> Tìm thấy ba xe máy của nạn nhân bị vùi lấp
Bà Nguyễn Thị Hằng (áo tím) cùng người thân khóc cạn nước mắt sau mấy ngày vẫn không tìm thấy bốn người thân. |
Nhà nghèo gặp họa lớn
Tính đến hôm nay (19-4), sau năm ngày xảy ra vụ sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (thuộc xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), nỗi ám ảnh vẫn bao trùm cả xóm nghèo.
Không khí tang thương vẫn hằn sâu trên khuôn mặt lo lắng của những người dân khốn khó, khi xác của người thân còn nằm đâu đó dưới lớp đất đá, mà chưa tìm được. Họ đã cạn khô nước mắt khóc thương, chờ đợi trong mỏi mòn, tuyệt vọng.
Đau khổ nhất có lẽ là những người thân của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn (49 tuổi). Bốn người nhà bà Hoàn bị vùi lấp. Suốt năm ngày nay, bà Nguyễn Thị Hằng – em gái bà Hoàn - không ngừng hướng ánh mắt theo từng nỗ lực của đội tìm kiếm.
“Khổ thân cho ba mẹ con chị ấy cùng cậu em. Cả núi đất đá đè lên như thế, không còn biết đâu là nhà của chị gái tôi nữa. Đã bốn ngày, tôi ăn, ngủ ở đây, dõi theo từng guồng máy xúc. Mỗi lần người ta thông báo phát hiện đồ vật là một lần tôi lại nhói lên niềm hy vọng” – bà Hằng rầu rĩ.
Bà Hằng kể lại: “Trước hôm xảy ra sự việc, cháu Nguyễn Văn Quân (18 tuổi)– con trai út của chị Hoàn đi học, không hiểu gây gổ gì với bạn bè mà về bị thương. Chị Hoàn cùng con cả là Nguyễn Văn Quốc (22 tuổi) và em trai Nguyễn Minh Hà (45 tuổi) vội đưa cháu Quân đi khám ở Bệnh viện huyện Đại Từ. Đến 10h tối, cả bốn người cùng trở về nhà nghỉ ngơi. Bỗng nhiên, cả núi đá ập xuống, vùi lấp cả bốn người”.
“Nếu cháu Quân không về nhà ngay tối hôm đó, có khi cả nhà đã thoát nạn” – bà Ngà, họ hàng của bốn nạn nhân, nói.
“Rạng sáng hôm ấy, cả gia đình tôi bị đánh thức bởi những tiếng động khủng khiếp. Khi nghe người dân gào khóc, kêu thét, tôi chạy ra thì quả núi đất đá thải trước mặt đổ sập xuống, vùi lấp hơn 10 hộ dân. Ban đầu, tôi vẫn đinh ninh, gia đình Hoàn chạy thoát được. Nhưng đợi mãi đến trưa, khi ngọn núi sạt lở hoàn toàn, mà vẫn không thấy ai, mới hay họ đã gặp nạn".
"Mới ngày hôm trước, tôi còn chạy qua chạy lại bên đó mà bây giờ ngồi trên đống đất đá đợi tin tìm kiếm thi thể các cháu. Lòng tôi đau xót quá” – bà Ngà lau nước mắt, nói.
Em trai bà Hoàn là Nguyễn Minh Hà cũng ở hoàn cảnh đáng thương không kém. Theo người dân xóm Khuôn 1, ông Hà có hai con, đã li dị vợ. Thời gian gần đây, ông Hà phải đến ở nhờ nhà chị (bà Hoàn). Ngày 15-4, tai họa ập đến, bốn người họ còn đang mất tích. |
Ông Chín, một người sống cùng xóm Khuôn 1, bảo, nhà bà Hoàn cấp bốn, mới được xây cách đây khoảng chục năm. Từ khi sinh ra, hai con trai đã không biết mặt bố. Một mình bà Hoàn dựa vào bốn sào ruộng nuôi hai con nên người.
Sau khi bãi thải số 3 hoạt động, phía Công ty Gang thép Thái Nguyên lấy ba sào, đã đền bù cho bà Hoàn. Hiện, gia đình chỉ còn một sào cày cấy. Cuộc sống khó khăn, ba mẹ con phải đi mót than bán kiếm tiền trang trải.
Theo ông Chín, ở đây, rất nhiều người mót than kiếm sống. Một kilôgam than giá khoảng 1.300 đồng. Nếu may mắn, có ngày mót được khoảng hai tạ than, bán được khoảng 260.000 đồng. Một số tiền không nhỏ đối với người dân khốn khó.
Tuy nhiên, đi mót than cũng nguy hiểm lắm. Ít nhất đã có hai người bị xe chở than cán chết khi mưa sinh.
“Khốn khổ lắm nên họ mới phải đi mót than. Trước hôm xảy ra tai họa, khoảng 200 người còn mót than trên bãi thải” – ông Chín nói.
Cũng theo người đàn ông khoảng 50 tuổi này, “nhà bà Hoàn trước đây đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Mấy năm mót than, tích góp, con trai cả mới mua được chiếc xe máy Sirius để đi lại. Ngoài hai con trâu, chiếc xe, đàn gà, ba mẹ con chẳng còn tài sản gì trị giá cả”.
Nơm nớp nỗi lo
Người mất tích vẫn chưa thấy, còn người sống nơm nớp nỗi lo từng ngày. Gần 300 hộ dân các xóm Khuôn 2, Khuôn 3 đang “sống trong sợ hãi” khi cách bãi thải xảy ra sự cố khoảng một km lại xuất hiện một số vết nứt. Có vết rộng gần một gang tay, dài hàng chục mét.
Nhiều người phải bỏ nhà, đi ở nhờ tránh họa. Gia đình ông Tạc Văn Ban (xóm Khuôn 2) cách không xa nơi xảy ra sạt lở, cho biết: Ông đã hai lần gửi đơn lên chính quyền xã, nhưng mới chỉ thấy họ đến kiểm kê tài sản, chưa thông báo cụ thể thời điểm di dời, mức đền bù.
Theo ông Ban, ba hộ cạnh nhà ông đã sơ tán. “Không biết nó đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, chắc phải dời đi thôi” - ông Ban nói.
Sáng 19-4, trao đổi phóng viên Tiền Phong, Tiến sĩ Vũ Văn Bằng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: Hiện đã khoanh vùng thành hai cụm chính để tìm kiếm nạn nhân. "Các máy xúc được huy động làm việc hết công suất, nhưng do khối lượng đất đá quá lớn, có thể phải mất khoảng gần hai ngày nữa mới có thể đào xong. Vừa đào, chúng tôi sẽ vừa dò tìm để phát hiện kịp thời, huy động lực lượng quân đội và dân quân đào bới, tránh để máy xúc động phải thi thể nạn nhân” - ông Bằng nói. Ban Chỉ huy tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và chính quyền địa phương kiểm tra toàn bộ khu vực bãi thải, báo cáo cụ thể thực trạng như báo chí phản ánh có vết nứt quanh bãi thải để có phương án cảnh báo, di dời các hộ dân kịp thời. Theo báo cáo sơ bộ của đoàn kiểm tra, tại khu vực phía Bắc của bãi thải, phát hiện có vết rạn nứt, cần được cảnh báo. |