Thợ mổ đóng dấu thú y
PV thâm nhập một số lò mổ trên địa bàn Đồng Nai và dễ dàng nhận ra heo siêu nạc “hóa thân” thành những miếng thịt ngon lành, tỏa về các chợ lớn nhỏ.
Thợ mổ đang "kiểm dịch" thay cán bộ thú y. Ảnh: Hoài Nam |
Ngay sau khi phản ánh tình trạng người nuôi heo ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ sử dụng “thần dược” làm cho heo tăng trưởng “mông, vai căng tròn”, tăng nạc giảm mỡ đánh lừa người tiêu dùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai đã lấy mẫu thịt ở các chợ để kiểm tra.
Kết quả 6/6 mẫu đều có nhiễm chất Salbutamol và Clenbutarol gây nguy hại tới sức khỏe con người. Thực tế đó đã cho thấy còn “nhiều vấn đề” đang nằm ở khâu kiểm dịch.
Heo bẩn từ lò mổ
Tụi tôi là thợ kiêm kiểm dịch luôn cho nhanh chứ mấy ổng tới cho có mặt, chứ kiểm dịch làm gì cho mất công... |
Trong 3 đêm (bắt đầu từ 1 giờ cho tới 5 giờ sáng), tại trạm kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm của Công ty TNHH thực phẩm Rạng Đông (nằm gần ngã tư sát với đường tàu lửa bắc - nam, TP.Biên Hòa), PV chứng kiến những chú heo mông, vai căng tròn bị kẹp điện vào ngang lưng để giết, sau đó được quẳng vào bể nước sôi rồi chuyển qua công đoạn cạo lông, mổ bụng, moi lòng...
Đến công đoạn của mình, các “thợ pha” pha thành từng mảng đùi, mông, vai… trên nền gạch xám xịt, nước nhơm nhớp. Và cứ thế, từng mảng thịt nằm la liệt trên nền xi măng chờ những lái buôn đến lấy mang đi bằng đủ các phương tiện: xe gắn máy, ba gác, ô tô... đưa về các chợ giao cho những người buôn bán lẻ.
Nếu chỉ nhìn dấu thú y màu xanh còn chưa ráo mực trên những tảng thịt nóng hổi, hẳn người tiêu dùng sẽ rất yên tâm bởi luôn tin rằng đã có cán bộ kiểm dịch xem qua trước. Nhưng nếu có mặt và tận mắt chứng kiến cách “kiểm dịch” tại lò mổ thì thật đáng sợ.
Cụ thể, mặc dù có sự hiện diện của một cán bộ thú y ngay tại lò mổ (cán bộ này thỉnh thoảng đi qua đi lại trong lò mổ), ngay sau khi chú heo đến công đoạn cạo lông, tay thợ cạo lông xong tự động lấy ca mực, trong đó có một con lăn (con lăn thay dấu kiểm dịch của thú y), rồi thản nhiên lăn hai đường mực ở hai bên sườn con heo, vậy là xong quy trình kiểm dịch.
Ngay sau đó, những con heo này được pha thành từng mảng và lái buôn quẳng lên xe chở đi ngay. Cứ vậy, hết con heo này đến con heo khác được “kiểm dịch” theo quy trình như thế.
Sau hai đêm 3 và 4-3 chứng kiến, PV hỏi tay thợ “kiêm kiểm dịch viên” thì được trả lời: “Tụi tôi là thợ kiêm kiểm dịch luôn cho nhanh chứ mấy ổng (ý nói cán bộ thú y - PV) tới cho có mặt, chứ kiểm dịch làm gì cho mất công…”.
Lò mổ chui và những “lái thịt luộc”
Sáng sớm 4-3, PV thâm nhập một lò mổ không có bảng hiệu nằm sâu trong khu dân cư thuộc KP.3, P.Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Sau khi qua cánh cổng sắt lớn, bên trong là một lò mổ khá rộng. Theo các lái buôn, lò mổ này có tên H.M, chuyên mua những con heo bệnh, heo bị chết trên đường vận chuyển và heo nái để mổ bán cho những lái buôn ham rẻ.
Mặc dù quy mô lớn, nhưng không phải ngày nào lò H.M cũng hoạt động, bởi còn phụ thuộc việc có mua heo được hay không. Ngày nào lò hoạt động thì cứ khoảng 3 giờ cho tới sáng là cảnh lái heo đến lấy thịt bằng xe gắn máy rất tấp nập.
Có những hôm tới chiều vẫn còn khách. Không chỉ lái buôn ở Biên Hòa mà cả ở TP.HCM cũng thường xuống lò mổ H.M lấy hàng về bán ở chợ chiều cho công nhân.
Vì là lò mổ “chui” nên suốt hai buổi tiếp cận, chúng tôi không hề thấy bóng dáng cán bộ thú y. Những giỏ thịt heo được các lái buôn chở đi hoàn toàn không có dấu kiểm dịch.
Anh S., lái heo 15 năm nay ở lò mổ H.M, tiết lộ thịt heo mà S. lấy về từ lò mổ này anh đều luộc lên rồi mới mang bán cho công nhân ở chợ “cóc” khu công nghiệp Biên Hòa 2. Theo lời S., 15 năm nay chưa bao giờ thấy lò mổ H.M mổ heo “sạch”.
Thịt heo nạc tận da, đỏ tươi rất bắt mắt được để trên nền xi măng. |
Thịt heo đã chuyển màu và có mùi của một lái heo lấy của lò H.M. |
Theo Hoài Nam
Thanh Niên