Cảm nhận đầu tiên khi đứng trước cửa biển TX Hà Tiên trong những ngày cuối tháng 11 này là gió.
Cơ quan khí tượng thủy văn cho biết gió cấp 5 cấp 6 thổi liên tiếp nên tàu cao tốc không thể ra đảo được, hãy ráng chờ. Nhưng càng chờ càng sốt ruột. Nên tôi vẫn quyết định nhảy lên một chiếc tàu chở hàng ra quần đảo “Hải tặc”.
Từ eo biển Tô Châu ra đảo chính Hòn Tre dù chỉ 18km nhưng phải mất 2 giờ đồng hồ tàu mới cập bến. Từ đây tôi ra Hòn Gùi (chỉ khoảng 3 km), nhưng sóng to gió lớn nên phải mất gần nửa tiếng đồng hồ nữa, con thuyền mới đưa tôi tới hoang đảo (cơ quan chức năng thông báo chưa có người).
Nước biển đảo trong vắt, nhìn thấy những chú cá nhỏ bơi lội. Những chiếc vỏ ốc xinh xinh đủ hình dáng, màu sắc nằm lăn lóc cùng sỏi đá. Tôi giật mình khi thấy một người đàn ông trung niên tầm thước, vóc dáng chắc khỏe, đầu tóc bù xù, râu màu nâu hung dài tua tủa như bàn chải, mặc áo thun, quần lửng, gương mặt sạm nắng nhàu nát nheo mắt cười đón khách. Mấy con chó sủa vài tiếng rồi tiếp tục quấn quýt bên ông chủ.
Luồn qua những bụi cây chằng chịt ven biển, chủ và khách cùng chui vào một ngôi nhà nhỏ hết sức tạm bợ. Một chiếc giường cũ kỹ vừa đủ cho 2 người nằm chiếm gần hết ngôi nhà. Còn lại là nơi để vài chiếc nồi, 1 hũ gạo. Gia tài lớn nhất của ông có lẽ là… hòn đảo và biển cả, nhưng chưa được ai công nhận bất kỳ một quyền gì, kể cả tạm trú tạm vắng.
Khi tôi ghé Hòn Gùi, người vợ của ông đang đi về Hòn Ngang (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) thăm cháu, chỉ có người con trai vừa đi biển về ghé thăm cha. Một giọng buồn đều kéo dài suốt cuộc gặp gỡ với một số phận lênh đênh sóng gió hoàn toàn khác với tên gọi Lê Văn Lành mà cha mẹ ông đặt.
Ông kể: “Ba tôi người Sài Gòn qua Nam Vang (Campuchia) gặp mẹ tôi và sinh tôi ở đó. Năm 1970 về Rạch Giá, năm 1971 lại về Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và tôi bắt đầu cuộc đời với biển cả từ đây. Nghề đánh cá trên biển đã đưa tôi tới Hòn Nghệ (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) kết duyên cùng vợ tôi”.
Thời trai trẻ của ông Lành gắn với những năm tháng nhọc nhằn của sóng biển. Không có vốn lớn đóng thuyền đánh bắt xa bờ, Lành chỉ biết mò cua, bắt ốc, giăng câu thả lưới ven bờ nên kiếm được miếng ăn là may lắm rồi.
Trắng tay sau cơn bão số 5/1997, 2 vợ chồng ông cùng 4 người con lại dắt díu nhau tìm về “ngư trường” mới tại quần đảo “Hải tặc”. Nhiều người dân đảo Hòn Tre bấy giờ gọi ông là Bảy “chuồng heo” vì hồi mới tới không có chỗ trú ngụ, Lành phải nhờ vào một cái chuồng heo của ngư dân. “Họ còn gọi tôi là Bảy “cá” vì hành nghề lưới cá ven bờ” - Ông tâm sự.
Cái tên quần đảo “Hải tặc” ra đời từ khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Nó nổi tiếng với những vụ cướp biển qui mô lớn, có tổ chức. Thời kỳ này nhiều tàu buôn của Trung Quốc và các nước phương Tây qua đây. Nay quần đảo thuộc xã Tiên Hải (TX Hà Tiên), cách đất liền 18 km, cách đảo Phú Quốc 40 km và TP Kép (Campuchia) trên 40 km. Vùng quần đảo “Hải tặc” này có tới 14 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ mới có 6 hòn có người ở được ghi nhận gồm: Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ , Hòn Giang, Hòn ụ, Hòn Đước và Hòn Đồi Mồi. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ. Một bản báo cáo mới đây cho biết: “Tình tình an ninh trên biển những năm gần đây có tốt hơn, nhưng nạn cướp vũ trang vẫn còn xảy ra, làm cho ngư dân thiếu an tâm sản xuất”. Được biết, ý tưởng về một tour du lịch ra quần đảo “Hải tặc” đã được chính quyền đặt ra. Tôi chợt nghĩ biết đâu người ta lại kéo nhau ra thăm hòn đảo hoang, nơi có một con người biệt danh là “Robinson” sinh sống. |
Năm 2001, sau khi con cái đã có vợ có chồng, vợ chồng ông quyết định ra đảo Hòn Gùi để khẩn hoang, vì thế một số người bây giờ lại gọi ông là “Robinson”.
Cuộc sống lênh đênh trên biển nay đây mai đó, vì thế cho đến nay gia đình ông chưa có hộ khẩu. Về chuyện định cư ở hoang đảo này, ông Lành tâm sự: “Vợ chồng tôi muốn kiếm mảnh đất ở đất liền, nhưng đụng đến đất ở đâu cũng phải có tiền, vàng. Chỉ còn một chốn nương thân duy nhất không phải trả tiền đó là tìm đến những hòn đảo hoang”.
Bàn tính nát nước, cuối cùng vợ chồng ông quyết định chọn Hòn Gùi làm nơi lập nghiệp cuối đời. Sở dĩ chọn hòn đảo này vì phía Đông đảo có khoảng vài ngàn mét vuông đất khá màu mỡ trong tổng diện tích chừng 4 ha toàn đảo. Khi ông Lành đặt vấn đề này với chính quyền địa phương, họ đồng ý nhưng yêu cầu ông phải… trồng rừng.
Chỉ mong có quyển “sổ hộ khẩu”
Khi 2 vợ chồng vừa đặt chân lên đảo, những đàn kiến vàng to đùng cứ lao tới người mà cắn như sợ con người cướp mất đảo của chúng. Những ngày tháng đầu tiên là những thử thách ghê gớm, nhiều lúc tưởng chừng như không thể chịu đựng được. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Bông dù đã từng trải bao đắng cay, nhọc nhằn cùng chồng trên biển cả cũng phải rơi nước mắt.
Đêm nối đêm dài trên hòn đảo hoang không điện, không radio, không tiếng người, chỉ có ngọn đèn dầu lay lắt và nỗi ám ảnh về quần đảo “Hải tặc” cứ bao trùm. Bắt được mớ cá tươi, thèm ly rượu gạo uống cho ấm người cũng đành chịu nhịn.
Sợ nhất là những đêm giông bão, gió giật như muốn thổi bay nhà, nhổ hết cây cối, sóng đập rầm rầm rung rinh cả hòn đảo nhỏ, vợ chồng chỉ biết ôm nhau nhắm mắt phó mặc số phận cho trời đất. Có những ngày biển động, hết gạo 2 vợ chồng phải nhổ khoai mì (sắn) non ăn thay cơm.
Ông Bảy dẫn tôi ra thăm khu vườn, những cây đu đủ, cây xoài xanh tốt. Ông chỉ vào đàn gà gần trăm con nói: “Gà ở đây lớn nhanh lắm, xưa nay chẳng chết con nào. Vừa rồi cán bộ xã nói phải tiêu hủy sạch vì sợ lây nhiễm. Thật tội nghiệp chúng”.
Những cây sao, cây dầu do vợ chồng ông trồng cũng đang làm tăng thêm màu xanh cho đảo. Ban ngày chồng đi thả lưới, giăng câu, mò ốc, đêm về cùng nhau vá lưới… Khi bắt được con cá nào ngon, lớn thì gom lại đưa vào Hòn Tre lớn bán lấy tiền đong gạo. Trên đảo là ngôi nhà nhỏ, trên biển chỉ mỗi con thuyền mong manh chở không quá 3 người.
Quanh đảo Hòn Gùi, cá, sò, ốc nhiều vô kể, nhưng rồi cũng có ngày cạn kiệt. Ông Bảy đã khoanh một vùng nuôi ốc cờ – một loại ốc dễ nuôi, có sẵn giống ven đảo, dễ tiêu thụ, giá bán tại chỗ là 2.500đ/kg. Năm rồi ông Bảy bán được trên 1 tấn ốc cờ.
Trước khi tôi chia tay vào lại đất liền, ông Bảy tâm sự: “Tôi khai hoang hòn đảo này không chỉ cho tôi mà cho thế hệ các con, cháu tôi, chúng không thể sống mãi với nghề biển được. Chính quyền đang định cấp sổ xanh cho tôi trên hòn đảo này, nhưng tôi còn mong có cái sổ hộ khẩu ghi tên Hòn Gùi”.