Sơ tán hơn 10 vạn dân

Sơ tán hơn 10 vạn dân
TP - Đến 24 giờ đêm qua, 28/9, các địa phương khu vực Miền Trung phải hoàn tất việc sơ tán dân tại vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất, đồng thời chậm nhất 4 giờ sáng nay, 29/9, hoàn thành tất cả các phương án phòng, chống bão.
Sơ tán hơn 10 vạn dân ảnh 1
Ngư dân Quảng Bình vào bờ tránh bão

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo như trên trong cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vào sáng 28/9. Ước tính có hơn 10 vạn dân được di dời đến hết ngày hôm qua đến khu vực an toàn.

Đà Nẵng: Di dời 30.000 dân

Theo kế hoạch, ngành chức năng tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương di dời 7.000 hộ trên địa bàn với khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng sạt lở tập trung trên địa bàn các quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.

Hàng trăm cán bộ chiến sĩ bộ đội Trung đoàn 971, Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã được huy động tiến hành kiểm tra các vùng xung yếu, huy động dân ra khỏi các điểm sạt lở, gia cố nhà cửa, giúp dân thu hoạch hết số diện tích lúa, hoa màu còn lại của vụ thu - đông trên địa bàn các quận, huyện Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang.

Đại tá Mai Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết: Đã có hơn 670 tàu thuyền của ngư dân thành phố vào trú bão tại âu thuyền Thọ Quang, đến trưa qua (28/9), 35 tàu với gần 360 lao động còn lại cũng đã vào đến Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

BĐBP Đà Nẵng đã điều động tàu BO 081101 cùng 10 cán bộ chiến sĩ đi cứu nạn cứu hộ thành công tàu ĐNa 90051 và ĐNa 90082 (trên mỗi tàu có 10 lao động) của ông Hồ Văn Tình (trú tổ 8, phường Xuân Hà, Thanh Khê) đang trên đường vào bờ thì gặp sóng to không thể di chuyển.

Quảng Nam: Sơ tán 12.000 dân ven biển

Sáu xã ven biển của huyện Thăng Bình và Duy Xuyên, với khoảng 12.000 dân đã di dời khẩn cấp trong chiều và đêm 28/9. Những ngôi nhà này cách bờ biển 500 m, phải di dời ngay đề phòng sóng lớn  dâng  cao.

Hơn 100 tàu tại âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đã được lệnh phải đi ngay vào  Phường Củi, Bình Đào, Thăng Bình để tránh bão.

Hồ chứa nước Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên đang ở tình thế khá nguy cấp vì thi công chưa xong. Tại Cẩm An, Cửa Đại, TP Hội An, chỉ trong bốn giờ, sóng biển cuốn trôi hơn 1 km bờ biển, ăn sâu vào đất liền hơn chục mét; đe dọa công trình du lịch đổ xô xuống biển.

TP Hội An đã huy động lực lượng bộ đội và 100 học sinh,  3 xe cẩu, hàng chục xe tải, 4 máy hút cát,  sử dụng bao tải và xe múc để tập trung chống sạt lở.

Tại đảo Cù Lao chàm, đang có 15 tàu hàng hải Bắc Nam neo đậu trú bão, trước nguy cơ gió to, sóng lớn, những tàu này không thể di chuyển vào cảng Đà Nẵng trú ẩn. Tại phường Cửa Đại, Cẩm An, tất cả người dân ở phía đông đường Thanh Niên được di dời lên phía tây, để tránh bão và đề phòng sóng biển cuốn trôi.

Sơ tán hơn 10 vạn dân ảnh 2
Sơ tán tại nhà tránh lũ quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh: Nam Cường

TT- Huế: Đề nghị tăng cường phi đội bay ứng trực

Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy TT- Huế lưu ý lãnh đạo các sở, ngành tỉnh này đặc biệt chú trọng sơ tán dân trước khi bão đổ bộ, phòng tránh là chính, dứt điểm di dân ra vùng nguy hiểm trước 12 giờ trưa 29/9.

Từ chiều 28/9, các huyện vùng xung yếu Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền đồng loạt tổ chức di dân đến nơi trú ẩn an toàn, với sự trợ giúp của gần 1.000 cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng về túc trực cơ sở. Dự kiến, toàn tỉnh TT- Huế di dời hơn 21.230 hộ, với gần 10 vạn dân tại các vùng ven biển, đầm phá, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo PCLB &TKCN T.Ư tăng cường cho TT- Huế một phi đội bay ứng cứu dân trong tình huống nguy cấp. Chiều 28/9, ngành thương mại chuẩn bị xong 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm dự phòng cứu đói cho dân, đặc biệt ưu tiên hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới vốn thường xuyên bị mưa lũ chia cắt.

Ngành giáo dục tỉnh và các trường đại học tại TT- Huế cho hơn 100.000 học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ sáng 29/9. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tất cả các sở, ngành huỷ bỏ hội họp để tập trung nhân lực phòng chống bão số 9.

Quảng Trị: Hơn 2.000 tàu thuyền vào bờ trú ẩn

Tại Quảng Trị, tính đến 14 giờ ngày 28/9, trên địa bàn đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 200- 300mm, tại sông Hiền Lương là 463mm, Gia Voòng (thượng nguồn sông Bến Hải) là 349mm.

Đến 19 giờ ngày 28/9, đã có 2.169 tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn. Vẫn còn tám chiếc với 52 người trên thuyền đang trú ẩn ở Cửa Hội, Nghệ An và Bạch Long Vỹ.

Tùy theo diễn biến thực tế của bão, tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện di dời, sơ tán khoảng 2.647 hộ với 11.418 người bị ảnh hưởng trực tiếp đến nơi an toàn. Trước mắt, sẽ sơ tán dân tại 4 huyện ven biển là Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ.

Tỉnh Quảng Trị cũng đã quyết định cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều 28/9 để bảo đảm an toàn tính mạng cho các em. Sở Công Thương Quảng Trị cũng đã lên phương án dự trữ 14.000 thùng mì ăn liền, 40 tấn gạo và 6.000 lít dầu hỏa sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khi có yêu cầu.

Quảng Bình: Đồn Biên phòng thành nơi tránh bão

Hơn 17.000 dân ven sông, ven biển và vùng núi có nguy cơ sạt lở cao đã được chính quyền địa phương chủ động di dời đến nơi an toàn. Hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống cũng đã được đưa đến những vùng có nguy cơ cô lập trong bão lũ. Lực lượng CSGT sẽ chốt chặn ở những tuyến giao thông trọng yếu như: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, Quốc lộ 1A... để kịp thời hướng dẫn thông xe.

Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch ở hiện trường chỉ đạo di dời dân cho hay địa phương có hơn 2/3 xã nằm ở những vùng cồn bãi, ven sông, ven biển huyện đang tích cực chỉ đạo di dời dân đến những nơi như đồn biên phòng, trường học, trụ sở ủy ban các xã...

Huyện cũng có phương án tích trữ lương khô, mì tôm, nước uống để phát cho dân trong trường hợp bão lũ kéo dài. Huyện cũng đã chuẩn bị một số phương tiện như ôtô, tàu thuyền có công suất lớn để phục vụ cho việc đi lại ở những vùng có nguy cơ cô lập.

MỚI - NÓNG