>> Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa
TS Lê Đăng Doanh nói với Tiền Phong như vậy khi trao đổi về thông tin Tổng Cty Lương thực miền Nam Vinafood 2 lập doanh nghiệp sân sau để xuất khẩu gạo.
Nông dân Việt Nam không được hưởng lợi tương xứng từ hạt lúa mình sản xuất ra. Ảnh: L.H.Vũ |
Công an cần vào cuộc
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc lãnh đạo Vinafood 2 đồng thời là lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), được Chính phủ giao ký hợp đồng, bảo đảm việc xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng lại bán cho một Cty sân sau (Saigonfood) với giá thấp hơn giá sàn do chính VFA đưa ra là bất minh.
Điều đó, chứng tỏ ông Chủ tịch VFA tự phá quy định của mình. Đây là thủ đoạn trục lợi khá phổ biến, thường được gọi là gửi giá. Tức là, tôi bán cho anh với giá thấp, để rồi anh bán với giá thị trường. Mỗi tấn tôi bán cho anh giá thấp thì anh phải trả lại cho tôi một số tiền tùy theo mức chênh lệch giá trên từng tấn gạo.
Chỉ cần nhân lượng gạo đã xuất và số chênh lệch giữa giá được ghi và giá gạo trên thị trường, đặc biệt nếu biết được giá bán của Saigonfood ở Singapore, thì chúng ta sẽ tính được số tiền họ thu về là bao nhiêu.
Theo ông các cơ quan quản lý nhà nước cần có động thái gì?
Vấn đề cần làm rõ là số tiền chênh lệch này chảy vào túi những ai. Phát hiện này là minh chứng quan trọng rằng, để lãnh đạo một Tổng Cty đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội là vừa đá bóng vừa thổi còi.
TS Lê Đăng Doanh |
Nguy hiểm hơn, chính doanh nghiệp này trên cương vị của mình lại gửi giá, tìm lợi nhuận bất chính, phá giá xuất khẩu, tác động tiêu cực đến thị trường và nông dân. Như vậy, đã đến lúc chúng ta phải công khai việc này. Chúng ta cần đề nghị Cơ quan công an vào cuộc, đưa ra ánh sáng.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cần vào cuộc, xem xét lại một cách cơ bản cơ chế, vừa giao cho một Tổng Cty được cấp tín dụng ưu đãi để mua gạo, được xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đồng thời lại nắm hiệp hội, có quyền ấn định về giá, áp đặt luật chơi. Tôi đánh giá cao phát hiện này và đề nghị Báo Tiền Phong tiếp tục đi đến cùng.
Xuất khẩu gạo, nông dân chưa được hưởng lợi tương xứng với hạt gạo mình làm ra. Trong khi đó, hai tổng Cty lương thực lại thu lợi nhuận lớn. Ông đánh giá sao về việc phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất và kinh doanh lúa gạo hiện nay?
Tôi nghĩ việc này hiện có vấn đề nghiêm trọng. Một là, khâu thu mua qua quá nhiều tầng nấc mới đến nhà xuất khẩu. Thứ hai, nông dân bán gạo không được chia lợi ích xứng đáng, trong khi phải chịu tất cả những rủi ro về thời tiết, sâu bệnh, biến động giá cả.
Một công thức cần đưa ra thảo luận là cho nông dân thành cổ đông của những công ty xuất khẩu gạo. Các Cty này phải tham gia vào việc cung ứng tín dụng, vật tư nông nghiệp cho nông dân, tham gia vào quá trình sản xuất hạt lúa.
Như vậy, họ sẽ chịu một phần rủi ro với nông dân. Cùng với đó, nông dân sẽ được chia sẻ một phần lợi nhuận từ xuất khẩu gạo.
Muốn vậy, phải cải tổ cơ bản khâu phân phối. Nên thành lập hội đồng xuất khẩu gạo quốc gia bao gồm đại diện nông dân và các doanh nghiệp, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch. Lợi nhuận từ việc xuất khẩu gạo phải được tái đầu tư để cải tiến hệ thống hạ tầng xuất khẩu gạo.
Cắt ngay quyền của Vinafood 2 gắn với VFA
Tôi đề nghị nên đưa vấn đề này ngay đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để Quốc hội có căn cứ đưa ra chất vấn, thảo luận công khai tại kỳ họp tới đây. Đây là đóng góp thiết thực để bảo vệ quyền lợi của nông dân, góp phần khắc phục những trì trệ, xóa bỏ lợi ích nhóm, lợi ích sân sau, sống trên lưng nông dân bất chính. Việc gửi giá chứng tỏ một nhóm lợi ích sẵn sàng vi phạm quy định, lợi dụng đặc quyền được giao để kiếm lợi cá nhân, mà bỏ qua lợi ích quốc gia cũng như của hàng triệu nông dân - TS Lê Đăng Doanh
Phải chăng thực tế này cũng chính là nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam luôn thấp hơn một số nước?
Chính động cơ tư lợi là một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp để mặc giá xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp, miễn là lợi nhuận của họ được đưa lên tối đa thông qua việc gửi giá.
Tôi nghĩ rằng, đây là giọt nước tràn ly để Chính phủ phải xem xét lại. Nói thẳng ra, đây là một hành động tội phạm hình sự về mặt kinh tế, gây tác hại rất lớn. Nếu có đầy đủ chứng cứ, cần khởi tố vụ án này.
Doanh nghiệp xuất gạo với giá thấp, đồng nghĩa họ phải tìm mọi cách ép giá thu mua lúa của nông dân, quan điểm của ông ra sao?
Đương nhiên là như vậy. Bởi vì doanh nghiệp đi tìm lợi ích tối đa bằng việc chênh lệch giá, nên họ càng ép giá lúa của nông dân xuống thì càng có lợi. Đây rõ ràng là tầng lớp ăn trên ngồi trốc đối với nông dân. Phải cắt ngay quyền của ông Vinafood 2 gắn với VFA.
Nhưng hai Tổng Cty Lương thực thì luôn nói nếu không có họ thì ai đứng ra bình ổn thị trường lúa gạo khi có biến động, ai thu mua lúa cho nông dân, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu của Chính phủ?
Không phải như vậy. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức lại. Nông dân phải được tham gia vào những Cty cổ phần lúa gạo. Phải cổ phần hóa các tổng Cty này để hoạt động công khai, minh bạch. Không nên lợi dụng danh nghĩa tổng Cty nhà nước để cho phép một số người núp bóng thực hiện các hành vi lũng đoạn. Đây là điều hết sức tránh.
Thử hỏi Thái Lan xuất khẩu gạo có cần tổng Cty nhà nước không? Tại sao Việt Nam đã đi nghiên cứu mô hình của họ mà không phát hiện ra? Tại sao chúng ta cứ phải duy trì cơ chế phi lý như thế với danh nghĩa chỉ có tổng Cty nhà nước mới có thể làm tốt được? Thế làm tốt mà họ lại lập doanh nghiệp sân sau để gửi giá à(?).
Cảm ơn ông.
Hà Nhân
Thực hiện
Phó Tổng giám đốc Vinafood2 là Giám đốc SAIGON FOOD PTE tại Singapore Liên quan đến việc Tổng Cty lương thực miền Nam (Vinafood2) bán gạo cho chính “con đẻ” của mình tại Singapore mà dư luận đang đặt vấn đề về tính minh bạch của Cty trung gian này. Chiều 6/10, trao đổi qua điện thoại, bà Cao Thị Ngọc Hoa thừa nhận: “Tôi là Phó Tổng giám đốc của Vinafood2 phụ trách xuất khẩu và là Giám đốc SAIGON FOOD PTE tại Singapore. Cty có vốn đầu tư ban đầu 10 tỷ đồng. Khi Cty ở Singapore tìm kiếm được khách hàng thì chúng tôi lấy gạo của Vinafood2 bán đi châu Phi...”. |