> Những dấu hiệu bất thường vụ cây huê nghìn tỷ
> Vụ cây sưa ngàn tỷ: Hỗn chiến
Ngày 8-5, trao đổi với Tiền Phong về vụ 3 cây sưa ngàn tỷ đồng ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), cho biết: Cây sưa (Huê mộc vàng) nằm trong nhóm 1A của Nghị định 32 (quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm), là loại cây có giá trị cao, quý hiếm, cấm khai thác, sử dụng mục đích thương mại.
Theo ông Dũng, cây sưa “có quý, nhưng không đến mức hiếm vì nhiều nơi vẫn trồng được, không khó. Các thông tin về ba cây sưa lên đến cả nghìn tỷ mới chỉ là đồn thổi, chưa rõ ràng gì. Vì một mục đích sử dụng nào đấy, nên mới có giá trị cao, mà hiện tôi cũng chưa biết hết được”.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, vùng ba cây sưa bị khai thác nằm trong vùng cấm của Vườn quốc gia (trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình quản lý).
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là Ban quản lý Vườn Quốc gia là chủ rừng, chính quyền địa phương sở tại, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh khởi tố vụ án, để phục vụ điều tra.
“Kết quả vụ việc thì cũng phải theo vụ án, chứ giờ cũng không thể nói trước được. Còn ý kiến có sự móc ngoặc giữa những người có trách nhiệm và lâm tặc trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có sự móc nối hay không, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nào có liên quan”, ông Dũng nói.
Theo một số nguồn tin, dù cơ quan chức năng Việt Nam đã có những thăm dò về tình hình sử dụng cây sưa ở Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ mục đích sử dụng.
Có nguồn tin cho rằng, Trung Quốc mua để gia công, sau đó xuất sang các nước Trung Đông để phục vụ công nghệ ướp xác.
Cũng có thông tin, Trung Quốc mua gỗ sưa để làm đồ trang trí, để trong phòng khách như một vật phong thủy (giống như đá phong thủy)...