> Biệt thự triệu USD của các CEO hàng đầu thế giới
Lĩnh lương "khủng" song áp lực với các CEO ngân hàng cũng khủng khiếp không kém. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh. |
Lương tháng 1,6 tỷ đồng
Giữa năm ngoái, thị trường “săn” đầu người phát sốt, khi ngân hàng cổ phần L. mới thành lập được vài năm, đang đà ăn nên làm ra, nên HĐQT ngỏ lời mời một trong hai CEO được xem là sáng giá nhất của giới ngân hàng, với mức lương được chào lên tới 1,5 triệu USD/năm (tương đương hơn 30 tỷ đồng).
Vị phó chủ tịch HĐQT ngân hàng này kể với người viết: “Đúng là có việc chúng tôi đã sẵn sàng chi mức lương xấp xỉ 1,5 triệu USD/năm, để mời một trong hai vị đó nhưng rất tiếc cuối cùng họ đã từ chối”.
Phân tích lý do, vị này thừa nhận có thể mức lương ngân hàng ông đưa ra gấp 3-4 lần mức lương CEO đó đang hưởng. Nhưng về quy mô, tầm ảnh hưởng, vị thế cũng như những lợi ích giá trị gia tăng khác (như thưởng cổ phiếu, tham gia vào dự án…) ngân hàng ông chưa thể so sánh được với các đối thủ. Còn bản thân một CEO nhận được lời mời trên, thẳng thắn: “Nếu có đi làm thuê tôi sẽ làm cho Tây chứ không chọn một ngân hàng Việt…”.
Không “săn” được đầu người, cuối cùng ngân hàng này bèn chọn giải pháp đưa người trong nhà lên. Việc điều hành, về cơ bản vẫn chủ yếu do một tay HĐQT quyết định. Lẽ tất nhiên, mức luơng của CEO này chỉ nhỉnh hơn phần ông được lĩnh khi còn làm phó tổng một ngân hàng của nhà nước.
Về nguyên tắc, lương của các CEO ngân hàng (trừ các ngân hàng thương mại của nhà nước) không bao giờ công khai mà đều theo thỏa thuận giữa các ông chủ ngân hàng với CEO. Tại thời điểm này, theo khảo sát và tìm hiểu chung có thể chia mặt bằng lương của các CEO ngân hàng cổ phần tư nhân trong nước làm ba loại: Vị trí quán quân đang thuộc về CEO của ngân hàng cổ phần T. với mức lương khủng lên tới 1 triệu USD/năm, tương ứng hơn 1,6 tỷ đồng/tháng.
Mức thứ hai cũng thuộc về các CEO giỏi, đã có tên tuổi, với lương khoảng 20-30 ngàn USD/tháng (400- 600 triệu đồng); mức thứ ba phổ biến nhất xấp xỉ 10 ngàn USD/tháng (khoảng 200 triệu đồng) thuộc những ngân hàng tốp thứ ba. Còn lại, một số ngân hàng nhỏ ít tên tuổi, thu nhập của vị trí lãnh đạo dù khá khiêm tốn, nhưng cũng từ dăm chục đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Đầu năm nay, danh sách lương và thu nhập của CEO các ngân hàng cổ phần đã được lập, tuy không tới mức triệu đô nhưng cũng đủ khiến cơ quan chức năng lưu tâm. Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tìm hiểu bảng kê thu nhập này.
Giới thạo tin thì phân tích: Lương bổng chỉ là một phần, trong thu nhập của các CEO, phải tính đến phần không nhỏ là cổ phiếu và quyền chọn mua cổ phiếu và tính theo thời chứng khoán còn ở đỉnh cao, có những thời điểm lên tới cả triệu USD.
Có CEO ngân hàng hưởng lương một tháng bằng lương vài chục năm đi làm của công chức thường. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Không có thời gian tiêu tiền
Hiện nay, ngoài cách trả lương theo thỏa thuận, giới chủ sở hữu ngân hàng còn kèm theo các khoản thưởng cho CEO trên tỷ lệ lợi nhuận mà ngân hàng kiếm được hằng năm. Và đương nhiên, lương cao đi đôi với áp lực công việc lớn.
Với các ngân hàng, CEO có vị trí vô cùng quan trọng. Theo một chuyên gia, các ông chủ thực sự của ngân hàng rất sợ người điều hành xuất sắc băn khoăn về chuyện tiền bạc làm phát sinh những vấn đề khác trong kinh doanh. Vì thế, trả lương và thưởng cao là một trong những cách đảm bảo sự ổn định về tâm lý. Tuy nhiên, tương ứng với mức lương là những đòi hỏi gắt gao.
“Đã xác định ở vị trí CEO thì bản thân người đó gần như không thuộc về gia đình mà từ thể xác đến tâm trí đều “ăn- ngủ” cùng ngân hàng. Đi sớm về muộn là việc bình thường. Vào những thời điểm thị trường căng thẳng, về đến nhà vẫn phải ngóng tin tức xem thị trường lãi suất thế nào, tiền khan như thế, doanh nghiệp điêu đứng ra sao. Nói chung, lúc nào cũng bị ám ảnh căng thẳng về nguồn vốn, căng thẳng về lãi suất, về cạnh tranh dịch vụ, khách hàng”- Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Việc trả lương và thưởng lên tới triệu đôla cho một CEO giỏi không nên bàn cao hay thấp, cái cần quan tâm là hiệu quả làm việc của người đó ra sao. Nếu như trả lương triệu đô nhưng CEO đóng góp quan trọng trong việc làm ra lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD thì tại sao lại không? Còn nếu CEO làm việc không hiệu quả thì lương một trăm USD cũng không xứng”- Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Cty chứng khoán Sài Gòn. |
Hỏi sao không sử dụng thư ký cho những công việc này, ông này bảo bản thân không yên tâm mà phải tận mắt, tận tay tiếp cận với thông tin để sáng hôm sau đến trụ sở có thể đưa ra quyết sách nhanh và chính xác được. Đó là chưa kể, còn đạo đức nghề nghiệp của nhân viên, chuyện an ninh ngân hàng… ngày nào cũng phải lo ngay ngáy”- Ông than.
Nói về áp lực của vị trí CEO, một tổng giám đốc ngân hàng đang nhận mức lương vài trăm triệu đồng/tháng thú thực, bản thân ông bận đến mức không có thời gian tiêu tiền.
“Suốt ngày chỉ họp hành, ăn ngủ đồng hành trên các chuyến bay Bắc- Nam. Đầu óc lúc nào cũng bị cuốn theo các chỉ tiêu lợi nhuận. Hôm vừa rồi phải xong sơ kết 6 tháng đầu năm, các con số đạt chỉ tiêu đề ra, tôi mới có thể thở phào”- Ông chia sẻ. Theo ông, làm ngân hàng cũng là một nghiệp. Khi đã đam mê nó, người ta không thể từ bỏ nửa chừng.
Tuy nhiên, cũng có vị thẳng thắn: “Bạn đừng nghĩ chúng tôi làm giàu được từ lương. Vì số tiền đó hằng tháng, chỉ đủ để chi tiêu con cái học hành, nhà cửa, xe cộ đi lại”. Theo ông, đa phần CEO ngân hàng đều có một đam mê thực sự với lĩnh vực buôn tiền. Không chỉ đơn giản là tìm kiếm lợi ích cho bản thân, họ hướng đến cái cao hơn là gây dựng, xây đắp một tên tuổi, thương hiệu.
Nói về ngành ngân hàng, ông Phạm Phan Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng (Bộ Tài chính) có lần chia sẻ: “Đây là môn khó nhất trong lĩnh vực kinh tế, thậm chí gọi là môn tinh vi nhất. Để kiếm được một CEO ngân hàng giỏi là cực khó”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cộng với cạnh tranh gay gắt, áp lực về lợi nhuận cũng như nỗi lo về nợ xấu luôn ám ảnh, chưa bao giờ giới CEO ngân hàng, nhất là ở những ngân hàng nhỏ, cảm thấy mệt mỏi như hiện nay. “Anh có chèo lái ngân hàng tốt, đạt kết quả kinh doanh khả quan đến mấy chỉ cần một món vay rơi vào nợ xấu, mất khả năng chi trả, anh có thể mất chức ngay lập tức”- Vẫn vị lãnh đạo ngân hàng trên chia sẻ.
Ông tính đơn giản, sau đợt siết tín dụng phi sản xuất dưới ngưỡng 22% vừa rồi, cùng với việc không đạt chỉ tiêu kinh doanh, chắc chắn sẽ có nhiều chủ ngân hàng “thay ngựa giữa dòng”. Trừ một số rất ít CEO tài giỏi có cơ hội nhân tài sản và nâng số cổ phiếu sở hữu ngay tại chính ngân hàng đó lên mức trở thành một cổ đông có tiếng nói trọng lượng, còn đa phần, cho dù CEO ngân hàng thì vẫn chỉ là người làm thuê, và có thể bị “out” (ra ngoài) bất cứ lúc nào.
Nhà nước chảy máu nhân tài Việc trả lương trong giới ngân hàng chênh lệch một trời, một vực giữa ngân hàng cổ phần tư nhân với các ngân hàng cổ phần nhà nước (nhà nước nắm cổ phần chi phối). Cùng là CEO, nhưng tại bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, thì mức lương của các CEO vẫn được nhà nước kiểm soát. Theo một nguồn tin, các CEO của các ngân hàng thuộc nhà nước đang hưởng mức thu nhập (lương và những khoản có tính chất lương) trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Bởi thế, gần đây, nhiều lãnh đạo (thường là cấp phó) của các ngân hàng thương mại nhà nước xin nghỉ việc, chuyển ra làm CEO hoặc các vị trí chủ chốt của các ngân hàng cổ phần tư nhân để được trả lương cao. |