> Lúng túng quản lý nhà bè trên vịnh Hạ Long
Du khách ùn tắc vì không thể lên tàu tham quan Vịnh hạ Long. |
Có mặt tại bến tàu du lịch Bãi Cháy, nơi có hàng trăm tàu du lịch chở du khách tham quan Vịnh Hạ Long sáng 10-6, chúng tôi ghi nhận hàng trăm tàu du lịch neo đậu cách cảng Bãi Cháy hàng trăm mét. Trên cảng, hàng trăm du khách không được lên tàu tham quan Vịnh Hạ Long nên rất bức xúc. Nhiều du khách trong và ngoài nước không thể lên tàu vì tàu không hoạt động, dù bến tàu vẫn bán vé tham quan vịnh Hạ Long.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, việc hàng trăm tàu du lịch ngừng xuất bến liên quan Quyết định 716 của UBND tỉnh Quảng Ninh mới ban hành về việc thắt chặt các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định về an toàn trên biển, an toàn cho du khách đối với các phương tiện tàu du lịch sau khi xảy ra nhiều vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long khiến nhiều du khách thiệt mạng.
Các doanh nghiệp cho rằng, QĐ 716 ra đời là đúng và các DN nhất trí ủng hộ vì quyền lợi của du khách, uy tín Vịnh Hạ Long…Tuy nhiên, thời gian để thực hiện QĐ là quá ngắn, gấp và nhiều quy định khiến doanh nghiệp khó có thể thực hiện trong điều kiện hiện tại và khiến nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động.
Ngừng hoạt động để chấp hành quy định?
Nhiều DN có tàu du lịch cho biết, hàng trăm tàu chở khách tham quan Vịnh Hạ Long ngừng hoạt động là để chấp hành QĐ 716 về việc siết chặt quản lý tàu thuyền hoạt động chở khách trên Vịnh Hạ Long (?).
Các doanh nghiệp cho rằng rất khó thực hiện nhân viên phục vụ trên tàu phải tốt nghiệp THPT, diện tích buồng ngủ đạt 8m2, nhà vệ sinh rộng 2,5m2, đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy với nhiều thiết bị khó kiếm. |
Theo đó, các tàu du lịch phải tạm thời dừng hoạt động vì theo hướng dẫn của Công an tỉnh Quảng Ninh quy định ngày 10-6 sẽ kiểm tra việc lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy trên tàu. Nhưng thời gian thực hiện gấp gáp, các tàu không thể lắp ngay thiết bị này, nhiều thiết bị chuyên dụng rất khó kiếm trên thị trường.
Một điều nữa khá bất cập trong QĐ 716, theo các chủ tàu, là điều khoản với các thủy thủ như: phải có các chứng chỉ và tốt nghiệp THPT. Các chủ tàu không thực hiện được vì không thể tìm ngay được nhân viên phục vụ khách trong thời gian ngắn ngủi. Chưa kể trước đó, nhiều tàu du lịch bị ngừng hoạt động vì QĐ 716 quy định tuổi tàu 7-8 năm, chỉ được hoán cải một lần và hoạt động thêm hai năm tiếp theo.
Mặc dù là không có luật nào quy định tuổi tàu gỗ, các cơ quan tham mưu không tính tới việc hoán cải tàu, doanh nghiệp phải tiêu tốn hàng tỷ đồng để đóng lại gần như mới. Với thời gian hoạt động ngắn như vậy, DN bỏ hàng tỷ đồng để đóng tàu không thể thu hồi vốn.
Chiều cùng ngày, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có công văn lùi áp dụng một số quy định phòng cháy, chữa cháy tàu du lịch trong hướng dẫn ký ngày 7-6 và thời gian lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy lùi tới tháng 9-2011. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã sửa đổi và lùi thời gian thực hiện một số nội dung trong QĐ 716.