Xăng không phải 'thủ phạm' gây cháy nổ xe

Xăng không phải 'thủ phạm' gây cháy nổ xe
TPO - Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra cháy xe chiều 17-5 ở TPHCM, nhóm nhà khoa học khẳng định, xăng không phải thủ phạm trực tiếp gây ra cháy nổ xe, mà chỉ là tác nhân gây cháy.

> Hàng loạt xe bỗng dưng bốc cháy

Nhóm nghiên cứu cho rằng, xăng pha methanol kém chất lượng làm các ống dẫn dễ bị phá hủy gây ra rò rỉ và chập cháy
Nhóm nghiên cứu cho rằng, xăng pha methanol kém chất lượng làm các ống dẫn dễ bị phá hủy gây ra rò rỉ và chập cháy. Ảnh: Lê Nguyễn.

Xăng chỉ là tác nhân gây cháy

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra cháy xe chiều 17-5, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong - Trường Đại học Bách khoa TPHCM kết luận, “xăng không phải thủ phạm trực tiếp gây ra cháy nổ xe”.

Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, xăng không trực tiếp gây nên cháy xe như một số phương tiện thông tin, mà nó chỉ là tác nhân khi gặp một số yếu tố khác.

“Qua quá trình nghiên cứu trên những chứng cứ cụ thể, khoa học chúng tôi kết luận có ba nguyên nhân dẫn đến cháy xe” - ông Quyền nói.

Theo người này, nguyên nhân cháy đầu tiên được xác định do sử dụng nhiên liệu xăng kém chất lượng như: xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật, gây ra rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá hủy ống dẫn hoặc áp suất hơi cao do bất cẩn chủ quan của người sử dụng.

Nguồn xăng rò rỉ này tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ nóng sinh ra từ hoạt động của động cơ, ma sát hay tia lửa điện từ quá trình chập mạch của hệ thống điện… dẫn đến cháy.

Ngoài ra, theo ông Quyền, sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa (hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật), sẽ tạo nguồn lửa và kết hợp với chất dễ cháy, dễ bén lửa (chẳng hạn các chi tiết làm bằng nhựa gắn trên xe).

Nguyên nhân gây cháy nữa là do yếu tố khách quan hay chủ quan của người sử dụng như gây nguồn lửa, để các vật dễ cháy nổ trong vùng nóng cục bộ của phương tiện như quẹt gas, nước hoa...

Ông Quyền khẳng định: “Qua nghiên cứu, không có sự tự cháy nổ của nhiên liệu khi có mặt của methanol, aceton và ethanol khi không có nguồn nhiệt lớn. Vì vậy, xăng chỉ là tác nhân mà thôi”.

Theo ông Quyền, yếu tố dẫn điện của nhiên liệu để gây ra hiện tượng chập mạch là không xảy ra. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, sự có mặt của methanol, aceton và ethanol ở hàm lượng lớn sẽ là nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ cháy.

“Chúng tôi đã dùng loại phụ gia tiết kiệm xăng xuất xứ từ Trung Quốc để thử nghiệm và không có hiện tượng tự cháy nổ trực tiếp”- ông Quyền khẳng định.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, các yếu tố kỹ thuật trên phương tiện xe gắn máy cho thấy, trong trường hợp sử dụng xăng có chỉ số RON không đúng yêu cầu, cụ thể thấp hơn so với yêu cầu của động cơ hay dùng xăng có pha hàm lượng methanol, aceton và ethanol kém chất lượng, thì nhiệt độ cục bộ tại các khu vực như nhớt bôi trơn, nước làm mát, thùng chứa mũ bảo hiểm, khu vực mô bin sườn… và trong thùng nhiên liệu, nhiệt độ đều tăng lên từ 10 - 20 độ C.

“Có nhiều trường hợp nhiệt độ ở ống xả khí thải cao hơn 450 độ C hay nhiệt độ ở khoa chứa mũ bảo hiểm lên 6 - 70 độ C” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, cho biết.

Theo ông Dũng, các yếu tố này đưa đến nguyên nhân gây cháy nổ nếu trong trường hợp hội tụ đủ những yếu tố như đặt các vật dễ cháy (bật lửa hay nước hoa) ở khu vực này.

Ông Dũng cho biết, các yếu tố trên cũng là nguyên nhân gây “lão hóa” hệ thống ống bọc cách điện và cuối cùng là gây chập mạch điện tăng nguy cơ cháy.

Gần 100 cơ quan báo chí tham gia cuộc họp báo chiều nay. Ảnh: Lê Nguyễn
Đại diện gần 100 cơ quan báo chí dự họp báo chiều nay. Ảnh: Lê Nguyễn.

Kiến nghị "khai tử" xăng A83

Theo nhóm nghiên cứu, khảo sát về tình hình biến động về sản lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ cho thấy, nguy cơ dùng loại cồn này pha vào xăng để thu lợi rất cao.

Trong năm 2008, Việt Nam chỉ nhập 52,35 tấn thì năm 2009 lên 66 tấn và năm 2011 lên 80 tấn.

“Số lượng tăng cao trong khi quản lý lỏng lẻo rất dễ cho nhiều người kinh doanh xăng A83 pha thêm methanol vào để biến thành xăng A92 để kiếm lời”- nhóm nghiên cứu cho biết. 

Trước tình trạng các vụ cháy diễn ra liên tục và gia tăng, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan chức năng nên “khai tử” loại xăng A83 và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng xăng, đồng thời nghiên cứu bổ sung các tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.

Cụ thể, quy định rỏ ràng trong hàm lượng oxy của tiêu chuẩn xăng. Các nhà khoa học cũng yêu cầu người dân tránh những thao tác gây chảy tràn nhiên liệu ra ngoài trong quá trình nạp nhiên liệu. Bởi vì, đây là một điều kiện hình thành quá trình cháy một khi phương tiện giao thông đã có sự cố chập mạch về hệ thống điện.

Ngoài ra, không nên lắp thêm các thiết bị phụ trợ khác khi chưa cho phép của nhà cung cấp phương tiện, nhà sản xuất.. Không được chứa các vật liệu dễ gây cháy nổ trong thùng đựng mũ bảo hiểm.

Các nhà khoa học cũng cho biết, trường hợp chập mạch điện gây ra nguồn lửa và gây cháy chỉ xảy ra khi hệ thông cầu chì bảo vệ bị can thiệp hoặc bị vô hiệu hóa, hay cầu chì thay thế không đảm bảo kỹ thuật.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Quyền, các khảo sát bằng cách tiếp cận thực tế hiện trường những vụ xe cháy cho thấy, nguyên nhân cháy xe xảy ra do chập điện, vướng các vật dễ cháy tại những vị trí nhiệt độ cao…

Theo Viết
MỚI - NÓNG