tiếp đất.

Ít ai biết, từ 21 năm trước (1991), E. Didier đã từng bay lượn trên vịnh Hạ Long trong một chương trình do Đài truyền hình Pháp (TF) tổ chức. “Thời đó máy móc thiết bị còn thô sơ lắm, mà lại bay hoàn toàn trên biển, nên rất nguy hiểm”, Didier tâm sự.

Nguy hiểm ở chỗ, trong tình huống phải hạ cánh khẩn cấp, mà đáp xuống biển thì rất dễ bị trói chặt trong đống dây dù, móc khóa chằng chịt, với khối động cơ nặng trĩu đeo sau lưng.

Đang trò chuyện, bất ngờ một anh chàng Pháp cao lớn điển trai từ đâu “xông” tới hỏi đùa bằng giọng …Sài Gòn rất anh chị: “Cái gì, các bạn muốn hỏi cái gì?”.

Té ra đó là Gilles Gripari, anh chàng phi công trong đội Pháp. Từ nãy giờ để ý thấy có 1 phụ nữ trẻ người Việt đội nón lá với một cậu bé dễ thương cứ luẩn quẩn hết giúp Gripari tung dù chuẩn bị bay, lại đứng quay phim chụp ảnh.

Trần Thị Thanh Loan, cô gái đất Củ Chi này là vợ chồng với anh chàng Pháp ham bay ấy đã 11 năm trời. “Hai năm trước, em nhất quyết bắt ông ấy về Việt Nam, ở Sài Gòn luôn”, Loan khoe.

Nhà vô địch dù bay thế giới năm 2009 người Ba Lan và cũng là bóng hồng duy nhất tại cuộc thi này - Emilia Plak vui vẻ ghi lại tên mình vào sổ tay của tôi, bằng tay trái.

Tham gia từ năm 2000, đến năm 2007 bắt đầu tranh tài, cô hiện phụ trách đội Paramania - đội phi công dù bay hàng đầu thế giới của Ba Lan.

Tại giải này, ngoài thi đấu cá nhân về tốc độ, bay lượn tránh chướng ngại vật, Emilia sẽ cùng cặp đấu với phi công người Pháp Mathive Rouanet ở chủ đề bay đội hình và bay cứu hộ.

Thót tim

Không ngờ, Eymin Didier lại là người đầu tiên minh chứng cho sự mạo hiểm của môn thể thao hàng không Paramotor ngay tại cuộc thi này.

Buổi chiều trước ngày thi đấu chính thức, ông đã gặp trục trặc trong một lần bay tập, bị chấn thương, đành sớm bỏ cuộc chơi. Buổi sáng thi đấu chính thức (26-5), chỉ nhìn những pha biểu diễn “rợn tóc gáy” của cặp đôi Mathive Rouanet - Emilia Plak như lộn vòng cắt kéo trên độ cao tới 300 mét với tư thế dù phía dưới – người phía trên, rồi sà xuống biển “rửa chân”, dựng đứng dù lượn quanh khán giả, tàu thuyền…, cũng đủ ớn !

Hèn chi phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Takaya Uchida – Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn và Diều lượn Nhật Bản (JHF) chậm rãi nhấn mạnh từng chữ: “Tôi chỉ muốn nói to với các bạn, an toàn là ưu tiên hàng đầu. Các bạn phải tập trung hết mức, luôn tỉnh táo canh chừng bầu trời phía trước !”.

Thi đấu trên độ cao tối đa 300 mét, đường dài xa nhất tới 9km trong bán kính 1,5km với hàng loạt kỹ thuật khó, rõ ràng sự hấp dẫn luôn đi kèm những cú thót tim.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG