Rể Hàn thăm quê vợ

Đào Thị Huyền và chồng
Đào Thị Huyền và chồng
TP - 34 chú rể Hàn Quốc lần đầu tiên trở về Việt Nam thăm quê hương, gia đình vợ.

> Thăm con làm dâu xứ Kim Chi

Các gia đình chồng Hàn - vợ Việt tham gia trò chơi dân gian Việt Nam
Các gia đình chồng Hàn - vợ Việt tham gia trò chơi dân gian Việt Nam.
 

Làm rể Việt

Kết hôn với cô dâu Bùi Thị Vui (22 tuổi) được hơn 3 năm nhưng đến bây giờ chú rể Cha Ki Yong (35 tuổi) mới có cơ hội đưa vợ con về Kiến Thụy, Hải Phòng thăm nhà ngoại. Anh Yong mặc cảm vì mình bị tật nguyền không làm lụng, đỡ đần được vợ con. Đêm trước khi về Việt Nam, Yong trằn trọc không ngủ được, vì sợ bố mẹ vợ không hài lòng với mình. Nhưng mọi chuyện không như anh nghĩ. Anh đã được bố mẹ vợ dành cho tình cảm yêu thương nồng ấm như đứa con xa nhà lâu ngày gặp lại.

“Bố vợ đưa tôi đi siêu thị, đi thăm đảo Cát Bà, Đồ Sơn, ăn các món hải sản, rồi giới thiệu hết với làng xóm. Họ tỏ ra hãnh diện về một đứa con rể như tôi. Tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết”, anh Yong nói. Chuyến về lần này không chỉ giúp Yong hiểu hơn về văn hóa, nếp sống, con người nơi vợ anh sinh ra và lớn lên mà còn khiến anh “thấy yêu vợ mình hơn, có thêm động lực phấn đấu để được về thăm Việt Nam thường xuyên”.

Hành lý của chú rể Oh Ju Soek (44 tuổi) về thăm quê vợ lỉnh kỉnh nấm Linh Chi, nhân sâm, kim chi… Anh bảo, muốn mang về nhiều thứ lắm nhưng vì điều kiện không cho phép nên nhiều món quà đã chuẩn bị rồi đành bỏ lại. Anh được tiếng là người đàn ông hiền lành, yêu chiều vợ con hết mực.

Anh kể, vợ anh - Đào Thị Huyền (23 tuổi) thi thoảng nấu những món ăn Việt Nam. Về Việt Nam anh thích ăn nhất là phở bò và nem rán. Quan điểm của hai vợ chồng là trong gia đình sẽ song song tồn tại văn hóa của hai nước. Vợ anh sẽ dạy cho con nói hai thứ tiếng Hàn và Việt.

“Khoảng thời gian về sống cùng gia đình vợ thật tuyệt vời, giúp tôi khám phá nhiều nét đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là sự chân thành, mến khách”, anh Soek nói.

Đào Thị Huyền và chồng
Đào Thị Huyền và chồng.
 

Vượt qua… tiếng Hàn

Hầu hết những cô dâu Việt Nam khi sang Hàn Quốc đều gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Nhiều cô dâu chỉ ở nhà trông con không kiếm được việc làm vì không nói được tiếng Hàn, họ sợ các hoạt động va chạm bên ngoài. Tuy nhiên, có những cô dâu đã vươn lên tự khẳng định mình.

Nói về cuộc hôn nhân của mình với chàng trai Oh Ju Soek, Đào Thị Huyền cho rằng đó là may mắn lớn nhất trong đời mình. Chồng là người hiền lành, tốt tính. Bố mẹ chồng đều mất sớm nhưng bù lại Huyền được các anh chị bên nhà chồng yêu thương, giúp đỡ mọi mặt.

Chị gái của chồng dạy cho Huyền nấu các món ăn Hàn Quốc, nói tiếng Hàn, thậm chí khi Huyền sinh con chị chồng cũng là người đôn đáo chăm lo. Sinh con được gần một năm Huyền tích cực tham gia các câu lạc bộ, các trung tâm dành cho phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc…

Hiện tại, Huyền đang tham gia khóa học thông dịch viên tại Trung tâm Phát triển nhân lực phụ nữ thành phố Ansan. Tham gia khóa học này, Huyền đã học được vi tính, nói thành thạo tiếng Hàn, các kỹ năng cơ bản về thông dịch viên.

“Những cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc là một đối tượng không nhỏ góp phần quảng bá ăn hóa VIệt Nam đến bạn bè thế giới.  Mỗi lần được giới thiệu về văn hóa đất nước mình, tôi thấy tự hào”, Huyền nói. Cô ước mơ trở thành thông dịch viên, góp phần giúp đỡ những cô dâu Việt Nam lần đầu sang Hàn Quốc nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới.

Chồng của Nguyễn Thị Ngọc lái taxi, thu nhập không đến nỗi thấp. Nhưng từ ngày sang Hàn Quốc làm dâu, Ngọc tự nhủ không dựa vai chồng. Bởi thế, hàng ngày Ngọc nhờ chồng dạy cho giao tiếp tiếng Hàn cơ bản rồi tự đi xin việc làm.

Ba năm làm dâu xứ Hàn, Ngọc không nhớ nổi mình đã trải qua bao nhiêu công việc. Có những khi Ngọc đi xa nhà cả trăm cây số để làm việc. Nhờ đó, Ngọc nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống xứ người. Hiện, thu nhập hàng tháng của Ngọc tương đương khoảng 16 triệu đồng. “Chồng cũng như gia đình anh ấy rất yêu thương, tôn trọng em. Chồng em thường bảo, đúng là con gái Việt Nam vừa nhân hậu vừa đảm đang”, Ngọc kể.

Theo bà Lee Sang Duk, Tổng thư ký Quỹ phụ nữ Hàn Quốc, phụ nữ hai nước có nhiều đặc điểm giống nhau, nổi bật là sự vun vén, đặt tình cảm gia đình lên trên hết. Điều đó giúp các cô dâu Việt Nam nhanh chóng hòa nhập. Bà Duk cho hay, việc đưa chú rể Hàn Quốc về thăm quê vợ sẽ giúp người chồng hiểu hơn về nơi sinh ra và lớn lên của vợ, để hai bên cảm thông và thắt chặt tình cảm của nhau hơn nữa.

Tại Hàn Quốc, có nhiều tổ chức, CLB hỗ trợ cô dâu Việt Nam… Tuy nhiên, nhiều cô dâu sống ở vùng nông thôn vẫn còn thiệt thòi. “Các cô gái không nên quá ảo tưởng về một cuộc sống màu hồng với người chồng ngoại quốc. Hãy tìm hiểu kỹ người đàn ông trước khi mình cưới”, bà Duk nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.