Nhiều nơi tan hoang sau bão

Trụ ăng ten viễn thông bị gãy đổ tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc
Trụ ăng ten viễn thông bị gãy đổ tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc
TP - Nhiều người dân Bình Dương đã khá bất ngờ với cơn bão số 1 sau khi nó đi qua. Với lượng mưa hơn 100mm, gió mạnh, nhiều vườn cao su bị gãy tan tác, nhiều vườn cây trái tan hoang, nhiều nhà bị bay mái, hàng trăm ngôi nhà ngập, sập…

> Bình Dương 'thất thần' sau bão số 1

Mưa to kèm theo gió lớn đã làm đổ và gãy nhiều cây cối hai bên đường trên địa bàn TX Thủ Dầu Một như đường Yersin, đường Cách mạng tháng 8 và nhiều cành khô đổ xuống trên đường 30-4.

Bến đò chợ Thủ Dầu Một phải tạm ngưng hoạt động do sóng mạnh và nước lớn, mặc dù có rất nhiều người đứng chờ đò. Một số khu vực trên địa bàn thị xã đã bị cúp điện, một số cây xăng không dám hoạt động do sợ bị gió tạt nước vào làm hư hỏng các vi mạch của trụ bơm xăng.

Một loạt ki ốt của Công ty Xổ số Kiến thiết Bình Dương nằm trên Đại lộ Bình Dương bị sập và tốc mái, đè lên cả đường dây điện. Nhiều cây xanh lẫn cây cổ thụ và kể cả các trụ điện cũng bị gió giật gãy.

Tại khu phố 2, phường Phú Lợi, một trụ điện cũng bị đổ gãy đè lên xe máy của người dân để cạnh đó...

Tại khu phố 6, phường Định Hòa, TX Thủ Dầu Một, hàng trăm cây cao su của gia đình ông Thái Văn Cư mới cho khai thác một năm đã bị đổ gãy đồng loạt.

Nhìn vườn cao su tan tác, ông Cư bần thần “Tôi không ngờ cơn bão đã thành áp thấp nhưng gió vẫn lớn như thế, toàn bộ cây đổ gãy coi như phải cưa bỏ, mất mát lớn quá…”.

Nhiều vườn cao su khác trên địa bàn xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát và huyện Tân Uyên cũng bị gió giật gãy hoặc nghiêng ngả, trốc gốc. Rất nhiều cây xanh trên khu vực thành phố mới Bình Dương cũng bị đổ, gãy.

Trụ ăng ten viễn thông bị gãy đổ tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc
Trụ ăng ten viễn thông bị gãy đổ tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc.

Tại thị xã Thuận An, hàng trăm gốc măng cụt bị bứt gốc, nhiều nhà cấp 4 của người dân cũng bị tốc mái hoàn toàn. Ông Nguyễn Thanh Sử, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Thuận An cho biết, tính đến sáng 2-4, Thuận An thống kê có 3 căn nhà cấp 4 và 19 căn phòng trọ bị tốc mái hoàn toàn, trên 100 gốc cây măng cụt và cây ăn trái khác của người người dân bị gãy đổ.

Riêng các trường hợp nhà bị tốc mái cục bộ và các bảng hiệu bị hư hỏng chưa thể thống kê được.

Ngoài ra, mưa to kéo dài cũng đã gây ngập úng cục bộ tại xã Hưng Định, Bình Nhâm gây ảnh hưởng đến 5ha cây ăn trái của bà con nông dân.

Theo thống kê ban đầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đêm mưa bão ngày 1-4, đã có trên 10 trường hợp phải nhập viện cấp cứu, trong đó đa phần là những người đi đường gặp nạn.

Tại Bình Dương, chiều 2-4, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Dương cho biết, tính trưa ngày 2-4, toàn tỉnh có 5 người bị thương, 20 căn nhà bị sập hoàn toàn, 183 căn nhà bị ngập, 200 căn nhà trọ bị ngập tại TX Thuận An; 252 nhà ở và kiốt tốc mái, 135 căn phòng trọ tốc mái.

Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 725 cây ăn trái bị gãy đổ, 57,9 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng, 122,6 ha lúa bị ngập úng, ảnh hưởng. Có đến 226 ha cao su 260 ha tràm, 2 ha điều, 3,1 ha vườn tạp bị gãy đổ... Ước thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 thuyền viên trở về từ tâm bão sau nhiều giờ chống chọi với cơn bão số 1 trên vùng biển BR-VT.

Rạng sáng ngày 2-4, tàu cá đánh bắt xa bờ BTh 96888TS cùng 35 thuyền viên đã trở về đất liền an toàn. Trước đó, ngày 1-4, đang trên hành trình từ Côn Đảo về đất liền tránh bão, tàu cá BTh 96888TS bất ngờ bị nước tràn vào và có nguy cơ bị chìm.

Trong tình thế này, thuyền trưởng tàu BTh 96888TS buộc cho neo tàu để sửa chữa và bịt nước tràn vào tàu, đúng lúc đó, cơn bão số 1 ập đến. Tàu BTh 96888TS lúc đó còn cách đất liền khoảng 30km đã phát tín hiệu SOS xin trợ giúp khẩn cấp.

Do bão đang đổ bộ trực tiếp vào BR-VT nên lực lượng chức năng không thể điều động phương tiện ra ứng cứu. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) liên lạc hướng dẫn thuyền trưởng cách chống chọi với các cơn sóng dữ.

17 giờ 45 phút cùng ngày, Vungtau MRCC điều tàu SAR 272 ra hiện trường cứu nạn. Sau đó tàu BTh 96888TS thông báo đã khắc phục được sự cố và đang trên đường vào đất liền không cần trợ giúp.

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, hoàn lưu vùng áp thấp sau bão, gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông ở các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên.

Do vậy, lũ trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đồng Nai, Đăk Nông và Lâm Đồng đang lên. Hiện các hồ chứa khu vực trên, kể cả thủy lợi và thủy điện hoạt động bình thường, mực nước ít biến đổi so với ngày trước khi bão vào. Một số hồ phải tăng lượng xả để đón lũ. Phạm Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG