'Thư chết' của Linda Lê - lời tạ tội của người con xa xứ

Linda Lê, tác giả gốc Việt thành công tại Pháp và cuốn sách vừa ấn hành trong nước
Linda Lê, tác giả gốc Việt thành công tại Pháp và cuốn sách vừa ấn hành trong nước
TP - Đầu năm đọc Thư chết của nhà văn gốc Việt Linda Lê, không biết có phải là điều nên. Ngay từ tiêu đề đã nhuốm màu chết chóc, cuốn sách có thể được người đọc lựa chọn vì mỏng nhẹ, nhưng đọc mới biết nội dung không hề mỏng nhẹ.

Nếu gọi tên thể loại của Thư chết, có lẽ đó là một bức thư, không hề là truyện dài hay tiểu thuyết. Đúng nghĩa một bức thư, dường như chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá về cuộc đời tác giả - một trong những nhà văn gốc Việt đang sống ở nước ngoài nổi tiếng nhất. Linda Lê quê ở Đà Lạt, sang Pháp từ năm 1977.

Bức thư do nhân vật “tôi”, có thể là chính Linda Lê, viết cho người bạn tên Sirius, để bày tỏ tâm tư của cô sau cái chết của người cha già nơi quê nhà.

Sống lưu vong tại Pháp hơn 20 năm, đến một ngày, nhân vật tôi được tin cha qua đời, cô quạnh trong căn nhà nơi ông sống vò võ một mình từ khi vợ con ra đi. Bức thư bộc lộ niềm hối hận khôn nguôi của một đứa con mãi mãi thất hứa không về bên cha như đã hẹn, lòng thương cha day dứt đến nhói tim can.

“Tôi tự cho mình thời gian trong khi người không còn thời gian nữa. Chúng ta luôn tin rằng chữ “Quá muộn!” sẽ không bao giờ vỗ thẳng vào mặt mình... Cha tôi có đôi môi bợt trên giường bệnh. Tôi đã không ở đó để thổi sự sống vào người” - nhà văn viết.

Khoảnh khắc biệt ly ngày người mẹ và tác giả rời Việt Nam được tái hiện đầy đau đớn: “Ngồi trên chiếc taxi đưa tôi đi, tôi nhìn thấy người trên chiếc xe đạp, nhớn nhác... Tôi thấy cha ở một ngã tư, lấy tay ra hiệu cho tôi. Rồi thì bóng cha biến mất mãi mãi”.

Trong thư, tác giả cũng không ngại nhắc đến nguyên nhân làm cô dần quên lãng cha: người đàn ông đã có vợ mang biệt danh Nhà Xác và “niềm đam mê tầm thường” cô dành cho anh ta. Trong lúc người cha mòn mỏi viết thư và chờ đợi hồi âm của con gái, cô mòn mỏi chờ đợi những lần tới thăm chớp nhoáng của Nhà Xác. Đọc thư cha, trả lời thư cha trở thành một việc nhàm chán phiền phức.

Linda Lê không ngại dằn mạnh chi tiết đó trong tác phẩm, như miết dao vào tim và xoáy sâu. Có cảm giác, người sống thấy dù có tự vấn lương tâm bao nhiêu thì cũng không đủ bù đắp cho những mất mát mà người chết đã phải chịu.

“Khi một người chết đi, chúng ta cứ lải nhải rằng người đó từng thích cái này cái kia, rằng người đó từng nói lời này lời kia, và những thứ mà người đó thích đều được chôn theo, những thứ người đó thích mang một vẻ đặc biệt, màu sắc của chúng đi vào bảo tàng: chúng trơ ra”.

Còn trong những ngày đầu năm 2014, Linda Lê “vỗ thẳng” vào mặt các độc giả quê nhà (bản tiếng Việt mới xuất bản) thực tế nghiệt ngã rằng họ có thể đánh mất người thân yêu bất cứ lúc nào bằng cách cư xử vô tâm thường ngày, đến lúc đó không cơn hối hận nào có thể cứu vãn.

Bức thư chứa đầy cảm xúc mãnh liệt này tựa như hành động quỳ gối tạ tội của người con gái bên vong linh cha. Đồng thời, ẩn chứa nỗi căm hờn dành cho người đàn ông bạc tình nơi đất khách, Nhà Xác, người mà trong suốt tác phẩm, Linda Lê đã dựng nên hình tượng hoàn toàn đối lập với người cha.

Những đứa con gái sinh ra và lớn lên bên cạnh một người đàn ông, chính là người cha, chỉ để đợi đến ngày đủ lông đủ cánh và tự đuổi theo giấc mơ về những người đàn ông khác. Cuộc đời là thế, đến mãi sau này khi ngoảnh lại, người ta mới kịp khóc một lần sau cuối, như Linda Lê đã làm qua bức thư này.

Chân thành và tha thiết, tác phẩm được đánh giá là “Giá thử hồi sinh là điều có thể thông qua việc viết, thì chắc chắn Linda Lê đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh điên rồ ấy”.

 Trong sách, Linda Lê dành nhiều dòng văn da diết cho quê hương Việt Nam. Chị viết về xứ sở vừa gần vừa xa: “đất nước của tuổi thơ tôi”, hiện lên trong cả ngôn ngữ: “chết” là “mất”.

MỚI - NÓNG