Tôi phải phấn đấu nhiều để bù vào số phiếu thấp

Tôi phải phấn đấu nhiều để bù vào số phiếu thấp
TPCN - Ngay sau khi bàn giao công việc cho người kế nhiệm ở Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã dành riêng cho phóng viên Tiền phong một cuộc trao đổi.

Đây là cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên của ông sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông nói:

Tôi đã trải qua nhiều trọng trách, nói thật trọng trách nào được giao tôi cũng cảm thấy nặng nề. Mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, tự nhìn lại những công việc đã qua, tôi lại thấy còn nhiều việc mình chưa làm được. Vì thế, khi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mới sau gần 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính tôi rất lo lắng.

Tôi nghĩ, con người ta như cái cây, không những phải trụ vững, vượt qua được phong ba, bão tố mà còn phải đơm hoa, kết trái. Cuộc sống không có khuôn mẫu nào cả, hôm qua và ngày mai đều không giống hôm nay. Phải biết gánh chịu những rủi ro có thể xảy ra.

Tôi phải phấn đấu nhiều để bù vào số phiếu thấp ảnh 1
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh : Hồng Vĩnh

Ông có suy nghĩ gì khi số phiếu bầu cho ông không được cao (ông Nguyễn Sinh Hùng được 58,21% tổng số ĐBQH đồng ý phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ)?

Người nào đó mà nghĩ rằng mình tài giỏi thì có nghĩa là người đó đã chấm dứt sự nghiệp của mình.

Tự đánh giá, tôi cũng thấy trong công việc mình làm thời gian qua còn nhiều khiếm khuyết, trong khi yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển đất nước là muôn hình muôn vẻ và ngày càng cao. Phiếu bầu cho tôi không được cao tôi nghĩ nó thể hiện rõ điều này. Đó là sự đòi hỏi cao hơn của các ĐBQH, của cử tri và điều này buộc tôi phải phấn đấu hơn nữa. Và chắc chắn cũng có những người còn phân vân trước những việc mà thời gian qua tôi làm chưa tốt.

Phiếu bầu không cao, đương nhiên là tôi không vui, nhưng cũng không quá buồn bởi vì nếu chỉ vì phiếu thấp mà bản thân thấy bi quan là hỏng. Nói thật, công việc tôi được giao trong thời gian qua khá rộng. Những việc tôi làm có việc thành công, có việc thất bại, có điểm tốt, có điểm chưa tốt.

Nếu những việc chưa tốt là non nửa, ứng với số phiếu không được bầu là non nửa thì đó cũng là chuyện bình thường. Tôi chỉ nghĩ rằng, bản thân mình phải phấn đấu mạnh mẽ hơn để bù lại vào việc phiếu thấp ấy. Vì thế, phiếu bầu cho tôi không được cao, ở một khía cạnh nào đó, cũng là điều tốt vì nó luôn nhắc nhở tôi phải phấn đấu nhiều hơn.

Đó là các ĐBQH đánh giá ông qua lá phiếu. Còn tự mình, ông thấy điểm yếu lớn nhất của ông là gì?

Điểm yếu nhất của tôi là gặp lúng túng trong những việc đòi hỏi sự quyết liệt nhưng trong tập thể lại chưa có sự đồng thuận cao. Những việc còn trì trệ, còn chưa tốt đòi hỏi mình phải đổi mới quyết liệt hơn trong khi tập thể chưa đạt được đồng thuận thì ở những lúc như thế ý tưởng cũng như sức lực của tôi chưa thể giải phóng hết được. Đó là điểm tôi cho rằng mình còn yếu.

Ví dụ như việc thực hiện đổi mới mạnh mẽ về tài chính trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể dục thể thao để huy động nguồn lực to lớn nằm trong những lĩnh vực ấy mà gần chục năm nay tôi làm, cũng có phần quyết liệt nhưng vẫn chưa thành công.

Cũng cần nói thêm là dù chúng ta đã bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng những quyết sách tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ trong những lĩnh vực như thế cũng còn chưa tạo được sự đồng thuận lớn.

Là thành viên Chính phủ lâu năm, ông thấy người dân, các doanh nghiệp mong chờ gì nhất từ Chính phủ hiện nay?

Người dân mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức lực, tài năng của mình, làm ra ngày càng nhiều cuả cải cho xã hội. Vì thế, họ mong Chính phủ có chính sách đúng đắn, đồng bộ để dẹp bỏ những cản trở, để giải phóng sức sản xuất vì sự phát triển của họ, cũng là của đất nước.

Tôi nghĩ rằng đó là mong muốn xác đáng và đó cũng là nhiệm vụ của Chính phủ. Nếu không giải phóng, động viên được nguồn lực trong toàn dân thì không thể phát triển nhanh và bền vững được. Chính sách mà Chính phủ ban hành phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam đều có điều kiện thuận lợi nhất trong việc làm ra nhiều của cải, không những tự nuôi được bản thân mình, gia đình mình mà còn đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ, vì xét về mặt chính trị mà nói, dân chủ cao nhất là dân chủ về kinh tế.

Tại sao trước đây chúng ta thua thiệt? Đó là vì chúng ta nói là thực hành dân chủ nhưng lại không cho người dân quyền tự do làm ăn, ngăn sông, cấm chợ. Hiện nay, với toàn dân, ai có sức lực, trí tuệ, tài sản đều được tự do phát huy. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi trên con đường mà người dân phát huy được tiềm lực của mình.

Tôi cũng muốn nói thêm là, trong một số vấn đề, nếu chúng ta không cẩn thận thì sự cản trở lại có xu hướng tái diễn. Chúng ta đã đổi mới, chúng ta đã mở ra thông thoáng hơn nhưng khi xảy ra một số rủi ro, sự thua thiệt nếu không cẩn thận thì lại tái diễn cách thức quản lý cũ, tạo ra một sự trói buộc đôi lúc còn chặt chẽ hơn. Đó cũng là vấn đề đang đặt ra và chúng ta phải tìm cách khắc phục triệt để.

Trong công việc, ông thường suy nghĩ thế nào trước khi đưa ra quyết định?

Tôi nghĩ, đừng bao giờ hy vọng làm mười việc thành công cả mười. Điều quan trọng là trong vài ba việc chưa tốt ấy thì phải tìm cách để khắc phục. Cần phải lấy cái được trong tổng thể chứ đừng bao giờ vì vài việc chưa tốt mà do dự, làm chậm tiến trình đổi mới đất nước.

Theo ông, điều gì là quan trọng nhất mà Chính phủ hiện nay cần phải khắc phục?

Tư duy đổi mới hiện nay là rất rõ. Những chuyên gia nước ngoài nói rằng công cuộc đổi mới của nước ta đang đi vào giai đoạn 2 theo hướng rộng hơn, sâu hơn. Để công cuộc đổi mới đạt được kết quả to lớn hơn, bền vững hơn vấn đề còn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Tôi nghĩ, những việc lớn nhất hiện nay phải làm là hệ thống thể chế thực sự loại bỏ rào cản, tạo sự thông thoáng mạnh mẽ hơn cho người dân, các doanh nghiệp; khâu tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương phải khoa học và đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, trong sạch.

Như thế, sẽ đẩy nhanh tiến trình đổi mới hơn. Những việc này, không chỉ riêng Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng có thể làm được nhưng việc của Chính phủ là phải từ cách thức hoạt động của mình tạo ra được hướng đi cho mọi người dân, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngành tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, bên cạnh những thành tựu lớn, theo ông “gánh nặng” lớn nhất mà ông để lại cho người kế nhiệm là gì?

Nếu chỉ nói những mặt tồn tại thì tôi nghĩ đó là tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng vẫn còn, thậm chí có mặt còn nặng nề. Gần 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính tôi thấy đó là những tồn tại và trong đó có trách nhiệm của cá nhân tôi.

Đây là cuộc đấu tranh hết sức kiên trì, bền bỉ cần phải có quyết tâm cao và những biện pháp quyết liệt. Tôi nghĩ, chỉ riêng ngành tài chính thì không thể giải quyết được nhưng ngành tài chính có vai trò quan trọng.

Thế còn những chính sách gần đây của ngành tài chính mà chưa được lòng dân như việc quản lý tài sản công, thuế ô tô, thuế thu nhập cá nhân?

Những chính sách đó, tôi nghĩ là đúng tuy cũng có một vài điểm cần được thảo luận thêm. Tôi thấy đó thực sự là thử thách đối với người kế nhiệm của mình, ở chỗ có dám điều hành, quyết đoán trước những áp lực lớn của dư luận? Có dám cân nhắc rồi vì lợi ích toàn cục của cả nước để mà xử lý ? Có dám thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân hay không? Đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt.

Trước đây, tôi thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội thông qua Luật thuế giá trị gia tăng là cả một thử thách, một sự cải cách to lớn. Đó là thuế gián thu, tức là thu của từng người tiêu dùng nhưng họ không trực tiếp nhìn thấy.

Bây giờ với Luật thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, ai cũng trực tiếp nhìn thấy. Mọi người sẽ không chỉ phải làm nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước mà còn bị kiểm soát về thu nhập nên tâm lý thường là khó chịu.

Thế nhưng trên thế giới này không nước nào không làm và chúng ta cũng không thể không làm. Chúng ta chỉ chưa làm trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nhân dân ta còn nghèo.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG