Khi Tây nghiện Tết ta

Bà Kathleen (giữa) thưởng thức món mứt Tết cổ truyền của người Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huy
Bà Kathleen (giữa) thưởng thức món mứt Tết cổ truyền của người Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Tết cổ truyền không chỉ níu chân đông đảo du khách quốc tế mà còn 'bỏ bùa' không ít người nước ngoài, khiến họ tự nguyện sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Bà Kathleen (giữa) thưởng thức món mứt Tết cổ truyền của người Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huy
Bà Kathleen (giữa) thưởng thức món mứt Tết cổ truyền của người Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Huy.

Xuân này là lần thứ 13 bà Kathleen (bang Missouri, Mỹ) đón Tết cổ truyền Việt Nam. Bà lại tất bật cùng gia đình chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, lá dong, đậu xanh... để tự gói bánh chưng những ngày giáp Tết. “Ban đầu khi mới sang, thấy người dân ăn bánh chưng Tết, chúng tôi cũng tìm mua, ăn thấy ngon lắm. Hương vị rất đặc trưng, tuyệt vời. Dần dần, chúng tôi học cách gói và tự làm luôn. Vui nhất là những lúc cả nhà ngồi chờ đun bánh chưng chín”, bà Kathleen nói tiếng Việt khá sõi.

Là thạc sĩ tâm lý học, có cuộc sống ổn định ở thành phố Maryville (bang Missouri), nhưng năm 1997, bà Kathleen cùng chồng và 2 con trai quyết định rời Mỹ đến Việt Nam, tham gia từ thiện thông qua tổ chức World Care.

Hơn chục năm gắn bó, bà Kathleen cùng gia đình mở quán bánh mì đặc biệt trên đường Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) để giúp đỡ thanh thiếu niên tật nguyền, có hoàn cảnh đặc biệt trong thành phố và tỉnh Quảng Nam. Con trai lớn của bà tốt nghiệp trường THCS Nguyễn Huệ và chuyển sang Mỹ để học đại học.

“Cả hai đứa đều nói tiếng Việt tốt lắm. Nhiều lúc, chúng còn dạy cả cho chúng tôi. Giờ đứa lớn phải sang bên Mỹ để học đại học nhưng mỗi năm Tết đến, nó lại tranh thủ về Việt Nam đón Tết hoặc bắt bằng được chúng tôi gửi bánh chưng, mứt gừng sang để cùng bạn bè đón Tết Việt bên trời Tây”, bà tâm sự.

Gặp lại ông Peter Ryder (56 tuổi, quốc tịch Mỹ) trong buổi tiếp người nước ngoài do UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức, ông cười bảo: “Chẳng năm nào bỏ được Tết đâu. Vui mà ý nghĩa lắm. Ở bên Mỹ, ngày Tết sau lễ Giáng sinh cũng rộn ràng, tưng bừng. Nhưng Tết Việt vẫn có ý nghĩa riêng. Sôi nổi mà đầm ấm”.

Gần 20 năm đến Việt Nam tham gia các dự án bất động sản, Tết nào cũng thế, đêm giao thừa, ông Ryder lại cùng gia đình sửa soạn mâm cỗ, bàn thờ để cúng tổ tiên, chờ thời khắc năm mới gõ cửa để cùng gửi gắm những ước nguyện đầu năm.

Nét độc đáo của Tết Việt ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế. Vì vậy, nhiều người lựa chọn ngày nghỉ trùng với dịp Tết Nguyên đán. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng Tiếp thị Cty Lữ hành Saigontourist, cho biết, chỉ tính riêng chùm tour Tây ăn Tết ta đã có trên dưới 9.000 du khách nước ngoài đăng ký tham gia.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng, cho hay, đơn vị đang triển khai chương trình Chợ quê vào những ngày cận Tết Nguyên đán nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia và tìm hiểu Tết của du khách quốc tế. Họ say sưa ngắm các thiếu nữ bán hàng mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, bà già gói và luộc bánh chưng, ông đồ viết câu đối, thư pháp, vẽ chân dung, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, nghệ nhân nặn tò he, làm nón lá, tạc tượng đá, dán đèn lồng...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.