> MTTQ Việt Nam kiến nghị bãi miễn đại biểu Hoàng Yến
> T.Ư MTTQ Việt Nam xem xét tư cách đại biểu bà Đặng Thị Hoàng Yến
> Có thể sẽ xem xét tư cách ĐB Đặng Thị Hoàng Yến
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Nương. |
Bà Nương cho biết: Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) sẽ có cuộc họp tổng hợp kết quả ý kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh Long An và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các ủy viên UBTV QH sẽ phân tích, đánh giá xem xét lại vấn đề một lần nữa để quyết định có trình việc này ra QH trong kỳ họp thứ 3 hay chưa.
“Ban công tác đại biểu sẽ có một lộ trình về việc này và xin ý kiến UBTV QH. Sau khi có ý kiến của UBTV QH đầy đủ thì sẽ báo cáo QH xem xét, quyết định. Hôm trước chúng tôi có mời ĐB Đặng Thị Hoàng Yến ra, nhưng đại biểu không ra gặp” - Bà Nguyễn Thị Nương |
Dự kiến, tại phiên họp thứ 8 của UBTV QH khóa XIII vào đầu tháng 5 tới, UBTVQH sẽ đưa việc này ra xem xét, vì 21-5 là khai mạc kỳ họp thứ ba.
Nếu UBTV QH thống nhất đưa vấn đề bà Yến ra để QH xem xét thì việc xem xét tư cách ĐB của bà Yến có thể tiến hành ngay đầu kỳ họp QH tới.
Ủy ban MTTQ tỉnh Long An và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã biểu quyết nhất trí bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Đây có phải là một quyết định quan trọng để UBTVQH đưa vấn đề này ra xem xét?
Đây là một quyết định quan trọng và có tính pháp lý vững chắc nhất.
Có ý kiến cho rằng, thời gian xác minh những điều mà dư luận, báo chí nêu về ĐB này là chậm?
Việc này quả thật là khó. Vì khi các đại biểu ứng cử và sau khi trúng cử thì thời gian từ kỳ họp đến lúc QH xác nhận tư cách đại biểu chỉ diễn ra trong một ngày. Trong khi trước đó, chưa có một đơn thư khiếu nại nào đối với bà Yến nên không thể có căn cứ để đi xác minh.
Tuy nhiên, sau khi QH công nhận tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến thì mới có ý kiến của cử tri và báo chí nêu về tư cách của bà này.
Trong trường hợp UBTVQH thống nhất trình ra QH xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Yến thì sẽ tiến hành như thế nào?
Việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH sẽ tiến hành theo điều 56 Luật Tổ chức QH. QH đã có tiền lệ bãi nhiệm ĐBQH nhưng mỗi trường hợp đều khác và căn cứ vào mức độ vi phạm của đại biểu đó để QH thảo luận và xem xét là cho đại biểu tự rút lui hoặc QH biểu quyết bãi nhiệm.
Việc một ĐBQH tự rút lui vì yếu sức khỏe, năng lực, không đủ điều kiện… thì đến nay chưa có tổng kết, nhưng việc QH bãi nhiệm ĐBQH khi vi phạm thì đã làm.
Không trung thực
Trả lời báo chí, bà Yến nói rằng bà không kê khai là đảng viên vì đã bỏ sinh hoạt đảng lâu rồi, nên không ghi vào lý lịch?
Tôi nghĩ rằng đã là đảng viên thì ra khỏi Đảng rồi vẫn phải khai. Đã trung thực thì thực tế thế nào phải khai thế đó. Chứ đâu có tự bỏ rồi không khai và khẳng định là trung thực. Bản chất khác nhau hoàn toàn.
Còn việc bà Yến khai có chồng đã mất, nhưng lại không khai về một người chồng đã ly hôn?
Vấn đề này cho thấy bản chất của đại biểu không trung thực. Nhân dân làm sao chấp nhận một người đại biểu không trung thực với mình như vậy. Làm sao có thể là đại biểu cho nhân dân được. Xã hội lên án, nhân dân bức xúc là rất đúng.
Tham dự cuộc họp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bàn về việc bà Yến ngày 18-4, bà thấy các ý kiến đó thế nào?
Tôi thấy các cụ, các vị trong Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều rất đồng tình với việc bãi nhiệm một đại biểu không trung thực. Tất cả các cụ, các vị đều nhất trí bãi nhiệm, không ai có ý kiến khác.
Việc làm trong sạch bộ máy là rất cần thiết để QH thực sự trong sạch vững mạnh và đại biểu thực sự là người đại diện của nhân dân. Ban Công tác đại biểu tiến hành việc này hết sức khách quan, công tâm và hết sức thận trọng, bình tĩnh trong 6-7 tháng qua.
Lắng nghe nhiều chiều từ báo chí, từ nội bộ các cơ quan khác nhau để tìm ra bản chất sự việc đúng đắn trên tinh thần công tâm, khách quan nhất. Đến hôm nay có thể nói được như thế này là kết quả bước đầu.