Bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi: “Đừng đem dân ra thí nghiệm”

Bệnh nhân Phạm Văn Trách dù sức khỏe rất yếu vẫn cố gắng lấy nước suối về sinh hoạt -Ảnh: PHÚC LONG
Bệnh nhân Phạm Văn Trách dù sức khỏe rất yếu vẫn cố gắng lấy nước suối về sinh hoạt -Ảnh: PHÚC LONG
Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - nơi xảy ra bệnh “lạ” ba năm nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, nói đã đến lúc ngành y tế đừng đem dân ra thí nghiệm, bớt bệnh “sĩ” và mời các tổ chức y tế thế giới vào cuộc.

> Lạ lùng cách tiếp cận chữa bệnh lạ

Chiều 11-5, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho rằng đã đến lúc ngành y tế đừng đem người dân ra làm thí nghiệm, hãy giảm bớt bệnh “sĩ” và để các tổ chức y tế thế giới vào cuộc.

PV: Ngành y tế cho rằng tập tục ăn gạo mốc của người dân bản địa có thể là nguy cơ dẫn đến việc người dân bị bệnh, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Hàn Phong: Chưa “tâm phục khẩu phục”. Bộ Y tế kết luận là quyền của cơ quan chức năng nhưng về thực tế người dân địa phương thì điều đó quá phi lý. Từ nhiều đời nay, người dân ở đây và cả vùng Tây nguyên đã sử dụng gạo như vậy để ăn.

Tôi xin nói lại: đây không phải là gạo mốc, đây chỉ là loại gạo mà khi gặt lúa về bà con mang đi ủ ngay, khi cần ăn thì mới phơi rồi đi xay gạo. Nên gạo có mùi như gạo ủ và hạt cơm rất chắc. Cán bộ và người dân ở đây đều ăn gạo như vậy nhiều đời nay có sao đâu.

Bệnh nhân Phạm Văn Trách dù sức khỏe rất yếu vẫn cố gắng lấy nước suối về sinh hoạt -Ảnh: PHÚC LONG
Bệnh nhân Phạm Văn Trách dù sức khỏe rất yếu vẫn cố gắng lấy nước suối về sinh hoạt. Ảnh: PHÚC LONG.

Tại sao đến lúc này mới cấp gạo cho người dân?

Thật ra chưa có người dân nào bảo họ ăn gạo mà bị bệnh. Nên việc bây giờ mới cấp gạo cho dân là để giúp tìm căn nguyên của bệnh. Nếu bây giờ dân ăn gạo khác mà bệnh vẫn không thay đổi thì ngành y tế phải loại trừ nguyên nhân bệnh là do ăn gạo.

Chúng tôi cho rằng nên áp dụng phương án tổng thể chứ không đổ thừa cho gạo. Mạng sống con người không thể đánh đổi bằng việc kéo dài thời gian.

Người chết, người nhiễm bệnh liên tục tăng trong thời gian gần đây. Chính quyền có phương án gì giữa lúc người dân đã hết trông chờ vào ngành y tế?

Chúng tôi từng kiến nghị với chính quyền tỉnh và đề nghị trung ương hỗ trợ di chuyển nguyên một vùng dân cư bị bệnh này sang nơi ở mới để tìm nguyên nhân, nhưng tất cả vẫn chưa có phản hồi.

Từ chuyện di cư này, thử tìm nguyên nhân của căn bệnh là từ ngoài da vào trong hay từ trong ra ngoài mà phân tích. Chúng tôi bây giờ chỉ trông chờ vào ngành y nhưng thời gian phát hiện đến nay đã quá lâu mà người dân vẫn bế tắc về thông tin.

Họ đi điều trị tất cả bệnh viện lớn từ khắp nơi trong cả nước về nhưng rồi bệnh tái phát, không giảm. Nên chăng ngành y nên để các tổ chức y tế thế giới vào cuộc để giúp đồng bào mình.

Bây giờ mà chờ tìm mãi thì dân chết vì đây không phải là nơi thí nghiệm. Thật ra để an dân lúc này không còn cách nào khác là tìm ra nguyên nhân của căn bệnh.

Đối với ngành y, lòng tin đã mai một dần. Nơi mà dân tin tưởng nhất là Bệnh viện Quy Hòa (Quy Nhơn) nhưng người dân cũng đã chết nhiều.

Nếu người dân không còn lòng tin thì chính quyền mong gì ở Bộ Y tế lúc này?

Chỉ mong Bộ Y tế sớm để các tổ chức y tế thế giới vào cuộc tìm ra nguyên nhân. Dù ngành y tế trong nước đang hết sức tự tin trước sau gì họ cũng tìm ra nguyên nhân nhưng thời gian quá lâu, đã hơn một năm rồi.

Thật ra căn bệnh này đã có từ ba năm nay nhưng nguyên nhân thì chưa tìm thấy. Rõ ràng chúng ta để quá lâu. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế để các tổ chức y tế thế giới vào cuộc sớm ngày nào thì sinh mạng người dân được cứu sớm ngày đó.

Tiếp tục truy tìm mầm bệnh “lạ”

Lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà một người dân ở làng Rêu - Ảnh: Đ.Cường
Lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà một người dân ở làng Rêu.            Ảnh: Đ.Cường.

Sáng 11-5, hơn 70 chuyên gia đầu ngành y tế gồm Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, Viện Pasteur TP.HCM, Cục Y tế dự phòng, Viện Dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa, Viện Vệ sinh - y tế công cộng TP.HCM đã tiếp tục truy lùng mầm bệnh tại bốn thôn của xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Các chuyên gia tiếp tục về các làng bệnh để đặt bẫy côn trùng tại làng Hy Long để truy tìm các sinh vật ngoại ký sinh như bọ chét, chấy, rận sống trên thân chó, mèo, gà, vịt, heo, trâu, bò... và lấy mẫu phân tích. Một nhóm khác bẫy chuột và mổ lấy mẫu phân tích hàng loạt loài chuột tại khu vực này.

Tất cả côn trùng khác như gián, nhện, ruồi, muỗi... đều được giăng bẫy bắt và lấy mẫu phân tích ngay tại chỗ. Một số giường, tủ, mùng, mền, chiếu cũng được các chuyên gia ở đây lùng sục để tìm các loài ký sinh trùng có thể mang mầm bệnh về phân tích.

Cũng trong hôm qua tại trạm y tế xã Ba Điền, hàng loạt người dân kéo đến để khám bệnh và xác định có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh mới. Chiều cùng ngày, chính quyền huyện Ba Tơ đã quyết định mua 60 tấn gạo mới cấp cho toàn bộ người dân trong vùng dịch.

Ông Lê Hàn Phong quyết định từ ngày 13-5, toàn dân trong vùng dịch sẽ sử dụng gạo mới, loại bỏ toàn bộ gạo cũ trong kho.

Theo thống kê từ ngành y tế Quảng Ngãi, đến ngày 11-5 đã có 230 người mắc bệnh “lạ”, trong đó có 21 người tử vong. Đặc biệt trong số ca mắc bệnh có đến gần 50% bệnh nhân tái phát (trong số 21 trường hợp tử vong thì có 10 trường hợp tái bệnh dẫn đến diễn biến nặng gây suy đa phủ tạng).

Về việc tái phát bệnh đối với bệnh nhân mắc bệnh “lạ”, ông Lê Huy - chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi - cho rằng khi điều trị tại bệnh viện thì các bệnh nhân bị bệnh “lạ” sức khỏe diễn tiến tốt, những tổn thương ngoài da liền lại nhưng khi ra viện, về lại cộng đồng nơi xảy ra bệnh “lạ” thì bệnh tái phát với mức độ nặng hơn.

“Dựa trên cơ sở này, có khả năng các bệnh nhân này bị nhiễm độc vì khi về cộng đồng các bệnh nhân tiếp xúc lại với những yếu tố gây bệnh thì bệnh tái phát. Thông thường các trường hợp tái phát thì nặng bởi nó đã có tổn thương lúc trước rồi” - ông Huy phân tích.

Bà Đặng Thị Phượng (giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ):

“Tôi cũng sợ”

Bệnh “lạ” xuất hiện từ năm 2010 và kéo dài dai dẳng đến nay với nhiều người dân tử vong, nhiều người khác mắc bệnh nhưng phản ứng của ngành y tế như vậy có chậm chạp không?

Không đâu, ngay khi có bệnh chúng tôi đã có mặt tại Ba Điền để làm việc. Tuy nhiên, căn bệnh này thật sự rất khó hiểu, trong gia đình có người bị người không.

Liên tục ba tháng liền trong năm 2011 không hề xuất hiện bệnh. Đến ngày 19-4-2012 ghi nhận có ca mới thì chúng tôi lại có mặt để tìm hiểu sự việc. Vậy nhưng nguyên nhân bệnh không rõ ràng, từ nghi ngờ do côn trùng đến ăn uống, thậm chí cả yếu tố tâm linh.

Vậy sau khi có hàng trăm người bị bệnh, rồi hàng chục người tử vong thì ngành y tế không lập bệnh viện dã chiến để kịp thời xử lý?

Chúng tôi cũng có phương án lập bệnh viện dã chiến nhưng ngặt nỗi không biết nguyên nhân của bệnh, chưa xác định là dịch bệnh lây lan, cơ sở vật chất tại vùng bệnh không có nên không thể cách ly người bệnh bằng việc lập bệnh viện dã chiến.

Phải có ý kiến của Bộ Y tế về việc khoanh vùng hoặc cách ly người bệnh trong trường hợp này.

Xin hỏi thẳng bà có sợ bệnh “lạ” này không?

Cũng sợ. Tuy nhiên tôi và cán bộ xuống điều trị cả năm trời cho dân nhưng không bị lây nên cũng yên tâm.

P.LONG - T.VŨ - Đ.CƯỜNG

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.