Vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền được đặt ra từ khi nào, thưa ông?
Nói đúng ra vấn đề này được bàn thảo từ lâu, tôi nhớ nhất là được tham gia từ cuối T.Ư khóa VI đầu khóa VII. Hồi đó việc này đã gần thành hiện thực.
Khi ấy tôi còn là Ủy viên T.Ư, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng, ông Nguyễn Đức Tâm làm Trưởng ban. Tôi là một trong những người tích cực ủng hộ việc nhất thể hóa. Vấn đề này tôi cũng bàn bạc rất kỹ với ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Ngay từ đầu khóa VII, kỳ họp thứ nhất của T.Ư đã bỏ phiếu tán thành việc Tổng Bí thư sẽ ứng cử chức danh Chủ tịch nước. Nhưng khi đó lại có ý kiến không đồng ý cho nên vấn đề nhất thể hóa chức danh Đảng và chính quyền không thể thực hiện được.
Có ba lý do không đồng ý: Thứ nhất vì lo người đứng đầu nếu tuổi cao sức yếu không làm được; thứ hai lo năng lực không đảm đương được cả hai chức vụ; thứ ba, lo quyền lực tập trung vào một người thì liệu có thể dẫn đến mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán?
Theo quan điểm của tôi, khi chọn cán bộ phải chọn người có năng lực, sức khỏe để đảm đương nhiệm vụ chứ không làm ngược lại. Từ thể chế mà chọn cán bộ chứ không phải từ cán bộ mà quyết định thể chế. Còn quyền lực đã được phân cho ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không phải tập trung vào một người.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký ban hành kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Cán bộ từ nay đến năm 2020. Trong Chiến lược Cán bộ quan trọng này có một số vấn đề mang tính đột phá như thí điểm đề án nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh; đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu chọn ban lãnh đạo và người lãnh đạo… |
Khi đó xuất phát từ cơ sở nào mà Ban Tổ chức T.Ư đề xuất vấn đề nhất thể hóa, một vấn đề không mới đối với thế giới nhưng có thể được coi là mới ở Việt Nam?
Đây là vấn đề liên quan đến thực tiễn và lý luận, về đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền. Thể chế quyết định cơ chế, cơ chế thể hiện thể chế. Tôi nói cái đồng hồ này chẳng hạn, kim giờ, kim phút, kim giây, ba cái phải hoạt động riêng, mỗi cái có chức năng riêng chứ không thể lẫn lộn được.
Cần phân biệt rõ đảng cầm quyền với đảng lãnh đạo chính quyền. Tôi xin hỏi, trước năm 1945, Đảng có lãnh đạo không? Ai bảo Đảng không lãnh đạo, không lãnh đạo làm sao có phong trào cách mạng, có cách mạng tháng tám?
Lãnh đạo không có nghĩa là tôi ép buộc anh phải làm theo tôi. Lãnh đạo thì không thể bắt buộc, nhưng chính quyền lại có thể làm được việc đó. Lãnh đạo mà là bắt buộc thì không phải là lãnh đạo. Trước mỗi chủ trương, đường lối, nhân dân có người thông, người không, trong bộ máy nhà nước cũng thế.
Kể cả đường lối ấy có đúng đắn chăng nữa thì cũng có một số người không ủng hộ hoặc lưỡng lự, ít nhất là như vậy, cho nên anh phải thuyết phục họ. Nhưng đã là luật thì khác, mọi người phải chấp hành, chính quyền phải quản lý theo pháp luật.
Phải hiểu lãnh đạo là sự ảnh hưởng, lôi cuốn, là soi đường, vạch đường, chỉ lối, là vận động, thuyết phục, là nêu gương, là giới thiệu nhân sự…Cho nên phải hiểu và phân biệt cho đúng sự khác nhau giữa lãnh đạo và cầm quyền.
Cầm quyền là tôi trực tiếp nắm chính quyền thông qua việc bầu cử của nhân dân, thông qua Nhà nước chứ không có nghĩa là Đảng trực tiếp làm việc này. Đảng không trực tiếp quản lý đất nước mà Đảng chỉ lãnh đạo. Nhưng khi được nhân dân giao phó thì Đảng trực tiếp cầm quyền.
Cầm quyền tức là phải vào bộ máy quyền lực, tuân theo quyền lực của Nhà nước, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, toàn bộ phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Anh không thể quản lý đất nước trực tiếp bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chỉ thị, nghị quyết của Đảng là để lãnh đạo chứ không thay cho pháp luật được.
Nhất thể hóa chính là cầm quyền
Ý ông muốn nói Đảng phải lãnh đạo bằng đường lối, bằng cương lĩnh, bằng công tác tổ chức và cán bộ cần phân định rõ việc quản lý của Nhà nước với sự lãnh đạo của Đảng?
Đúng vậy. Lãnh đạo phải thông qua đường lối, cương lĩnh, thông qua tổ chức, cán bộ. Từ cương lĩnh, những ý tưởng chính trị phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật và quản lý đất nước bằng hiến pháp, pháp luật.
Còn chỉ thị, nghị quyết là để lãnh đạo, chỉ mang ý nghĩa bắt buộc trong nội bộ Đảng và có ý nghĩa vạch đường, chỉ lối cho toàn dân. Nếu dân ủng hộ và nội dung những chỉ thị, nghị quyết đó được chuyển hóa vào hiến pháp, pháp luật, lúc bấy giờ biến thành của dân và chỉ có luật pháp mới có giá trị bắt buộc. Cho nên nhất thể hóa chính là cầm quyền.
Các nước XHCN hiện nay như Trung Quốc, Lào, Cuba…, không tổng bí thư đảng nào không trực tiếp cầm quyền. Hầu hết các đảng cầm quyền ở châu Âu thì lãnh tụ đảng trực tiếp đứng đầu cơ quan hành pháp.
Các đảng ở phương Tây họ đi trước chúng ta rất nhiều, Bác Hồ học hỏi, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa từ nền dân chủ tư sản phương Tây, áp dụng vào Việt Nam ta gọi là làm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.
Nhằm tránh sự tha hóa của quyền lực, Montesquieus đề xuất tam quyền phân lập để không tập trung quyền lực vào một người, một chỗ nào, nhưng đây thực sự là cuộc đấu tranh rất quyết liệt. Mỗi nước vận dụng cụ thể công thức của Montesquieus.
Việt Nam cũng vậy, ta nói là phân công ba quyền, có sự hợp tác chặt chẽ song không phân lập. Về thực chất, nhất thể hóa chính là Đảng cầm quyền và chỉ khi nào thực hiện nhất thể hóa thì mới thực sự không điều hành đất nước bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Nếu không nhất thể hóa người đứng đầu thì sẽ không gắn được quyền lực và trách nhiệm. Quyền lực và trách nhiệm mà tách rời nhau là điều tối kỵ.
Cần lắng nghe ý kiến trái chiều
Tại sao lại là tối kỵ thưa ông?
Quyền lực thường có nguy cơ bị lạm dụng, tha hóa, bao giờ cũng phải có sự phê phán, ràng buộc, giám sát để phát triển bền vững. Khi không có ai dám phê phán thì làm sao có phát triển bền vững?
Tôi muốn nói bất cứ một ưu điểm gì mà tối đa hóa cũng là một hiểm họa. Khi ở đỉnh cao người ta khó hoặc không thấy được mặt khuyết điểm, anh chỉ thích nghe ủng hộ mà không thích nghe ý kiến phê phán. Một người chỉ thích nghe ủng hộ, chỉ thích nghe mình đúng mà không lắng nghe ý kiến trái chiều là hỏng rồi, nhưng không chết ngay mà chết từ từ.
Chính vì vậy, Montesquieus mới đề xướng thuyết tam quyền phân lập để tránh nguy cơ tha hóa, thoái trào của thể chế, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng thay thế kịp thời chứ không để "cùng tắc biến".
Trở lại vấn đề nhất thể hóa, sau lần T.Ư bỏ phiếu tán thành nhưng không thực hiện được, vấn đề này có được nhắc lại?
Thời kỳ sau đó không nhắc lại nữa vì nhiều lý do.
Ông nói hồi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ủng hộ vấn đề nhất thể hóa?
Đúng thế. Lần cuối gặp nhau trước khi ông Sáu đi xa, ông ấy vẫn giữ quan điểm đó.
--------------------
(Còn nữa)
Đặng Vương Hạnh
Thực hiện