Biểu tượng di sản trong dòng kênh hôi

Biểu tượng di sản trong dòng kênh hôi
TP - Câu hỏi “Bao giờ trả lại được cảnh quan trong sạch cho Chùa Cầu?” vẫn treo lơ lửng đâu đó như một mối bất an.

Hình ảnh Chùa Cầu từ lâu đã được coi là logo của Hội An Di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh này cũng có mặt trên tờ tiền mệnh giá 20.000đ của Việt Nam.

Dòng nước ở kênh Chùa Cầu đen đục bốc mùi
Dòng nước ở kênh Chùa Cầu đen đục bốc mùi.

Vô tư xả

Dưới chân Chùa Cầu, màu nước đen đục đến nhức mắt. Dòng nước dưới lòng kênh đầy rác. Đầu tư phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch từ nhiều năm trước đây nay đã có hậu quả nhãn tiền, mà cụ thể là mùi hôi thối bốc lên xung quanh Chùa Cầu, mọi lúc.

Biểu tượng di sản trong dòng kênh hôi ảnh 2
Việc xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực xung quanh Chùa Cầu luôn là vấn đề cấp thiết. Nhiều dự án đã được thông qua và triển khai nhưng vì thực hiện chưa triệt để nên vấn đề này vẫn còn đang… tiếp tục.

Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An

Chị Catherine Theron, du khách tham quan Chùa Cầu đến từ Anh quốc nhăn mặt: “Hội An đẹp và hiền hòa đến khó tả, cảm giác này tôi chưa từng gặp ở đâu, dù đã đi đến nhiều nơi trên thế giới. Cách đây hơn 5 năm, tôi tự nhủ sẽ trở lại Hội An vào một ngày gần nhất. Thế nhưng, trở lại lần này, tôi được đón tiếp một cách kỳ cục bằng cái mùi sẽ còn ám ảnh tôi sau này”.

Trong số hơn 6.000 m3 nước thải của người dân TP. Hội An, có đến hơn 2.000 m3 nước thải đổ trực tiếp vào kênh Chùa Cầu không qua xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Hội An tính nhanh: “Xung quanh Chùa Cầu là 3 phường Minh An, Cẩm Phô và Tân An với trên 26.000 người dân. Tổng lưu lượng nước thải phát sinh của 3 phường là 3.315 m3/ ngày đêm thì có đến 1.530 m3 nước thải chảy ra kênh Chùa Cầu, cộng thêm lượng nước thải của các khách sạn, nhà hàng và cơ sở sản xuất kinh doanh là 692 m3/ ngày đêm, tổng lưu lượng nước thải tràn ra Chùa Cầu đã là 2.222 m3/ ngày đêm”.

Dòng nước đen sì từ hồ điều hòa chảy sang kênh Chùa Cầu bốc mùi hôi thối
Dòng nước đen sì từ hồ điều hòa chảy sang kênh Chùa Cầu bốc mùi hôi thối.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiền, trong năm 2009 và thời gian gần đây nhất (tháng 3-2010), Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Hội An đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra nước thải của các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các phường kể trên thì hầu hết nước thải đều có các chỉ tiêu BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa) và Coliforms (tác nhân gây bệnh đường ruột) vượt chỉ tiêu cho phép nhiều lần.

Các dự án vô dụng

Nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 của Bộ Văn hóa Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch), tháng 3- 2006, Trung tâm Bảo tồn di tích, di sản Quảng Nam đã làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu bằng hàng loạt các dự án nhỏ như Nạo vét lòng kênh, thiết kế thoát lũ kết hợp xử lý nước; Xử lý nước thải bằng phương pháp lắng lọc tự nhiên tại hồ điều hòa hay Trạm bơm cấp nước Chùa Cầu...

Hàng loạt những ý tưởng hay về tôn tạo, tu bổ Chùa Cầu - biểu tượng di sản văn hóa thế giới Hội An - nhưng chỉ thiết thực… trên giấy. 

Nhiều việc được đặt ra như mở rộng kênh 6,8 m về phía bắc và 11 m về phía nam với 1 lạch kè đá hộc tránh xói lở, thiết kế 1 hồ điều hòa xử lý nước trước khi chảy vào kênh rộng 1500 m2...

Nhưng cho đến bây giờ, năm cuối cùng trong việc thực hiện Dự án, kênh Chùa Cầu càng đen đục hơn. Hồ điều hòa đang bỏ không và là nơi tập kết rác.

Tại cuộc hội thảo vừa được tổ chức mới đây hòng tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề ô nhiễm kênh Chùa Cầu, lãnh đạo TP. Hội An đã tán thành với đề xuất của tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về Công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt (IET- BTF) có thể xử lý 600 m3 nước thải/ ngày đêm. Tuy nhiên, công nghệ này khi nào được lắp đặt và đi vào vận hành thì phải… đợi, vì nhiều lý do, trước hết là chờ… tài trợ.

MỚI - NÓNG