Dịch bệnh vào mùa, viện nhi quá tải

Nhiều dịch bệnh ở trẻ vào mùa khiến bệnh viện quá tải
Nhiều dịch bệnh ở trẻ vào mùa khiến bệnh viện quá tải
TP - Mùa dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ em bắt đầu trở lại gần một tuần nay khiến số bệnh nhi mắc các bệnh tiêu chảy, sốt phát ban, thủy đậu và nhiễm não mô cầu gia tăng từng ngày. Các bác sĩ cảnh báo, các dịch bệnh trên có thể kéo dài đến tháng 5 và gây ra nhiều biến chứng khó lường.

 >> Gia tăng bệnh nhân bỏng gas, than

Nhiều dịch bệnh ở trẻ vào mùa khiến bệnh viện quá tải
Nhiều dịch bệnh ở trẻ vào mùa khiến bệnh viện quá tải . Ảnh: L.N

Dồn dập trẻ vào viện

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng- Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ trong một tuần qua, lượng bệnh nhi mắc các bệnh sốt phát ban, sởi, thủy đậu gia tăng nhanh chóng.

Đến 20-2, nơi đây đã có gần 200 trẻ nhập viện do sốt phát ban và quai bị, tăng khoảng 10% so với trước Tết. Trong khi đó, tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhi vào viện do sốt phát ban, quai bị và thủy đậu cũng trong tình trạng tương tự.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện số trẻ mắc bệnh thủy đậu đến khám đã tăng 150% so với tháng trước đó, nguy cơ gia tăng trong thời gian tới là rất cao khi những ngày qua số trẻ đến khám bệnh này tăng từng ngày.

Trong số 150 trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy, phần lớn nguyên nhân là trẻ ăn thức ăn thừa lại từ Tết đã quá hạn dùng và nhiễm vi sinh. Ngoài ra một số trường hợp ăn hàng quán rong không đảm bảo vệ sinh thực phẩm”- bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết- Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 cho biết.

“Nguy hiểm hơn, không chỉ có trẻ lần đầu mắc các bệnh này mà số trẻ đã tiêm ngừa vắc xin bệnh thủy đậu vẫn bị mắc tiếp - bác sĩ Khanh cho biết.

Ngoài thủy đậu và sốt phát ban, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, số trẻ mắc tiêu chảy cũng gia tăng đột biến.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khoa chỉ có 70 giường bệnh nhưng trong ngày 20-2, nơi đây đã có 150 trẻ mắc các bệnh về tiêu chảy vào viện, khiến cho trẻ phải nằm ghép và nằm ra hành lang. Để tránh lây lan và tiện điều trị, khoa phải chuyển trẻ bị bệnh đến các khoa khác.

Tại khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ nhập viện do tiêu chảy cũng lên tới hơn 120 tính đến ngày 20-2, khiến cho khoa quá tải so với thời điểm trước Tết.

Bác sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, chỉ trong một tuần qua, nơi đây đã tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh nhiễm não mô cầu trong tình trạng nặng.

“Viêm não mô cầu là một bệnh rất nguy hiểm, lây nhiễm qua đường hô hấp với tốc độ khá nhanh. Trong phạm vi bán kính 1m, người bệnh có thể truyền nhiễm cho những người khỏe mạnh khác. Bệnh có thể gây ra viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết nên không điều trị kịp thời dễ gây tử vong” - bác sĩ Trung cảnh báo.

Thủy đậu, sởi có nguy cơ bùng phát

Trong khi bé Nguyễn K. đang được theo dõi và điều trị bệnh nhiễm não mô cầu thì trung tâm y tế tại nơi bé K. đang ở đã nhanh chóng điều tra dịch tễ, cho người thân uống thuốc và chích thuốc ngừa.

Theo bác sĩ Trung, bệnh này lây lan nhanh qua đường hô hấp. Vì vậy, nếu không xác định kịp thời để phòng ngừa, việc lây lan bệnh cho người khác là rất cao. Trong khi theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh sởi, thủy đậu, sốt phát ban... đang vào mùa, vì vậy nguy cơ lây lan cũng rất lớn.

“Khoảng 90% những người chưa tiêm chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Bệnh thủy đậu có thể lây lan qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm thủy đậu, hoặc lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh” - bác sĩ Khanh cảnh báo.

Nguy hiểm hơn, theo bác sĩ Khanh, bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường…bị ô nhiễm bởi chất dịch từ bóng nước hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh để lại. Ngoài ra thủy đậu còn có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ đi chích ngừa sốt phát ban, thủy đậu, sởi đồng thời cho trẻ ăn uống đủ chất và vệ sinh sạch sẽ hằng ngày để phòng tránh cho trẻ không lây nhiễm bệnh.

Đối với bệnh nhiễm não mô cầu, bác sĩ Trung cho biết, năm nay bệnh này đang có dấu hiệu dồn dập trở lại do thời tiết nắng nóng thất thường, cộng với không gian sống chật chội, đông đúc nên bệnh có nhiều cơ hội bùng phát và lây lan.

“Phát hiện bệnh chậm, ngoài việc bệnh sẽ lây lan rộng thì nguy cơ dẫn đến tử vong cho người bệnh sẽ cao, khi người bệnh có dấu hiệu sốt, ho, nổi tử ban trên da thì đến bệnh viện kiểm tra sớm để phát hiện và điều trị kịp thời” - bác sĩ Trung khuyên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG