Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi?

Chân đê chắn sóng ven biển Nghi Xuân đang bị đào bới nham nhở Ảnh: Minh Thùy
Chân đê chắn sóng ven biển Nghi Xuân đang bị đào bới nham nhở Ảnh: Minh Thùy
TP - Lợi dụng chủ trương quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều xã ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh tự ký hợp đồng với các nhà thầu triệt hạ rừng phi lao cả trong và ngoài khu vực đê chắn sóng để làm hồ nuôi tôm.

> Hơn 100 m3 gỗ từng bị giấu nhẹm

Tan hoang rừng phi lao

Con đê ven biển chắn sóng kéo dài từ xã Xuân Hội xuống xã Xuân Phổ vốn bình yên bỗng người đông như trẩy hội. Hàng chục người dùng máy cưa hạ sát hàng loạt cây phi lao cả chục năm tuổi vốn để ngăn nước biển xâm lấn, bảo vệ cuộc sống hàng ngàn người dân xã Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hội.

PV Tiền Phong có mặt tại xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan, cả một vùng đất cây cối bị san phẳng, tiếng máy ủi, máy xúc ầm ầm. Nhiều chỗ máy ủi sâu vào cả đê chắn sóng.

Nhiều ngôi mộ nằm chơ vơ giữa khoảng đất bị đào bới. Có mặt tại đây, ông Nguyễn Bá Ngọc, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đan bức xúc: "Đào đất sát chỗ người dân sinh sống nhưng mọi người không ai được biết".

Khi phát hiện có người đang chụp ảnh, hai thanh niên từ khu nhà đang xây trong khu vực vừa san lấp lao tới. “Ai cho mi chụp ở đây?”. Sau khi biết nhà báo đang tác nghiệp, hai thanh niên đi về phía chiếc máy xúc, chỉ đạo ngừng đào bới.

Cách khu vực bị đào bới của xóm Bình Phúc vài trăm mét phía ngoài đê chắn sóng, hướng về phía nam, là thôn 1, xã Xuân Phổ, rất đông bà con đang đua nhau nhặt nhạnh những cành phi lao chủ đầu tư bỏ sót lại.

"Nước biển ngày một lấn vào sâu vào đất liền, thế mà xã lại cho chặt cây chắn sóng đi", một người dân nói.

Cách xã Xuân Đan khoảng hơn 20km về phía nam, bãi phi lao xã Cương Gián cũng trong tình trạng máy ủi, máy xúc đang hoạt động hết công suất. Hình hài chiếc hồ tôm đang dần hình thành nằm ngay cạnh khu vực người dân sinh sống.

Xã đổ cho huyện, huyện đổ cho xã

"Cứ đến mùa mưa bão, hàng ngàn người dân các xã Xuân Hội, Xuân Đan, Xuân Phổ phải căng mình thức trắng đêm để trực đê đề phòng nguy cơ vỡ. Chặt cây chắn sóng chẳng khác gì đưa mạng sống người dân ra để đánh bạc với mùa mưa bão sắp tới" - ông Nguyễn Bá Ngọc nói.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Đan, ông Phan Trọng Tân thừa nhận xã tự ký hợp đồng với anh Nguyễn Viết Khánh, trú tại TP Vinh, Nghệ An.

Theo đó, xã cho anh Khánh "thuê" 4,1ha đất rừng sản xuất để nuôi tôm, mỗi năm anh Khánh phải đóng cho xã 26 triệu đồng. Ông Tân nói: Do quy hoạch về nông thôn mới đã được phê duyệt nên xã ưu tiên cho doanh nghiệp làm cho kịp thời vụ.

Theo tìm hiểu của PV, trước đó, lãnh đạo xã có cuộc họp với người dân thôn Bình Phúc, Chủ tịch UBND xã Xuân Đan phát biểu xã hoàn toàn không biết gì hết, đó là chủ trương của huyện.

Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, ông Trần Xuân Trực lại cho rằng: "Chúng tôi rút bài học của xã Xuân Đan nên mới cho chủ thầu chặt cây, chứ chưa cho san lấp".

Tuy nhiên, khi PV đưa hình ảnh vừa chụp tại hiện trường ra, ông Trực lại nói "Đấy mới chặt cây và giải phóng mặt bằng thôi, đang chờ huyện phần thủ tục nữa là xong".

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Lê Duy Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định: "Hiện trong tay tôi chưa có bất cứ bộ hồ sơ nào về việc nuôi tôm ở xã Xuân Đan, Xuân Phổ và Cương Gián. Đây là việc làm tùy tiện".

Theo ông Việt, tại ba xã Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, chỉ mới quy hoạch 161 ha để nuôi trồng thủy sản, song chưa có kế hoạch cụ thể. "Việc các xã tự ký hợp đồng với cá nhân cho thuê đất là trái Luật đất đai", ông Việt nói.

Theo ông Việt, UBND huyện đã cử đoàn kiểm tra liên ngành đến xã Xuân Đan, lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động tại khu vực này.

Tuy nhiên, vài ngày sau, khi PV có mặt tại thôn Bình Phúc, hoạt động phá rừng chắn sóng vẫn diễn ra bình thường. PV gọi điện thoại, ông Việt tỏ ra bất ngờ: "À thế à, tôi lại cho kiểm tra".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG