Nạn phong bì làm méo mó xã hội

Nạn phong bì làm méo mó xã hội
TP - “Một xã hội quen với tham nhũng vặt, giống như một trường học ở đó học sinh quen quay cóp. Điều này sẽ tạo ra một xã hội không thành thật, chân giá trị bị méo mó”- GS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) trao đổi với PV Tiền Phong về Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2010.

Lần đầu tiên PAPI được CECODES phối hợp với UNDP, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thực hiện tại 30 tỉnh, thành phố. GS Dinh cho biết, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tiếng nói đánh giá của doanh nghiệp đối với địa phương, còn PAPI là tiếng nói trực tiếp của người dân.

Đưa phong bì 100-200 ngàn thì tố cáo làm gì

Điều gì đáng quan tâm nhất trong những kết quả thu thập được, thưa GS?

Thứ nhất, trên bình diện từng địa phương, sẽ thấy mặt nào người dân đánh giá tốt, mặt nào chưa. Những vấn đề dân đánh giá không phải vĩ mô, mà đều quanh những việc dân sinh như y tế, học hành, giao thông, hối lộ, tham nhũng, sử dụng đất ra sao...

Thứ hai, qua 30 tỉnh, thành phố với gần 6.000 người được hỏi thì thấy được hình ảnh của quốc gia. Ví như, người dân cho rằng, hành chính công có tiến bộ rõ ràng hơn trước. Nhưng một số mặt khác đáng lưu tâm như phải quen, thân khi xin việc, vào bệnh viện phải có phong bì bôi trơn...

Những nhà làm chính sách và thực thi chính sách cơ quan phòng, chống tham nhũng... nhìn vào kết quả này sẽ thấy “những con số biết nói”. Hay vấn đề giải trình của chính quyền, người dân đều nói có trả lời nhưng chưa hiệu quả; Ban Thanh tra nhân dân được lập nên nhưng không hiệu lực và ít người biết. Còn việc tỉnh này được xếp trên tỉnh kia là điều không thật quan trọng. Tuy nhiên, tỉnh bị xếp thứ 30 thì cũng phải suy nghĩ.

GS Đặng Ngọc Dinh
GS Đặng Ngọc Dinh.

Trong khi TP HCM xếp thứ nhất thì Hà Nội lại bị xếp thứ 18 trong số 30 tỉnh, thành phố, ông nghĩ sao về thứ hạng của Thủ đô?

PAPI không đặt vấn đề đọ tỉnh này với tỉnh kia, mà nó là những khuyến nghị lặng lẽ. Cũng có thể Hà Nội nói xếp hạng chưa chính xác lắm. Thực ra, Hà Nội xếp ở mức giữa thì không có gì ngạc nhiên vì quản trị một địa phương không đồng nhất hoàn toàn với đời sống người dân ở đó cao hay thấp. Tuy nhiên, Hà Nội ở nhóm trung bình thấp thì lãnh đạo Hà Nội phải suy nghĩ, một thủ đô thì khó quản lý nhưng nếu xếp thấp như vậy thì cần có nhiều điều phải cải tiến. Có những giải thích cho rằng, Hà Nội xếp hạng thấp do người dân Hà Nội khó tính hơn.

Việc có hơn 70% người được hỏi cho biết họ không được thông báo về kế hoạch sử dụng đất, 90% không tố cáo tham nhũng... nói lên điều gì?

Điều này nói lên vấn đề mang tính đám đông hay hiện nay thường dùng từ hệ thống. Đó là chính sách đưa ra rất nhiều, tuyên truyền nhiều, nhưng việc thực thi đến người dân chưa hiệu quả. Ví như, người dân không biết có Ban Thanh tra nhân dân; kế hoạch sử dụng đất... Vậy tại sao người dân không hăng hái đòi công khai? Mà hiện nay họ không biết một cách vui vẻ. Tóm lại, trong bối cảnh quản trị hiện nay, người dân dường như quen với việc không được tiếp cận thông tin.

Đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt, người dân đều khẳng định với số tiền đút lót 100- 200 nghìn đồng thì không bao giờ đi tố cáo. Ngay trong chúng ta cũng vậy, đưa phong bì 100- 200 nghìn cho bác sỹ thì đi tố cáo làm gì.

Méo mó chân giá trị

Như vậy theo ông sự phổ biến của tham nhũng vặt sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?

Trong lý thuyết hệ thống, toàn xã hội như những hạt sắt, còn chính sách như cục nam châm. Anh đặt nam châm hướng nào thì hạt sắt chạy theo hướng đó. Nếu anh đặt nam châm sang chỗ thân quen, có phong bì mới được việc thì người dân sẽ chạy theo hướng đó

GS Đặng Ngọc Dinh

Rõ ràng đây là vấn đề xã hội. Một xã hội quen tham nhũng vặt, giống như một trường học, ở đó học sinh quen quay cóp. Dẫn đến hiện tượng không công bằng, học sinh không cần cố gắng học hành, phấn đấu vì quay cóp vẫn được. Hay việc, cứ có mối quan hệ thân quen, có tiền thì xin được việc làm, khi đó người ta sẽ nỗ lực theo kiểu chạy chỗ thân quen.

Trong lý thuyết hệ thống, toàn xã hội như những hạt sắt, còn chính sách như cục nam châm. Chủ thể quản lý đặt nam châm hướng nào thì hạt sắt chạy theo hướng đó, nếu đặt nam châm sang chỗ thân quen, có phong bì thì người dân sẽ chạy theo hướng đó.

Đó là lý do PAPI nhận định “tham nhũng có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong công tác điều hành và quản lý nhà nước hiện nay”?

Thách thức không phải theo nghĩa ghê gớm, người dân phản ứng. Mà vấn đề là lâu dài xã hội bị méo mó đi. Người làm chính sách phải thấy, quản trị một xã hội mà tham nhũng vặt phổ biến sẽ tạo ra một xã hội không thành thật, chân giá trị bị méo, rất nguy hiểm. PAPI nói lên phản ứng của người dân. Họ đang chung sống, lãnh đạm với tham nhũng vặt. Một xã hội không có liêm chính kéo dài thì ảnh hưởng đến các thế hệ sau, giống như một bệnh di truyền. Còn nhìn đơn lẻ đối với mỗi người dân thì họ vẫn đang chấp nhận tham nhũng vặt.

Sau khi PAPI được công bố thì phản ứng của các địa phương được xếp hạng ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã tổ chức hội thảo tại 3 vùng. Các tỉnh đều thừa nhận là PAPI khách quan, khoa học. Việc xếp hạng có thể chưa thật chính xác nhưng từng tỉnh đã thấy được mặt mạnh, mặt hạn chế của mình. Đà Nẵng đã tiếp cận số liệu rất nghiêm túc. Tôi được biết, Chủ tịch UBND TPHCM đã giao Viện Kinh tế TPHCM phân tích kết quả của PAPI và PCI khác nhau ra sao. Một lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội đi dự hội thảo cũng nói chấp nhận được.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân
(thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.