Đêm của cảm xúc tri ân

Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa trái), Đại tá Tạ Thị Kiều, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ về những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: Ngọc Đinh
Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa trái), Đại tá Tạ Thị Kiều, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ về những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: Ngọc Đinh
TP - Một đêm dạt dào cảm xúc tri ân, đêm 16-5, 'Tuổi trẻ giao lưu với nhân chứng lịch sử và tặng kỷ vật kháng chiến', lần đầu tiên tổ chức ở ĐBSCL, do Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Tiền Phong và Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Từ chập tối, 1.400 cán bộ, chiến sĩ các cơ quan Quân khu 9, tuổi trẻ Thành đoàn TP Cần Thơ, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Tây Đô đã có mặt tại hội trường Đại học Cần Thơ.

Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa trái), Đại tá Tạ Thị Kiều, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ về những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: Ngọc Đinh
Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa trái), Đại tá Tạ Thị Kiều, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ về những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: Ngọc Đinh.

Tri ân nhân dân

Mở đầu đêm giao lưu, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, xúc động kể lại chuyện được một gia đình cứu mạng hơn 30 năm trước. Tháng 6-1966, khi đó ông là Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn U Minh, trong một trận đánh ở kênh xáng Long Mỹ (Long Mỹ, Hậu Giang), khi rút lui, ông đi sau cùng thì bị thương gãy chân. Lệnh cho người chiến sỹ liên lạc phải rút cùng đơn vị, một mình ông nằm lại trên cánh đồng gần đồn địch với khẩu súng ngắn và ít viên đạn.

Đại tướng Phạm Văn Trà kể: “Đến trưa, tôi gần kiệt sức thì thấy một chú bé chừng 10 tuổi theo bờ ruộng đi về phía mình. Chú bé thấy tôi, nhìn chăm chăm một lúc rồi bỏ chạy. Tôi rất căng thẳng, dự đoán tình hình có thể nguy hiểm, bò dịch sang vị trí khác, súng lên đạn sẵn sàng.

Xế trưa, cậu bé lại đến với một giỏ, khẽ khàng đặt cách tôi một đoạn rồi cũng bỏ chạy. Tôi bò lại, không còn tin vào mắt mình, trong giỏ có một nắm xôi, nửa con gà luộc và chai nước. Đưa nắm xôi lên miệng, nước mắt tôi ứa ra. Nhá nhem tối, chú bé và mẹ chú bé ra cõng tôi về nhà. Chị giải thích, ban ngày địch có nhiều trong ấp nên chờ đến tối mới có thể đưa vào nhà. Tôi được nuôi và chăm sóc 6 ngày, sau đó, chị chèo xuồng chở tôi trở vào căn cứ”.

Đại tướng Phạm Văn Trà xúc động nói “nếu không có những người dân tốt như vậy thì chúng tôi không thể đánh được giặc. Và chỉ có quân đội giải phóng đất nước mới có được tình thương của dân như vậy”.

Cùng suy nghĩ ấy, bà Tạ Thị Kiều nói: “Chúng tôi sống chiến đấu được là nhờ dân đùm bọc. Bởi tôi tham gia cách mạng từ năm 1957 cho đến năm 1965 ra Bắc, đấu tranh hoàn toàn hợp pháp, đánh giặc xong thay áo quần ra đấu tranh chính trị liền. Không có dân đùm bọc không sống được”.

Bà Tạ Thị Kiều, sinh năm 1938, tại xã An Thạnh (Mỏ Cày, Bến Tre), Anh hùng LLVTND, nổi tiếng thời kháng Mỹ về tài “tay không lấy bót địch”. Lấy bót Kinh Ngang, bà dụ cho địch ra bờ sông để đồng đội xông vào lấy bót không tốn một viên đạn. Bà được phong Anh hùng ngày 5-5-1965, nghỉ hưu với cấp bậc đại tá.

Thiếu tướng Lê Mã Lương tiếp nhận khẩu súng ngắn của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tấn - Nguyên tư lệnh quân khu 9, do phu nhân của Trung tướng trao tặng. Ảnh: Ngọc Đinh
Thiếu tướng Lê Mã Lương tiếp nhận khẩu súng ngắn của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tấn - Nguyên tư lệnh quân khu 9, do phu nhân của Trung tướng trao tặng. Ảnh: Ngọc Đinh.

Nhớ Bác Hồ

Bà Tạ Thị Kiều cũng là người nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lần gặp Bác mà bà còn nhớ nhất là đầu tháng 11-1965, bà cùng với 4 người khác đều là Anh hùng LLVTND từ miền Nam ra. Khi xe đến rước, nghe cán bộ bảo được đi gặp Bác là bà và các anh trong đoàn cuống lên. Lúc ấy, bà thay chiếc áo bà ba nhưng tay run rẩy, mãi không cài được cúc áo. Bỗng nhiên, bà thương nhớ bà con ở quê, ở miền Nam, đánh giặc vô vàn hy sinh gian khổ, để dành hạnh phúc cho bà được gặp Bác.

Cán bộ lại dặn, khi gặp Bác nên đứng xa để báo cáo chứ không nên chạy đến gần. Nghe vậy thì dạ vâng, nhưng vừa thấy Bác đi dưới bóng xoài trong khu nhà sàn, tất cả quên hết, ùa chạy lại, ôm Bác khóc nức nở. Khó hồi lâu, Bác vỗ vai các anh hùng, nói: Bác cũng nhớ đồng bào miền Nam lắm, nhớ các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên; kẻ thù tàn ác giết người không kể trẻ già; nên Bác ăn cơm không ngon ngủ không yên.

Trước khi trở về miền Nam, bà Tạ Thị Kiều và các anh hùng miền Nam còn được mời ăn cơm với Bác. Hôm ăn cơm, Bác dặn: Được về quê hương vui mừng nhưng cũng nhớ khiêm tốn với bà con, còn với kẻ thù không được lơ là cảnh giác. “Hôm nay, dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, nhớ đến những lần gặp Bác là tôi lại bùi ngùi xúc động”, giọng bà nghẹn ngào “nhất là được về Cần Thơ, gặp thanh niên, sinh viên, bộ đội trẻ, càng xúc động”.

Có mặt trong buổi giao lưu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội, được tặng 6 Huy hiệu Bác Hồ. Sinh viên hỏi: “Thưa chú Nguyễn Đức Soát, trong các Huy hiệu Bác Hồ được tặng, ông nhớ Huy hiệu nào nhất”.

Ông Nguyễn Đức Soát vui vẻ trả lời: “Huy hiệu đầu tiên, sau khi tôi bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên vào ngày 13-3-1969. Lần đầu bắn máy bay địch nên chưa có kinh nghiệm, bắn xong rồi còn nhìn xem và đã bị mảnh tên lửa văng vào máy bay. Nhưng sau mấy hôm, được tặng Huy hiệu Bác Hồ”.

Còn chiếc máy bay cuối cùng ông bắn hạ vào ngày 12-10-1972, chiếc F-4E do Myron Young và Cecil Brunson lái. Năm 2005, trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Ha-wai, được chỉ huy Bộ Tư lệnh này đón tiếp thân tình và bày tỏ sự khâm phục: “Ngày 12-10-1972, ngài đã bắn rơi 1 máy bay của phi đội tôi, 1 đại úy và 1 trung tá phi công Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Đây là một phi đội nổi tiếng từ thế chiến thứ 2. Chúng tôi rất nể trọng phi công Việt Nam, rất nể trọng ngài”.

Kỷ vật nghĩa tình

Có mặt tại đêm giao lưu, phu nhân của cố Trung tướng Nguyễn Đệ, Tư lệnh Quân khu 9, bà Lê Hồng Quý, trao tặng một chiếc sắc cốt gắn với cuộc đời chiến đấu của tướng Nguyễn Đệ. Phu nhân của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tấn, Tư lệnh Quân khu 9 kế tiếp, bà Võ Thị Hạnh, trao tặng kỷ vật là khẩu súng mà Tướng Nguyễn Văn Tấn cướp được của giặc và giữ nhiều năm. Trung tướng Nguyễn Việt Quân, Chính ủy Quân khu 9, trao kỷ vật là khẩu súng của thân sinh ông, liệt sỹ Nguyễn Việt Dũng, có từ thời chống Pháp.

 Đêm giao lưu có nhiều vị tướng lĩnh, nhiều cán bộ quân đội và TP Cần Thơ, Đại diện Ngân hàng Bắc Á (đơn vị tài trợ Cuộc vận động) tham dự.

Tại đêm giao lưu, còn nhiều kỷ vật có giá trị được trao tặng. Đại tá Phan Công Nam, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Chánh Thanh tra Quân khu 9, trao kỷ vật là chiếc đèn pin và chiếc mũ sắt cùng ông nhiều năm chống Mỹ, và các tấm Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba của anh trai, bộ đội ở chiến trường Quảng Trị.

Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, Anh hùng LLVTND, nguyên Thuyền trưởng Đoàn tàu không số, trao kỷ vật là chiếc radio được dùng để nhận ám hiệu, cập bến an toàn nhiều chuyến tàu chở vũ khí từ năm 1971 đến 1975.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVTND, GĐ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu 'Những kỷ vật kháng chiến' sau gần 2 năm, đã có được trên 10.000 kỷ vật quý. Cuộc vận động do Tổng cục Chính trị Quân đội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn TN phát động; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tiền Phong, Báo Quân đội nhân dân thực hiện.

MỚI - NÓNG
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
TPO - Chứng kiến màn trình diễn của Xuân Son trong trận ra mắt đội tuyển Việt Nam, tờ Chosun của Hàn Quốc đã phải dùng những câu từ mạnh nhất để miêu tả về anh. Họ nhấn mạnh rằng “chưa bao giờ được chứng kiến một cầu thủ nào của Việt Nam đạt đến trình độ như chân sút gốc Brazil này”, thậm chí ví anh là “quái vật của bóng đá Việt Nam”.