Ì ầm thời hậu chiến

Trung tâm trưng bày hoạt động bom mìn nhân đạo tỉnh Quảng Trị do Renew tài trợ
Trung tâm trưng bày hoạt động bom mìn nhân đạo tỉnh Quảng Trị do Renew tài trợ
TP - Mỗi ngày trên đất lửa Quảng Trị vẫn ì oàng đâu đó những tiếng nổ chết người. Ngót 83,8 % đất đai nơi đây ô nhiễm bom mìn. Ngày thế giới phòng chống bom mìn hôm nay 4-4, Quảng Trị nhức buốt với những nỗi đau thời hậu chiến.

> Người lính hy sinh thầm lặng giữa thời bình

Đạn nổ sân trường, bom cày rẫy chuối

Chúng tôi gặp nông dân cụt hai tay, mất một mắt Nguyễn Quốc Tịnh ở Cam Thành, Cam Lộ. 12 tuổi anh bị một quả đạn nổ lìa cánh tay trái.

Năm 2008, khi anh cúi người dịch một hòn đá đi nơi khác, đá lăn vô tình đụng làm quả bom bi phát nổ. Cánh tay nữa ra đi cùng con mắt trái. Giờ mọi thứ sinh hoạt anh phải cậy nhờ vợ con.

Kể chuyện anh Tịnh với ông Ngô Xuân Hiền, cán bộ của tổ chức Renew (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) ở Quảng Trị, ông Hiền bảo, vừa rồi một quả đạn 105 ly phát nổ ngay giữa sân trường THCS Nguyễn Huệ ở thành phố tỉnh lỵ Đông Hà giữa lúc gần 500 học sinh đang học.

Tiếng nổ làm rung chuyển ngôi trường. Vụ nổ bắt đầu từ tình huống rất bất ngờ. Sát phòng học của trường còn lại gốc cây được đốn hạ từ năm trước. Gốc cây quá lớn để di dời nên nhà trường đã đốt gốc cây bằng rác thu từ các phòng học.

Không một ai biết rằng bên dưới gốc cây có một quả đạn pháo chưa nổ. Sức nóng của việc đốt rác đã làm phát nổ quả đạn pháo, hất văng gốc cây ra xa, làm vỡ kính của ít nhất 10 cửa sổ của ngôi trường ba tầng.

Rà phá bom mìn chưa nổ Ảnh: T.Q
Rà phá bom mìn chưa nổ.  Ảnh: T.Q.

Ông Hiền lại bảo, vụ nổ xảy ra chậm 5 phút nữa thôi, đúng giờ học sinh ra chơi thì ôi thôi...

Chị Tuyết, vợ anh Hồ Nguyên ở xã rẻo cao Mò Ó, Đakrông, nói, đúng 28 Tết, một quả bom bi phát nổ đã cướp đi sinh mạng của chồng chị. Anh Nguyên lên rẫy chặt chuối về bán kiếm tiền sắm áo quần mới cho con.

Tầm trưa, một tiếng nổ inh tai từ rẫy của Nguyên. Chú ruột của nạn nhân, ông Hồ Hồi, vụt đến thì thấy cháu mình hai bàn tay nát bét, mắt không còn. Ông Hồi bảo, có thể anh Nguyên đã dùng rựa phát cỏ quanh gốc chuối nên vướng phải quả bom bi.

Rẫy chuối nhà anh Nguyên nằm trong khu đất trồng trọt của gần ngàn dân Vân Kiều sống ở thị trấn Krông Klang. Anh Nguyên mất để lại vợ cùng 6 đứa con.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông Lê Thị Lâm Hoa bảo, chỗ anh Nguyên đụng bom được khai hoang từ năm 1982 phục vụ tái định cư cho các gia đình dân tộc Vân Kiều.

Cũng ở khu vực này từng xảy ra vụ nổ đạn làm chết 2 người. Theo một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của bom mìn vật nổ sau chiến tranh vừa công bố thì Đakrông có tỷ lệ bom mìn còn lại cao nhất cả nước, 97% diện tích đất của huyện bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Những công binh bất đắc dĩ

Nạn nhân Đỗ Thiên Đăng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong bị bom nổ làm cụt hai chân
Nạn nhân Đỗ Thiên Đăng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong bị bom nổ làm cụt hai chân.
 

Ở Hải Thái, xã miền núi của huyện Gio Linh đang thịnh nghề... rà phá bom mìn, mà Quốc, bị cụt chân vì mìn, gọi là những công binh bất đắc dĩ.

Năm 1999-2006, tổ chức SODI của CHLB Đức tài trợ ngót nghét 700 ngàn Euro cho các dự án tái định cư. Ở Quảng Trị, SODI xây dựng mới ba làng tái định cư cho 222 gia đình. Làng Phường Cội ở Cam Thành, Cam Lộ, Làng Tân Định ở thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Làng Cồn Trung ở Cam Chính xứ Cùa.

Nghèo rớt mồng tơi nên phải làm nghề rà phá bom mìn, tìm phế liệu chiến tranh bán kiếm tiền, “chứ mạng sống phiêu lắm”, Quốc xót xa. “Cha tui cũng là nạn nhân của bom mìn. Bữa nớ ông cùng mấy người làm công binh dọn dẹp đất đai trồng khoai thì trúng phải bom, rứa là 5 người chết tại chỗ, 3 người khác bị thương”, Trưởng thôn 5B, ông Trần Quỳnh, kể.

Hải Thái nằm đoạn cuối trên hàng rào điện tử McNamara do Mỹ dựng vào năm 1965 với các vị trí như đồi C1, C2, đồi Phu Lơ dày đặc bom mìn. Không còn lựa chọn nào hơn, người dân ở Hải Thái chấp nhận sống chung với bom mìn.

Bà Nguyễn Thị Quýt ở thôn 4B bảo, bầy con 9 đứa của bà lớn lên ăn học nhờ nghề công binh này. Biết áp cái chết nhưng vẫn chấp nhận, vẫn lao vào làm.

“Ngày mô không kiếm được vài trăm cân sắt phế liệu bom mìn là bữa nớ cả nhà treo niêu” - bà Quýt nói. Ông Lê Quang Thạnh, phụ trách thương binh-xã hội Hải Thái cho biết, xã có gần 200 người chết, 32 người bị thương trong lúc dọn dẹp bom mìn tăng gia sản xuất.

Số nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị vẫn chưa dừng lại. Sơ sơ từ 1975 đến tháng 10 năm 2008, Quảng Trị có 7.024 nạn nhân bom mìn, chiếm 1,2% dân số của tỉnh, trong đó 2.618 nạn nhân tử vong. Nạn nhân trẻ em chiếm 31% trên tổng số.

Năm 2001, Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF) đến Quảng Trị, khởi xướng dự án Renew với mong muốn mang lại cuộc sống yên bình cho người dân vô tội, để sớm kết thúc một “di sản chết người”.

Cùng với các tổ chức quốc tế như C.P.I, Peace Trees, tổ chức Renew đã giúp Quảng Trị rà phá bom mìn, dọn sạch vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, tái định cư...

Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Hơn 2000 nạn nhân được hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng và cải thiện thu nhập.

Hơn 1.000 ha đất được rà phá và bảo đảm sạch sẽ không còn vật liệu nổ. Gần 63.000 quả bom, mìn các loại chưa nổ được phát hiện trong diện tích hơn 1.000 ha đất này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG