Bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến

Bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến
TP - Sáng 18-4, tại phiên họp kín, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam biểu quyết với 100% ý kiến tán thành kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét và trình QH bãi miễn tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc việt Nam kiến nghị:

Bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến

>MTTQ Việt Nam kiến nghị bãi miễn đại biểu Hoàng Yến
>T.Ư MTTQ Việt Nam xem xét tư cách đại biểu bà Đặng Thị Hoàng Yến

Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ Tám (khóa VII) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim và các vị trong Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương cùng tham dự. Hội nghị tiến hành xem xét tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH khóa XIII thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ khẩn trương phản ánh kết quả của Hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV Tiền Phong sau hội nghị, ông Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam), nói rằng, tài liệu được cung cấp cho thấy những sự không trung thực của bà Yến, cần phải xem xét lại tư cách ĐBQH.

“Chúng tôi kiến nghị bãi nhiệm nhưng vấn đề tiếp theo là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Đạt nói.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn UBTVQH xem xét sớm và trình ra QH ngay trong kỳ họp tới.

Cần rút kinh nghiệm trong thẩm tra

Theo ông Đạt, đây cũng là một việc đáng tiếc cho thấy nhiều thiếu sót của các cơ quan có trách nhiệm trong việc thẩm tra, kiểm tra thông tin trong quá trình tổ chức bầu cử. Cùng quan điểm này, ông Truyền cho rằng, trong quá trình tiến hành bầu cử, cần rà soát lại các thủ tục, đặc biệt là hồ sơ lý lịch.

“Nếu bản khai lý lịch của bà Yến được rà soát kỹ lưỡng, chắc sẽ không xảy ra những sai sót như vừa qua”, ông Truyền nói.

Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác phải mở rộng thành phần tham dự và lắng nghe hết ý kiến, nếu gợi lên bất cứ vấn đề gì thì cần xem xét. MTTQ tỉnh Long An nói đã làm đúng thủ tục, quy trình nhưng theo ông Truyền, nếu làm có chất lượng ngay từ khi lấy ý kiến nhân dân sẽ phát hiện ra những chi tiết không rõ.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết, qua thảo luận nảy sinh một vấn đề mà các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch đặt ra là cần phải kiểm điểm xem đối với những cơ quan chức năng của Nhà nước, đối với tổ chức mặt trận, qua vụ việc này thì trách nhiệm thuộc về ai, nhất là Mặt trận là cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử.

Theo ông Nguyễn Túc, ngay khi bà Yến trúng cử ĐBQH, đã có ý kiến của nhiều người dân rằng bà vi phạm tiêu chuẩn của người đại biểu, nhưng cách làm thời gian qua quá chậm.

“Đi từng bước thì tôi đồng ý nhưng đi quá chậm như thời gian qua dẫn đến trong cử tri có những băn khoăn, thắc mắc, thậm chí hoài nghi thì không nên. Tôi đề nghị những cơ quan của QH cần phải xem xét kỹ hơn nếu có những ý kiến của cử tri về một vị nào đó thì cũng cần phải xem xét nghiêm túc”, ông Túc nói.

Ông Lê Truyền đồng tình, đáng lẽ việc xem xét này phải làm sớm hơn bởi đã có dư luận từ lâu. Đến nay mới họp xem xét là chậm. Thông qua việc này, một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như tiêu chuẩn đại biểu QH cần cụ thể, rõ ràng hơn. Từ đó, người ứng cử và cử tri theo tiêu chuẩn đó giám sát. Tiêu chuẩn trong quy định hiện nay còn chung chung.

Theo điều 56, Luật Tổ chức Quốc hội (QH), đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm.

UBTVQH quyết định việc đưa ra QH bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm ĐBQH theo đề nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.

Trong trường hợp QH bãi nhiệm đại biểu thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do UBTVQH quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.