Cách nào bảo vệ môi trường?

Sà lan đang chờ khai thác vàng trên sông Pô Cô Ảnh: H.K
Sà lan đang chờ khai thác vàng trên sông Pô Cô Ảnh: H.K
TP - Ngày 30-6, trước khi Luật Khoáng sản mới có hiệu lực một ngày, UBND tỉnh Kon Tum đã ký 5 văn bản cho phép 3 doanh nghiệp trong nước khai thác vàng sa khoáng tại 8 vị trí thuộc 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Các điểm khai thác vàng trải dài gần trăm cây số dọc 6 sông, suối…

> Tiếp tục cấp phép hoạt động khoáng sản

Sà lan đang chờ khai thác vàng trên sông Pô Cô Ảnh: H.K
Sà lan đang chờ khai thác vàng trên sông Pô Cô. Ảnh: H.K.
 

Cấp phép chạy đua

Trong hai ngày 10 và 11-2, Cty Cổ phần Đầu tư khoáng sản công nghiệp 6666 và Công ty Cổ phần thép Đông Á có 2 tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum xin khai thác vàng các khu vực huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Glei. Ngày 26-4, UBND tỉnh Kon Tum có tờ trình số 29 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép Kon Tum quản lý, cấp phép khai thác các điểm vàng sa khoáng trên địa bàn tỉnh.

Khu vực vàng sa khoáng UBND tỉnh Kon Tum xin Chính phủ cho phép khai thác là: Sông Pô Cô đoạn huyện Ngọc Hồi-Đăk Glei chiều dài sông khoảng 30 km; Suối Đăk Blô huyện Đăk Glei chiều dài khu vực khai thác khoảng 17 km; Suối Đăk HơDai huyện Ngọc Hồi chiều dài khai thác vàng khoảng 7 km; suối Đăk Pru huyện Đăk Glei hai nhánh tổng chiều dài 6km.

Ngày 16-6, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo kết luận ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Đồng ý Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quản lý, cấp phép khai thác vàng sa khoáng trên 4 khu vực, thuộc tỉnh Kon Tum.

Ngày 30-6, trước khi Luật Khoáng sản mới có hiệu lực 01 ngày, UBND tỉnh Kon Tum lần lượt ký văn bản cho phép 3 doanh nghiệp được phép khai thác sa khoáng, lần lượt là Cty Cổ phần Đầu tư khoáng sản công nghiệp 6666, Cty TNHH Phú Hương, Cty Cổ phần thép Đông Á.

Liệu có bảo vệ được môi trường?

Ông Nguyễn Phúc Phận - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei (địa phương có đến 6 xã nằm trong khu vực UBND tỉnh Kon Tum đồng ý cho các doanh nghiệp đến làm các thủ tục khảo sát, khai thác vàng sa khoáng) tỏ ra mỏi mệt trước tình trạng khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn trong thời gian qua.

Việc người dân đào đãi vàng sa khoáng trên một số sông suối ở Đăk Glei đã có từ nhiều thập kỷ nay, chính quyền địa phương bằng nhiều biện pháp đã đẩy đuổi ngăn cấm. Đặc biệt từ khi cơn bão số 9 năm 2009 xảy ra, nạn đào đãi vàng diễn biến hết sức phức tạp.

Chỉ riêng từ tháng 4-2011 đến nay, khi UBND tỉnh Kon Tum có chủ trương xin Chính phủ cho các doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng, huyện Đăk Glei đã tiến hành nhiều đợt truy quét. Ngày 3-4, đoàn liên ngành kiểm tra khu vực khai thác làng Đăk Nhoong và khu vực T22, T23 xã Đăk Nhoong song các đối tượng đã bỏ đi trước đó một vài ngày.

Ngày 5-4 và 15-4, kiểm tra khu vực khai thác vàng xã Đăk Blô hiện trường vẫn ngổn ngang hố bãi khai thác vàng song trước khi kiểm tra đã bị động nên các đối tượng đã bỏ trốn. Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei thừa nhận nạn khai thác vàng trên địa bàn xảy ra rất nghiêm trọng.

Từ khi thông tin Chính phủ cho phép Kon Tum được khai thác vàng sa khoáng vào trung tuần tháng 6 đến nay, nạn đào đãi vàng trái phép bùng phát dữ dội. Một số đối tượng đưa cả máy đào, máy múc, xà lan vào khai thác. Có doanh nghiệp đang làm thuỷ điện cũng tranh thủ khai thác vàng.

Ngày 5-7 qua kiểm tra tại thuỷ điện Đăk Brỏi xã Đăk Nhoong, Công an huyện Đăk Glei nhận thấy khu vực lòng hồ thuỷ điện Đăk Brỏi đã bị máy hút máy múc, tạo thành những hố sâu lớn, sỏi đá dưới lòng suối được hút lên chất thành đống, nước dòng suối ngầu đục.

Việc đào hút vàng sa khoáng dưới lòng suối đã làm thay đổi dòng chảy. Ngày 26-7, khi chúng tôi có mặt tại Đăk Glei, cách đường Hồ Chí Minh chừng 1km tại suối Đăk Mut xã Đăk Koong có hàng chục máy móc đào đãi vàng ở đây.

Tại sông Pô Cô đoạn qua xã Đăk Kroong, Đăk Glei có 2 xà lan rất lớn đậu cách khu vực sạt lở giữa bờ sông với đường Hồ Chí Minh chừng 200 m, theo người dân phản ánh thì 2 xà lan này đang đãi vàng, song khi chúng tôi đến nơi vào ngày 26-7 thì cả 2 đều không hoạt động. Đây là loại xà lan rất lớn, rộng khoảng 8m dài hơn 20 m, chuyên dụng đào đãi vàng.

Có 5-6 người ở trên xà lan này, họ cho biết, đây là phương tiện khai thác vàng của Cty 6666 đã đưa vào đây 2 tuần nay. Những công nhân ở đây cho biết, máy múc đào sâu một hồ dưới lòng sông 5-6m liên tục múc cát đá sỏi đưa lên sàn đổ vào máng đãi. Sà lan độ chế này có giá hơn tỷ đồng, mỗi ngày hoạt động tốn hàng trăm lít dầu. Như thế, khi sà lan hoạt động sẽ có hàng ngàn mét khối cát đất đá được múc lên đào đãi đổ về xuôi.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực để cấp phép hoạt động khoáng sản; xây dựng phương án bảo vệ môi trường, ràng buộc việc khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường và dòng chảy của sông, suối; giám sát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm". Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong bản chấp thuận cho phép khai thác vàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG